1. Điểm yếu hay yếu điểm?
Hai từ này hoàn toàn khác nhau về nghĩa, nhưng không ít người vẫn dùng lẫn lộn trong bài viết, nhất là trong phát biểu và giao tiếp ngôn ngữ. Điểm yếu là khuyết điểm, nhược điểm, là cái phần dở (không mạnh). Âm tiết yếu trong từ điểm yếu là yếu, trái nghĩa với mạnh.
Còn yếu điểm có nghĩa là điểm chính, điểm quan trọng. Theo Đại Từ điển tiếng Việt, Nguyễn Như Ý, Nxb Văn hóa thông tin 1999, Yếu điểm là điểm quan trọng nhất, chính yếu nhất (VD: Phải biết được yếu điểm của đối phương mà hành động cho đúng). Từ yếu trong yếu điểm mang nghĩa chính, phụ (trọng yếu, cốt yếu).
Trong thực tế, nhiều người cầm bút vẫn lầm tưởng yếu điểm là khuyết điểm (lầm lẫn với điểm yếu). Nên mới nói: “Yếu điểm của chúng ta hiện nay là chưa có nguồn để khắc phục hậu quả lũ lụt” - thực ra phải nói “Điểm yếu của chúng ta…”.
2. Vấn nạn:
Trong nhiều bài nói, bài viết, nhất là trên đài, báo vẫn thường xuất hiện từ Vấn nạn nhằm nhấn mạnh về một vấn đề gây bức xúc trong xã hội mà chưa có cách gì giải quyết. Ví dụ: Vấn nạn nâng điểm, vấn nạn bằng giả, vấn nạn tham nhũng, vấn nạn phá rừng. v.v... Điều này khiến cho không ít bạn đọc và người nghe hiểu rằng vấn nạn là một vấn đề nghiêm trọng, gay cấn, nguy hiểm - ở một cấp độ cao hơn cả tệ nạn.
Thực ra “vấn nạn” là một từ Hán Việt, ít nhất là về mặt hình thức của nó, được kết hợp bởi hai yếu tố: Vấn và Nạn. Theo cấu trúc của từ Hán Việt thì trong từ hai âm tiết này, nạn đóng vai trò chính, vai trò trung tâm.
Nạn đứng riêng là một từ rất quen thuộc trong tiếng Việt, có nghĩa là một hiện tượng gây nguy hại, tai họa cho con người, cho cộng đồng, có thể do thiên nhiên hoặc do chính con người gây ra. Thí dụ như: nạn hạn hán, nạn trộm cắp, nạn cờ bạc...
Theo Đại từ điển Tiếng Việt, Vấn có nghĩa là hỏi, trái với đáp. Vấn thường nằm trong những kết hợp từ như: Vấn an - hỏi thăm sức khỏe người trên. Vấn danh - một thủ tục trong cưới xin trước đây. Vấn đáp - hỏi và đáp lại (như thi vấn đáp). Vấn đề - điều cần phải nghiên cứu giải quyết (như: mấy vấn đề được nêu trong cuộc họp, vấn đề lương bổng…). Ngoài ra, còn có tư vấn, chất vấn, cố vấn, tư vấn, học vấn…
Tuy nhiên, hiện nay không ít văn bản, báo chí lại xuất hiện cách dùng từ Vấn nạn theo cách hiểu méo mó như đã dẫn ở trên. Có lẽ người viết (nói) muốn ghép từ Vấn vào với từ Nạn để trở thành một từ mới để nói đến một loại tệ nạn gây bức xúc, đang trở thành một vấn đề nổi cộm. Thực ra đó là cách dùng từ chưa chính xác, sính chữ.
3. Dời và rời:
Theo Từ điển tiếng Việt của Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, từ “dời” mang hàm nghĩa đổi đi nơi khác. Tương tự, theo Từ điển Hoàng Phê (Viện Ngôn ngữ học), “dời” là động từ, có nghĩa là chuyển đi, dời chỗ đi nơi khác nói chung. Ví dụ: “Di dời dân đến nơi an toàn”, “đại diện chính quyền xã đã chỉ đạo di dời chợ đi nơi khác”.
Trong khi đó, từ “rời” mang nghĩa chia cắt, không liền mạch/khối, có nghĩa là tách lìa khỏi, tách ra khỏi vị trí ban đầu. Ví dụ: “đại diện chính quyền xã đã rời khỏi chợ” - có nghĩa là vị đại diện ấy đã không còn ở chợ nữa; khác với “đại diện chính quyền xã đã chỉ đạo di dời chợ đi nơi khác” - có nghĩa là cả cái chợ đã được di chuyển ra chỗ khác. Chiếc lá rời cành - có nghĩa là chiếc lá đã không còn ở cành cây.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn viết “di rời” thay cho “di dời”. Trong từ điển tiếng Việt, chỉ có duy nhất từ “di dời”, mang nghĩa là chuyển đi, dời đi chỗ khác. Do vậy, từ “di rời” không có ý nghĩa.
Gửi phản hồi
In bài viết