Tươi mới, đẹp đẽ, đầy sức sống
Không biết tự bao giờ, mùa xuân đã đi vào thi ca, trở thành một dòng chảy dạt dào với nhiều cung bậc cảm xúc. Nhắc đến thơ xuân trong thời kỳ thơ mới, không thể không nhắc đến nhà thơ Xuân Diệu. Giữa vườn xuân đa sắc, đa hương, Xuân Diệu đã “xác lập” cho mình một vị thế đặc biệt.
Trong thơ ông, những khoảnh khắc của mùa xuân hiện lên đầy sắc màu, âm thanh của sự tươi vui, rộn ràng và cảm xúc: “Giữa vườn inh ỏi tiếng chim vui/Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời/ Sao buổi đầu xuân êm ái thế/ Cánh hồng kết những nụ cười tươi/Mùa xuân chín ửng trên đôi má... (Nụ cười xuân). Khí xuân, sắc xuân căng tràn, vừa gợi lên nét dịu dàng nhưng không kém phần ngọt ngào, quyến rũ: “Của ong bướm này đây tuần tháng mật/Này đây hoa của đồng nội xanh rì/Này đây lá của cành tơ phơ phất/ Của yến anh này đây khúc tình si/Và này đây ánh sáng chớp hàng mi/Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa”.
Thơ xuân thời hiện đại cũng không ngoại lệ. Các nhà thơ xứ Tuyên tả về mùa xuân với những câu từ thật đẹp và tươi mới. Nếu như nhà thơ Vũ Mạnh Tữ đưa người đọc đến với mùa xuân rộn ràng trong ngày hội quê hương, đầy lộc non và câu hát Then say đắm: “Xuân về mang hơi ấm/Cho cành bế lộc xanh… Nghe tiếng trống dập dềnh/Câu ới la ai gọi” - (Nhớ ngày vào hội).
Đức Sơn dẫn người đọc lạc vào một mùa xuân nơi vùng cao thật tráng lệ, hùng vĩ và đầy thơ mộng, với “non nõn nương chè Shan”, với “Ngần trắng bồng bềnh sông mây”. Một miền biên cương bát ngát với “Khung trời hồng tươi mùa hoa đào, hoa mận”, với “con đường óng nắng” chen lẫn “tiếng họa mi reo” - (Họa Mi reo mùa xuân về). Thì Minh Anh lại đưa ta về với mùa xuân với sự tròn đầy, đẹp đẽ, trong trẻo, nhẹ nhàng nơi thôn quê: “Tháng Giêng mơn mởn hồng đào/Thơm tho đọt nắng ngọt ngào tầm xuân…Tháng Giêng khai bút dệt thơ/ Long lanh đáy nước, ngẩn ngơ bóng Hằng/ Thả hồn theo gió cùng trăng/Hoa cau ngan ngát băng băng hương nồng” - Hạnh ngộ tháng Giêng).
Coi mùa xuân như những “nàng thiếu nữ”, những cô gái mới lớn đầy xuân sắc, hừng hực sức sống và sự lôi cuốn. Đinh Minh Sơn viết: “Xuân vừa đến hay em vừa đến/Gõ cửa nhà tôi, gửi giọt nắng bên thềm/Xuân vừa hát hay em vừa hát/Để không gian trầm bổng nhạc êm đềm/Xuân đã đến gọi chồi non hoa nở/Gọi ban mai, soi giọt nắng long lanh/Xuân gieo vào mắt em thăm thẳm/Ngàn vì sao, cả khoảng trời xanh…” (Em và mùa xuân).
Mỗi nhà thơ dẫn ta đến một mùa xuân thật đẹp của riêng mình, với những cảm xúc và vẻ đẹp đặc trưng không hề lẫn.
Thêm tin yêu và hy vọng
Chính bởi mùa xuân đẹp đẽ, tươi mới, tràn đầy sức sống nên cứ thế mùa xuân trở thành biểu tượng để các thi nhân thả sức nói về tuổi trẻ, niềm tin yêu và hy vọng.
Thơ xuân của Tố Hữu từng rạo rực sức trẻ, thiết tha trước cuộc sống dựng xây, niềm vui lan tỏa, hy vọng về một tương lai tươi đẹp ở phía trước: “Đường nở ngực. Những hàng dương liễu nhỏ/Đã lên xanh như tóc tuổi mười lăm/Xuân ơi Xuân, em mới đến dăm năm/Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội/Như hôm nay, giữa công trường đỏ bụi/Những đoàn xe vận tải nối nhau đi/ Hồng Quảng, Lào Cai, Thái Nguyên, Việt Trì/ Tên đất nước reo vui bao tiếng gọi” - (Bài ca mùa xuân 1961). Hay “Vì muôn đời hoa lá xanh tươi/Ta quyết thắng. Giành mùa xuân đẹp nhất” - (Bài ca xuân 68).
Nhà thơ xứ Tuyên Trần Xuân Việt đưa người đọc đến với là mùa xuân của đổi thay, no ấm, là niềm tin về cuộc sống mới ngày càng tốt đẹp lên: “Xa rồi những tháng, những ngày/Du canh trên núi sương dày núi giăng/Ôi mùa xuân đến Na Hang/Là mùa thắng lợi bản làng quê ta” - (Xuân Na Hang).
Còn mùa xuân trong thơ của nhà thơ Vũ Bé lại là sự hồi tưởng, niềm thương nhớ, tin yêu với Bác khi dạo bước thăm lại những nơi Bác Hồ từng ở và làm việc tại ATK Tân Trào. Chị viết: “Ai chở mùa xuân lên Việt Bắc/Cho hoa đào nhuộm thắm núi rừng/Cho chim én rộn ràng chao liệng/Sông Đáy hiền hòa trong vắt một dòng thơ… /Con trở về thăm Khuôn Điển thân thương/Để “gặp” Bác trong những câu chuyện kể/ Hoa đào thắm trên con đường rực nắng/“Ba Đình” xưa giữa xanh thẳm núi rừng” - (Con về “gặp” Bác).
Giữa bộn bề của cuộc sống và sự gấp gáp của thời đại công nghệ số, đọc rồi chìm đắm trong những vần thơ xuân với những câu từ đẹp đẽ, tươi vui mà rộn rã, hào hùng được các thi nhân gửi gắm, ta như sống chậm lại để thấy xốn xang, phấn chấn, để thêm tin yêu, hy vọng và biết ơn những “mùa xuân” tươi thắm của cuộc đời.
Gửi phản hồi
In bài viết