Phim về gia đình: Khẳng định những giá trị cốt lõi

- Phim đề tài gia đình đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa giải trí của khán giả Việt. Những bộ phim đề tài này vừa mang tính giải trí vừa lồng ghép những thông điệp sâu sắc về giá trị cốt lõi của tình thân, sự gắn kết và tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình.

Sự thấu hiểu và khơi gợi những giá trị truyền thống

Có thể nhận thấy nét chung của những phim đề tài gia đình là giúp thấu hiểu và khơi gợi những giá trị truyền thống.

Các nhà làm phim đã khéo léo lựa chọn những câu chuyện đời thường, gần gũi với khán giả để khai thác. Các bộ phim như “Về nhà đi con”, “Hướng dương ngược nắng”, “Mẹ chồng nàng dâu”, Hương vị tình thân, “Gạo nếp gạo tẻ”, mới đây là Trạm cứu hộ trái tim, Những nẻo đường gần xa, Hoa sữa về trong gió trên truyền hình hay Mai, Lật mặt 7 trên màn ảnh rộng… đã trở thành hiện tượng, thu hút hàng triệu lượt xem và trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội. Sự phổ biến của những bộ phim này đều có điểm chung là phản ánh chân thực các mối quan hệ gia đình trong xã hội hiện đại.

Những bộ phim gia đình thường phản ánh các tình huống mà mỗi gia đình đều có thể gặp phải như xung đột giữa cha mẹ và con cái, sự hiểu lầm giữa vợ chồng hay mối quan hệ căng thẳng với họ hàng. Khi khán giả theo dõi những tình huống này trên phim, họ có thể nhận ra rằng vấn đề của mình không phải là duy nhất và bất khả kháng. Điều này giúp họ có cái nhìn bao dung hơn, dễ dàng đồng cảm và thấu hiểu cảm xúc của người thân trong gia đình.

Các nhân vật trong phim phải đối diện với những hiểu lầm và tổn thương, nhưng cuối cùng đều vượt qua bằng sự kiên nhẫn, yêu thương và tha thứ. Những câu chuyện như vậy có thể truyền cảm hứng cho khán giả trong việc xử lý các vấn đề gia đình của chính mình. 

Bộ phim “Hoa sữa về trong gió” là bộ phim đề tài gia đình mang đến không khí gần gũi, nhẹ nhàng và thân thương.

Phim gia đình cũng giúp khơi gợi lại những giá trị truyền thống về sự hiếu thảo, tình thân và trách nhiệm gia đình, những điều đôi khi bị lãng quên trong xã hội hiện đại. Thông qua các câu chuyện về lòng hiếu kính với cha mẹ, sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái, hay tinh thần đoàn kết giữa các thành viên gia đình, phim giúp người xem nhìn lại và trân trọng hơn những mối quan hệ ruột thịt.

Chẳng hạn, “Gạo nếp gạo tẻ” đã đề cập đến những mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh rằng, dù có bất đồng ra sao, tình cảm gia đình luôn là điểm tựa vững chắc nhất. Những tình huống trong phim khiến khán giả suy nghĩ về cách họ đối xử với cha mẹ, anh chị em, từ đó có những điều chỉnh để cải thiện mối quan hệ.

Phim gia đình không chỉ mô tả những mâu thuẫn mà còn đưa ra cách giải quyết thông qua sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Các bộ phim như “Hướng dương ngược nắng” hay “Mẹ chồng nàng dâu” đều mang đến những bài học về cách xử lý các xung đột trong gia đình, từ đó giúp khán giả rút ra được kinh nghiệm để áp dụng vào cuộc sống thực.

Ngay cả những phim đã làm mưa làm gió màn ảnh rộng như Mai, Lật mặt 7… cũng đề cập rất ngọt những câu chuyện về gia đình, khiến người xem thấy lay động. 

Nhiều khía cạnh đa dạng và gần gũi

Các bộ phim gia đình thường khai thác đa dạng các khía cạnh của cuộc sống gia đình, từ mối quan hệ vợ chồng, mẹ chồng nàng dâu, cho đến những xung đột giữa cha mẹ và con cái. Nhờ đó, khán giả ở nhiều độ tuổi, hoàn cảnh khác nhau đều có thể tìm thấy sự gần gũi, đồng cảm trong câu chuyện phim.

Chẳng hạn, “Về nhà đi con” đã gây tiếng vang lớn khi xoáy sâu vào mối quan hệ giữa người cha đơn thân và ba cô con gái với những câu chuyện đầy cảm xúc, từ hài hước đến xúc động. Cũng là người cha đơn thân, phim Những nẻo đường gần xa đã thành công trong việc truyền tải thông điệp về tình yêu thương và thấu hiểu của cha với con gái, bất chấp mâu thuẫn thế hệ hay mọi khó khăn đời thường. Nhờ vậy chạm đến trái tim người xem với những cảm xúc chân thực nhất.

Nhờ khai thác đề tài gần gũi, chân thực cùng những thông điệp sâu sắc về tình cảm gia đình, phim gia đình không chỉ giúp khán giả giải trí mà còn đóng vai trò như một cầu nối, giúp gắn kết các thành viên trong gia đình. Trong xã hội hiện đại đầy bận rộn và căng thẳng, những bộ phim này nhắc nhở mọi người về giá trị của sự yêu thương, thấu hiểu và sự kiên nhẫn trong quan hệ gia đình, từ đó góp phần làm cho cuộc sống gia đình trở nên ấm áp và bền vững hơn.

Các bộ phim gia đình không chỉ đơn thuần là câu chuyện về cuộc sống thường ngày mà còn là tấm gương phản chiếu những vấn đề nóng bỏng của xã hội hiện đại như ngoại tình, bạo lực gia đình, áp lực công việc và sự đứt gãy trong giao tiếp giữa các thế hệ. Nhờ đó, phim không chỉ giải trí mà còn gợi mở nhiều suy nghĩ sâu sắc cho khán giả về cách sống và ứng xử trong cuộc sống gia đình.

Yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của các bộ phim gia đình chính là dàn diễn viên thực lực. Từ những diễn viên gạo cội như NSND Trung Anh, NSND Thanh Quý, NSND Lan Hương, Võ Hoài Nam, đến những diễn viên trẻ như Bảo Thanh, Phương Oanh, Thanh Hương… cùng nhiều diễn viên khác đã mang lại sự sống động và chân thực cho các nhân vật, khiến khán giả không chỉ theo dõi mà còn thực sự sống cùng nhân vật. Sự chuyên nghiệp trong diễn xuất của các diễn viên đã làm tăng tính chân thực và cảm xúc trong từng bộ phim.

Có thể nói, phim về gia đình không chỉ mang lại niềm vui giải trí, mà còn giúp khán giả nhìn nhận lại các giá trị gia đình truyền thống, đồng thời cung cấp những góc nhìn mới mẻ về những thách thức mà các gia đình hiện đại phải đối mặt. Sự thành công của dòng phim này khẳng định vai trò quan trọng trong việc xây dựng văn hóa giải trí lành mạnh và nhân văn cho công chúng; giúp gắn kết tình cảm gia đình trong xã hội hiện đại, nơi mà nhịp sống bận rộn và áp lực công việc đôi khi khiến các thành viên trong gia đình ít có thời gian chia sẻ, lắng nghe và thấu hiểu nhau.

An Ngọc

Tin cùng chuyên mục