Đồi cọ mùa xuân, gió lướt trên lá cọ làm chúng va vào nhau xào xạc, lấp ló trong lá tiếng của các loài chim vang lên ríu rít. Dưới chân đồi, cỏ biêng biếc xanh, đám hoa dại thi nhau đua nở, những cánh bướm đầy màu sắc bay lượn dập dờn. Trong căn nhà nhỏ nằm núp mình dưới tán cọ, tiếng khóc của đứa trẻ cất lên giữa mênh mang đất trời. Khoảnh khắc ấy như hòa vào khúc ca của mùa xuân tươi đẹp, hạnh phúc lấp lánh trong từng giọt nước mắt đang lăn trên má người.
Lãnh nhớ, lần đầu tiên mình đến đồi cọ không phải vào mùa xuân. Đó là một ngày đông lạnh giá và tâm trạng anh không được tốt. Như một thói quen, khi cảm thấy lòng mình chông chênh, chán nản Lãnh sẽ lặng lẽ một mình trên xe rong ruổi cả ngày. Điều ấy giúp tâm hồn anh thư thái, những căng thẳng, mệt mỏi cũng vơi đi. Còn gì tuyệt vời hơn là những phút giây được sống trong tự do và đam mê, Lãnh nghĩ vậy.
Mỗi chuyến đi, Lãnh mang theo giấy, bảng màu và cọ vẽ, anh sẽ vẽ để lưu lại tất cả những khoảnh khắc rung động trước thiên nhiên và con người. Thật diệu kỳ, đôi khi chỉ một nhành hoa dại cũng đủ làm con người ta quên đi bao muộn phiền. Với Lãnh được tự do làm những điều mà mình thích chính là hạnh phúc.
Lãnh say sưa ngồi vẽ. Hoa dại và bướm trắng đang dần hiện lên sinh động trong bức tranh. Hoa dại nở một cách mãnh liệt, dù là rét mướt, cánh của chúng vẫn trắng tinh khôi, nhị vẫn vàng rực rỡ. Vẻ đẹp ấy, đã quyến rũ lũ bướm kia làm chúng cứ quấn quýt không nỡ rời xa. Thiên nhiên thật tươi đẹp, vẻ đẹp của sự tự do. Lãnh lại nhớ đến câu nói của mẹ: “Một khi con người đã muốn thì con chim cũng đừng hòng có tự do”.
Đó là lý lẽ của mẹ sau khi bà xé toạc bức tranh: “Bình minh của chú chim chào mào” mà con trai mình đang vẽ. Năm đó, trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố Lãnh không giành giải nhất, nhưng anh không cảm thấy buồn mà còn mải mê ngồi vẽ. Bức tranh vụn vỡ trong tay mẹ cùng lời nhắc nhở: “Là đàn ông phải có tiền bạc và địa vị thì người ta mới kính nể, dăm ba cái hão huyền mơ mộng nó không để làm gì cả”. Lạ thật, những thứ không để làm gì mà mẹ nói lại luôn là động lực an ủi Lãnh mỗi khi anh cảm thấy chán chường hay mệt mỏi.
- Ngoại ơi, vườn nhà mình có người lạ!
Lãnh giật mình nhìn về phía có tiếng người, đôi mắt thiếu nữ mở to nhìn anh ngạc nhiên, giữa màu xanh của cây cối, khuôn mặt nàng bừng sáng cùng nụ cười tươi trẻ của cô gái vừa độ mười tám đôi mươi. Lãnh cũng mỉm cười nhìn nàng, trong nụ cười thoáng một chút ngượng ngùng.
Thiếu nữ tên Thanh, đang cùng ông ngoại của mình rọi lại mái nhà cũ. Hai ông cháu kể rằng, cứ vào độ cuối năm, họ sẽ chặt các tàu lá cọ để dặm lại mái nhà, chuẩn bị đón xuân, đón Tết. Lãnh lấy làm rất ngạc nhiên vì ông cụ đã ngoài bảy mươi, dáng người cao gầy, da nhăn nheo vậy mà ông vẫn leo trèo rất điêu luyện. Ông cụ cười bảo, vì được sống ở nơi thiên nhiên trong lành, lại quen lao động nên vẻ ngoài có già nua, xấu xí nhưng trong người luôn thấy khỏe khoắn, nhẹ nhõm lắm. Lãnh cũng phải gật gù công nhận điều đó.
Tối đó, khi ra về thì Lãnh phát hiện xe máy của mình bị xịt cả hai lốp, ông lão cười ngặt nghẽo bảo rằng chắc là mấy đứa trẻ chăn trâu bò thấy xe lạ nên nghịch rồi. Lãnh đành ở lại qua đêm trên đồi cọ. Đó cũng là lần đầu tiên anh được ở trong một căn nhà tranh vách đất. Đưa mắt nhìn qua căn nhà một lát, Lãnh trộm nghĩ có lẽ thế giới bỏ quên hai con người này chăng. Trong nhà không có ti vi, tủ lạnh, không Internet, chỉ có mỗi một chiếc radio nhỏ để nghe tin tức.
Mọi thứ mờ ảo dưới ánh điện tù mù, chỉ có ngọn lửa là bập bùng sáng nơi góc bếp. Họ cùng ngồi ăn cơm trên một chiếc chõng tre, bên cạnh những chiếc nồi đun củi nhọ nhem. Các món ăn đậm đà hương vị thôn quê, nồi cá kho nâu ánh bắt mắt cùng nộm hoa chuối và món rau bí xào tỏi. Ăn một miếng cá kho, vị đậm đà lắng lại nơi cổ họng khiến Lãnh bồi hồi nhớ vị cá kho của nội năm nào, từng mảnh ký ức tươi đẹp cứ thế ùa về. Xong bữa ông cụ bảo:
- Chắc đây là lần đầu cậu Lãnh đến nơi này, ông cháu tôi sẽ mời cậu ăn một món, cậu xem có ngon không nhé!
Thanh mang ra một nồi, mở nắp, toàn những quả dài thon to gần bằng ngón chân cái, phần vỏ xanh đậm trầy xước để lộ lớp thịt vàng óng, nước trong nồi ấp ánh như mỡ gà.
- Cậu ăn đi!
Lãnh cầm quả ăn thử, mùi lạ lắm, không thơm nức mà thơm dìu dịu mùi đất, mùi cỏ. Ăn một miếng thấy vị ngọt thanh như tan ra trong miệng, đọng lại nơi cổ họng là cái vị bùi bùi, béo béo ở mức vừa phải. Lãnh khẽ thốt lên vì thấy ngon. Anh còn chưa biết đây là quả gì thì ông cụ tiếp lời:
- Đây là quả cọ ở đồi nhà tôi đó, cậu thấy ngon không?
Nói rồi ông lão cười hiền quay sang bảo cháu gái:
- Thanh này, sáng mai con lấy nhiều nhiều cọ nhé, gửi anh Lãnh một ít, nhớ ghi rõ cách ỏm cho anh ấy mang về phố. Còn đâu thì mang đi học ỏm cho bạn bè cùng ăn.
Thanh mỉm cười. Cô kể với vẻ mặt tiếc nuối, rằng mấy đứa bạn thích ăn cọ lắm, đứa nào cũng khen ngon, có đứa bảo chưa được tận mắt ngắm nhìn đồi cọ một lần. Có đứa lại nuối tiếc vì hình ảnh đồi cọ chỉ còn trong quá khứ. Giờ người ta ưu tiên phát triển kinh tế, cây cọ cũng bị chặt hết đi để trồng cây khác, đất ở đồi cọ cũng bị múc đi để san lấp mặt bằng,… nghĩ mà đau lòng. Ông lão thấy cháu phiền lòng thì an ủi:
- Con yên tâm, chừng nào ngoại còn sống, ngoại sẽ luôn giữ cho đồi cọ này được xanh tươi.
- Sau này con ra trường con sẽ biến đồi cọ này thành một nơi thật ý nghĩa ngoại ạ!
- Thôi, chuyện đó để tính sau, giờ việc của con là gắng học cho thật giỏi đã.
Hai ông cháu nhìn nhau cười hạnh phúc, gió lùa qua kẽ lá lạnh buốt, ở nơi này lạnh hơn thành phố rất nhiều. Vậy mà Lãnh bỗng thấy lòng mình ấm áp. Bên bếp lửa bập bùng hai người trẻ cùng chuyện trò vui vẻ, họ kể cho nhau nghe về những ước mơ.
Rời đồi cọ, về thành phố mà lòng Lãnh vẫn không ngừng suy nghĩ về ước mơ của Thanh. Ánh mắt của em có một niềm tin mãnh liệt, nhìn vào mắt em anh tin ước mơ ấy sẽ thành hiện thực. Nghĩ vậy Lãnh khẽ mỉm cười hạnh phúc. Nhưng nụ cười nhanh chóng biến mất, mẹ quăng túi quả cọ rơi vãi, lăn lóc trên sàn nhà. Bà bực bội việc thằng con trai không quan tâm đến sự nghiệp mà chỉ suốt ngày mơ mộng hão huyền. Lãnh chỉ biết im lặng trong bất lực.
Ánh mắt tức giận của mẹ càng làm anh nhớ đến cặp mắt dịu hiền của ông lão. Anh thường mang những bức ký họa đồi cọ ra ngắm nghía, những cây cọ cao vút hiên ngang, thảm cỏ và nền trời xanh cứ êm đềm hiện ra trước mắt. Anh thèm những phút giây đầm ấm như cái buổi ấy, cái buổi được ở trên đồi cọ cùng ông cháu nhà Thanh.
Sau ngày hôm đó, hễ có cơ hội là Lãnh lại lên xe đến đồi cọ để tìm kiếm những phút giây bình yên sau bao nhiêu ngột ngạt nơi đô thành. Hơn bao giờ hết, chiếc cọ vẽ hiểu rằng trái tim chủ nhân nó đang bị lỗi nhịp, chỉ cần cầm cọ lên là đôi mắt và nụ cười của Thanh cứ choáng ngợp tâm trí Lãnh. Thanh như một đóa hoa dại, tinh khôi và mạnh mẽ. Chính điều ấy đã khớp hồn Lãnh, khiến anh như lạc vào một miền thơ, chỉ toàn thấy những ngọt ngào và dịu êm.
Một buổi chiều mùa thu, khi Lãnh đến đồi cọ nhưng chỉ gặp mỗi ông lão. Không khí có vẻ trầm buồn hơn mọi lần. Ông lão ngồi trên chiếc chõng tre, rít thuốc lào liên tục, tiếng rít có phần nặng nề lắm. Đôi mắt đượm buồn, ông lão nhìn Lãnh vẻ khẩn cầu khiến lòng anh thấy bất an.
Rồi ông kể Lãnh nghe, Thanh là đứa cháu ngoại duy nhất của ông. Đó là kết quả của tình yêu bồng bột giữa cô gái thôn quê trẻ dại với một người thanh niên giàu có nơi phố thị. Người thanh niên đến rồi đi, không thấy quay trở lại. Mẹ Thanh có thai và mất ngay sau khi sinh con. Ông là người nuôi Thanh từ lúc lọt lòng đến giờ. Con bé ngoan ngoãn và hiếu thảo. Hai ông cháu chỉ mong có một cuộc sống bình yên. Vì thế, xin Lãnh đừng làm phiền hai ông cháu ông nữa. Chuyện không vui đã là của quá khứ, ông chỉ muốn những điều tốt đẹp đến với cháu gái của ông thôi. Những lời ấy như nhát dao đâm vào tim Lãnh. Đau đớn hơn, khi Lãnh biết mẹ đã đến tận đó để xúc phạm hai con người vốn dĩ vô tội ấy. Anh đành lòng rời đi trong day dứt.
Gửi phản hồi
In bài viết