Ứng xử với nghề truyền thống

- Nghề truyền thống luôn lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời. Để phát huy những nghề truyền thống, cần có những giải pháp sáng tạo, phối hợp giữa cộng đồng và các cơ quan quản lý, nhằm giữ cho nghề truyền thống không chỉ sống động mà còn đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại.

Trao truyền để kế thừa

Yếu tố con người luôn là cốt lõi trong bất kỳ nghề truyền thống nào. Để các làng nghề tồn tại và phát triển trong phố, cần chú trọng đào tạo lớp trẻ kế cận. Các lớp học, khóa đào tạo ngắn hạn có thể được tổ chức không chỉ tại làng nghề mà ngay tại các trường học, trung tâm văn hóa của thành phố. Đây là cách để các em nhỏ có cơ hội hiểu và yêu nghề từ sớm, nuôi dưỡng một tình yêu sâu sắc đối với nghề truyền thống của quê hương.

Phụ nữ xã Tân An, Chiêm Hóa bảo tồn, phát huy nghề làm nón lá cọ truyền thống của đồng bào Tày.

Tuyên Quang đã có các HTX mây tre đan, thổ cẩm làm tốt điều này. Cần nhân rộng hơn. Việc mở rộng đối tượng kế thừa không chỉ dừng lại ở con cháu trong các gia đình làm nghề mà còn khuyến khích người trẻ ngoài nghề tham gia học tập. Các chương trình hợp tác giữa làng nghề và các trường học có thể giúp người trẻ tiếp cận thực tế, mang kiến thức thiết kế, quản lý vào làng nghề.

Cải tiến và đổi mới sản phẩm

Để tồn tại trong môi trường hiện đại, làng nghề cần linh hoạt thích ứng với thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng đô thị. Những sản phẩm thủ công cần được cải tiến về kiểu dáng, chất lượng và chức năng. Ví dụ, một tấm thổ cẩm có thể trở thành vật trang trí hiện đại cho quán cà phê, nhà hàng, gia đình; hay một bộ trang phục dân tộc có thể thêm những đường nét thời trang mà vẫn giữ được nét truyền thống. Sự kết hợp giữa nghệ nhân làng nghề và các nhà thiết kế trẻ có thể mở ra những xu hướng sản phẩm mới, sáng tạo và khác biệt. Điều này không chỉ làm tăng giá trị cho sản phẩm thủ công mà còn giúp nghề truyền thống tiếp cận gần hơn với giới trẻ.

Tạo không gian trải nghiệm

Để hòa mình vào nhịp sống hiện đại, những nơi có làng nghề cần tạo ra những không gian giới thiệu sản phẩm thủ công, chẳng hạn như các phố đi bộ, hội chợ làng nghề, khu phố nghệ thuật. Đây không chỉ là nơi trưng bày, bán sản phẩm mà còn là dịp để nghệ nhân biểu diễn trực tiếp, tạo nên mối kết nối gần gũi giữa người làm nghề và người thưởng thức.

Các không gian làng nghề này cũng có thể mở rộng thêm các hoạt động trải nghiệm cho du khách, giúp họ tự tay làm ra những sản phẩm nhỏ và mang về làm kỷ niệm. Lễ hội thành Tuyên là dịp du khách được trải nghiệm Trung thu. Nhưng nên chăng tổ chức thêm những điểm sản xuất những mô hình đèn trung thu cỡ nhỏ để bán làm đồ lưu niệm, đồng thời cho du khách cùng trải nghiệm làm mô hình. Điều này tạo nên sự gắn kết văn hóa và lan tỏa giá trị của nghề truyền thống, của sản phẩm du lịch địa phương và mang lại giá trị kinh tế

​Ứng xử với làng nghề cần sự quan tâm của nhiều phía.

Với những nghề đã mai một hoặc không còn

Khi một số làng nghề đã không còn tồn tại, việc giữ lại giá trị và dấu ấn của những nghề này là điều quan trọng để thế hệ sau hiểu và trân trọng di sản văn hóa truyền thống. Tuyên Quang hiện không còn phố nghề đan cót, nghề làm cát, đan phên, thêu cờ… một thời. Nên tổ chức trưng bày các công cụ, sản phẩm và trang phục của người thợ xưa và tái hiện không gian làm việc, mô phỏng quy trình làm nghề; giúp người tham quan hình dung sống động về nghề nghiệp của người xưa và giá trị lao động mà họ đã để lại. Nếu làm được không gian mô phỏng nghề xưa này, thành phố cũng sẽ có thêm những điểm đến và trải nghiệm cho du khách.

Trong kỷ nguyên công nghệ số hiện nay, việc số hóa tư liệu là giải pháp bền vững và dễ tiếp cận để bảo tồn những làng nghề không còn tồn tại, cho phép mọi người tìm hiểu về các làng nghề một cách dễ dàng và tiện lợi. Đồng thời, nội dung số có thể tiếp cận người xem trên phạm vi rộng, đến nhiều tầng lớp và quốc gia khác nhau.

Việc tổ chức các lễ hội văn hóa, ngày hội làng nghề cũng giúp tái hiện lại không gian sản xuất, trang phục, các công đoạn làm nghề giúp mọi người cảm nhận được không khí lao động xưa. Các hoạt động này không chỉ mang lại trải nghiệm chân thực mà còn giúp người tham dự hiểu rõ hơn về giá trị và tầm quan trọng của nghề truyền thống. Tại hoạt động này, có thể mời những nghệ nhân hoặc người từng làm nghề đến chia sẻ câu chuyện và kinh nghiệm, truyền tải thêm những giá trị tinh thần mà nghề nghiệp để lại. Việc truyền khẩu như vậy thường để lại ấn tượng sâu sắc và khơi dậy cảm xúc gắn bó với văn hóa truyền thống cho cả người nghe và người xem.

Mặt khác, cũng cần khuyến khích các nghệ nhân đương đại kế thừa tinh hoa từ những nghề đã mất để phát triển thành sản phẩm mới. Nghệ nhân có thể học hỏi kỹ thuật, cảm hứng thiết kế từ những sản phẩm xưa để sáng tạo ra các sản phẩm thủ công độc đáo, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Việc này không chỉ góp phần làm sống lại tinh thần của những làng nghề đã biến mất mà còn giúp nâng cao giá trị thẩm mỹ của sản phẩm.

Nhưng quan trọng hơn, những giải pháp nêu trên phải có sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương và các tổ chức văn hóa, với các chính sách hỗ trợ về tài chính, đào tạo, xúc tiến thương mại sẽ tạo điều kiện để các nghệ nhân yên tâm gắn bó với nghề và bảo tồn, phục dựng nghề mai một. Mỗi giải pháp đều cần sự phối hợp của cả cộng đồng, nghệ nhân, và chính quyền. Có như vậy, những nghề, kể cả nghề không còn vẫn được sống trong ký ức tập thể, trở thành di sản quý báu, để các thế hệ tương lai luôn tự hào về di sản văn hóa truyền thống của cha ông.

Thái An

Tin cùng chuyên mục