Bản hòa âm đất nước

- Ngày thơ Việt Nam là ngày hội tôn vinh thành tựu thơ ca Việt Nam, được tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm. Dù mỗi năm Ngày thơ Việt Nam được tổ chức với một chủ đề khác nhau và mỗi chủ đề đều có một ý nghĩa riêng… đi qua nhiều cung bậc cảm xúc nhưng đều hội tụ những tư tưởng nhân văn sâu sắc và truyền cảm hứng tới tất cả công chúng. Từ những hình thức tổ chức ban đầu còn đơn giản, “Ngày thơ Việt Nam” qua mỗi năm thu hút được số đông bạn yêu thơ, trở thành ngày hội tôn vinh các tác giả.

Đại diện lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng đại diện lãnh đạo Hội VHNT tỉnh thực hiện thả thơ lên bầu trời tại Ngày thơ năm 2023.

Theo tác giả Đỗ Anh Mỹ, Chi hội trưởng Chi hội Văn học Tuyên Quang chia sẻ về nguồn gốc, ý nghĩa của Ngày thơ Việt Nam, năm 1468, nhân một dịp đi kinh lý vùng Đông Bắc, vua Lê Thánh Tông có ghé vào chân núi Truyền Đăng, phía giáp với Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) vãn cảnh đề thơ. Xúc động trước cảnh sắc thiên nhiên sơn thủy hữu tình, vua đã ứng khẩu thành thơ và cho khắc bài thơ lên vách đá. Từ đây, núi Truyền Đăng thường được gọi là núi Bài Thơ.

Xuất phát từ ý nghĩa lịch sử này, theo đề nghị của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, năm 1988, UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định lấy ngày 29-3 dương lịch hằng năm làm Ngày thơ Quảng Ninh. Sau các lần tổ chức, Ngày Thơ Quảng Ninh đã gây được tiếng vang trong phạm vi cả nước. Trước sức lan tỏa rộng rãi đó, sau nhiều lần bàn bạc, thảo luận, xin ý kiến chấp thuận của các ban, ngành cấp trên, tại Kỳ họp thứ 8, khóa 7, ngày 26-12-2002, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định lấy ngày rằm tháng giêng hằng năm (ngày Tết Nguyên Tiêu) làm Ngày Thơ Việt Nam.

Cho đến nay, hình tượng lá cờ thơ và hình ảnh chim Lạc bay cùng bài Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) của Hồ Chí Minh trong Ngày Thơ Việt Nam đã trở thành một dấu ấn thân quen với nhiều người dân Việt Nam. Ngày thơ Việt Nam và Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành điểm hẹn của những người bạn ở cả trong thơ và đời, trở thành nét sinh hoạt văn hóa lành mạnh của một bộ phận không nhỏ nhân dân ta.

Tại Tuyên Quang, ngày thơ Việt Nam đều đặn được tổ chức long trọng với các hoạt động: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức lễ thả thơ, dựng quán thơ nhằm tạo dựng không gian trưng bày, giới thiệu sách, báo, thơ của các tác giả và tạo điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác giữa các tác giả, tác giả với công chúng...

Tác giả Thèn Hương, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chia sẻ, những năm gần đây ngày thơ Việt Nam lần lượt được tổ chức tại các trường học trong tỉnh nhằm đưa thi ca đến gần hơn với công chúng. Theo đó, sau nghi thức dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, vị lãnh tụ kính yêu của cả dân tộc, thi nhân Việt Nam, người yêu thơ đã được nghe lại 2 bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” (Lý Thường Kiệt), “Nguyên Tiêu” (Hồ Chí Minh). Hòa trong cảm xúc thiêng liêng thành kính và tôn vinh Ngày thơ, nghi thức thả thơ được diễn ra trước sự chứng kiến của khán giả.

Các nhà thơ cùng trao đổi thi ca cùng các học sinh Trường THPT Chuyên Tuyên Quang.

Nhà thơ Ngọc Hiệp chia sẻ: “Quả thực mỗi lần được chứng kiến hình ảnh những quả bóng bay mang theo những tấm lụa đỏ có in thơ được thả lên bầu trời, văn nghệ sỹ chúng tôi cảm thấy tự hào lắm, đó là cách nói lên khát vọng, tôn vinh nghệ thuật thi ca mãi bay cao, bay xa cùng thời gian”.

Vào phần chính Ngày thơ, chương trình mang đến các tiết mục trình diễn thơ như: đọc diễn cảm, ngâm thơ, thơ phổ nhạc, hát múa. Đây là tác phẩm của các nhà thơ, người sáng tác thơ trên địa bàn tỉnh. Trong không gian ấm cúng, công chúng, những người yêu thơ, nhạc được thưởng thức những tiết mục giàu cảm xúc, khi lắng đọng, lúc thăng hoa, thể hiện được niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước trong mùa xuân mới; tình cảm gia đình; tình yêu lứa đôi.

Còn nữ tác giả Quỳnh Nga chia sẻ: “Đến hẹn lại lên, sau một năm dài bao ngày chờ đợi, đây là cơ hội để các thi sĩ như chúng tôi được cháy hết mình thể hiện “đứa con tinh thần” ấp ủ bao lâu nay”.

Hiện nay, Phân hội Văn học có 60 hội viên, riêng lĩnh vực thơ có 19 tác giả. Cùng với sự cách tân, đổi mới tìm hướng đi riêng cho thơ, năm qua thi sĩ Tuyên Quang đã có tìm tòi, thể nghiệm. Bên cạnh các chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, thơ cũng cần đi sâu khai thác viết về số phận con người, những góc cạnh trong cuộc sống xã hội.

Năm nay Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 mang đến cho công chúng những di sản thi ca quý báu trong kho tàng thi ca của 54 dân tộc anh em. Không gian Ngày Thơ lấy cảm hứng từ chủ đề “Bản hòa âm đất nước” với giai điệu tự hào ca ngợi Tổ quốc, tình yêu đôi lứa trên dọc dài dải đất hình chữ S Việt Nam. Với nét mới mẻ là từ không gian được thiết kế đặc biệt để trưng bày quảng bá giới thiệu tác giả, tác phẩm và những câu thơ hay, đặc sắc. Tại vị trí trung tâm, là sân khấu nơi diễn ra phần trình diễn Ngày thơ.

Ngày thơ Việt Nam hàng năm đã trở thành một sự kiện văn hóa thu hút sự quan tâm của nhiều người yêu thơ. Năm nay, Ngày thơ được tổ chức tại Trường Đại học Tân Trào với mong muốn đưa thơ ca đến gần với công chúng. Đây cũng là dịp các nhà thơ bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ, trách nhiệm công dân trước độc giả; tạo động lực thúc đẩy cảm hứng sáng tạo, giúp họ có thêm nhiều sáng tác mới hướng đến chân - thiện - mỹ.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục