Lối về nguồn cội

- “Có người nói nghiên cứu văn hóa dân gian dân tộc là con đường dài và khó thế nhưng tôi vẫn luôn kiên định trên con đường mình chọn. Tôi tin rằng trên con đường này tôi không hề độc hành bởi cuộc đời con người có thể có nhiều lựa chọn, nhiều lối đi nhưng rồi ai cũng sẽ tìm về với nguồn cội quê hương, dân tộc mình!”. Với ý nghĩ đó, suốt bao năm qua, nữ tiến sỹ 8x Triệu Thị Linh luôn là người có trách nhiệm văn hóa dân tộc. Chị gắn cho mình nhiệm vụ giữ gìn bảo tồn văn hóa dân tộc bằng tất cả niềm đam mê.

Yêu từ những câu chuyện cổ

Triệu Thị Linh là người dân tộc Cao Lan, sinh năm 1983, từng có thời gian dài làm việc tại Trường Đại học Tân Trào. Năm 35 tuổi chị bảo vệ thành công Luận án tiến sỹ chuyên ngành văn học Việt Nam. Chị là hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam. Hiện nay chị đang công tác tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ngay từ khi còn nhỏ Triệu Linh được nuôi dưỡng bởi những lời hát Sình ca của bà, của mẹ, được sống trọn vẹn trong cái nôi văn hóa truyền thống của người Cao Lan.

Chị luôn ý thức kho tàng văn hóa dân gian dân tộc Cao Lan vô cùng quý giá nếu không biết trân quý, giữ gìn thì sẽ bị mai một. Chị luôn dành nhiều thời gian và công sức để sưu tầm, lưu giữ, ghi lại những câu truyện cổ, lời Sình ca… để truyền lại cho đời sau.

Ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, Triệu Thị Linh đã thực hiện đề tài “Hệ thống nhân vật trong truyện cổ tích kể về người mồ côi của dân tộc Cao Lan ở Tuyên Quang”. Công trình đã xuất sắc đoạt giải Nhì cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 2005”.

Chị Triệu Thị Linh.

Truyện cổ dân gian của các dân tộc thiểu số là một kho tàng quý báu. Có thể thấy mỗi ngọn núi, dòng sông, con suối, đình, đền… đều có sự tích gắn với địa danh đó hay mỗi tộc người đều có những câu chuyện cổ tái hiện cuộc sống, cách tư duy, ứng xử hàng ngày. Trải qua thời gian kho tàng truyện cổ dân gian xứ Tuyên được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Cũng như các truyện cổ dân tộc khác, truyện cổ người Cao Lan có tính chất truyền miệng nên những câu chuyện thường có kết cấu đơn giản, nội dung dễ hiểu, dung lượng vừa đủ để lý giải vấn đề nhưng trong đó lại gửi gắm những bài học sâu sắc.

Triệu Thị Linh chia sẻ, truyện cổ người Cao Lan ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thuộc. Mỗi câu chuyện mang những ý nghĩa riêng, đó là bài học làm người, bài học đối nhân xử thế; ca ngợi nghĩa khí, sự thật thà, của những người con Cao Lan trong cuộc sống hàng ngày; cuộc chiến quả cảm, mưu trí giữa bà con Cao Lan và các loài thú dữ; giặc xâm lược, những tên lưu manh, gian ác…Những câu truyện cổ với cái kết có hậu, “ở hiền gặp lành” gửi gắm nhiều thông điệp sâu sắc, hướng con người đến chân thiện mỹ trong cuộc sống.

Những cuộc điền dã và cuốn sách về truyện cổ Cao Lan 

Cuối năm 2023, cuốn sách “Cậu bé cầm bút thần đánh giặc” đến tay bạn đọc nhỏ tuổi trong cả nước. Cuốn sách nhỏ xinh, đẹp từ nội dung đến hình thức thu hút nhiều độc giả nhí. Tác phẩm bao gồm 24 câu chuyện cổ tích dân tộc Cao Lan do soạn giả Triệu Thị Linh sưu tầm ghi chép và giới thiệu đến bạn đọc.

Chị Triệu Linh chia sẻ, để hoàn thành nghiên cứu này, chị đã thực hiện điền dã suốt 2 năm liên tục tại các bản làng người Cao Lan sinh sống. Chị được gặp gỡ những nghệ nhân, những cụ già Cao Lan để chuyện trò, khơi gợi về câu chuyện cổ. Chị cẩn thận ghi âm, ghi chép và ghép nối, biên soạn thành câu chuyện hấp dẫn.

Tác phẩm là những câu chuyện giản dị về cuộc sống những người dân nghèo, chịu hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi trong cuộc sống.
Đến với “Chàng Đăm được nhẫn thần”, “Chàng Chao có phép lạ”, “Sự tích hạt lúa”, “Chàng rể Rắn”… ta được gặp những người nghèo khó, thân phận thấp hèn bị coi thường, hắt hủi. Thế nhưng dù cuộc sống có khó khăn, gian khổ, nhiều thử thách họ vẫn luôn giữ bản chất hiền lành, thật thà, hết mình giúp đỡ sẻ chia với người khác.

Mỗi câu chuyện đều khép lại với những cái kết có hậu “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”. Đó là, chàng Đăm được nhẫn thần nhưng không tham lam, được lòng công chúa vua nước thủy tề và nên duyên vợ chồng; chàng Chao thật thà, yêu thương vợ con với sự nỗ lực của mình đã được bố vợ là lão nhà giàu công nhận là con rể; chàng nông dân thật thà, cần cù, chịu thương chịu khó đã tìm ra được hạt lúa giúp đỡ bản làng ấm no…

Cuốn sách Cậu bé cầm bút thần đánh giặc của Triệu Thị Linh.

Tác phẩm còn có nhiều câu chuyện kể về quá trình đánh đuổi giặc xâm lược, đuổi loài thú dữ vào rừng sâu của đồng bào Cao Lan nhiều mưu trí, dũng cảm. Chúng ta bắt gặp chuỗi những nhân vật đó trong câu chuyện cổ tích như: “Người Cao Lan đuổi hổ dữ”, “Tráng sĩ cóc Sằm Sừ”, “Cậu bé cầm bút thần đánh giặc”, “Cây trám của cha mẹ”…

Bạn đọc nhỏ tuổi như được phiêu lưu trong những câu chuyện cổ. Đó là những chàng trai, cô gái dũng cảm một lòng giúp đỡ bản làng, đất nước thoát khỏi giặc dã ngoại xâm.

“Cậu bé cầm bút thần đánh giặc” kể về câu chuyện 1 cậu bé con trai của một người mẹ xấu xí và bố là người nhà trời (trong hình hài một con lợn rừng). Chẳng may bố cậu bé bị thợ săn bắn chết, cậu bé sống cùng mẹ và làm bạn với 1 con ốc thần. Ốc thần cho 2 mẹ con nhiều tôm cá, còn tặng một chiếc bút thần, có khả năng vẽ được tất cả mọi thứ thành hiện thực. Cậu bé không tham lam cho riêng mình mà luôn giúp đỡ những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong bản làng. Cậu bé cất bút thần cẩn thận, chỉ dùng vào những việc tốt, tránh vào tay kẻ xấu, tham lam…

Một năm, có giặc ngoại bang đến cướp bóc trên đất người Cao Lan, cậu bé ngày nào lớn phổng, trở thành chàng trai cao lớn. Chàng xin phép mẹ được cầm cây bút thần đi đánh giặc. Và cậu dùng bút vẽ trai tráng khỏe mạnh, mũi chông sắc lẹm, giáo mác, lương thực… Chẳng mấy chốc đội quân đã tiêu diệt được địch. Nhà vua vui mừng gả công chúa cho chàng trai. Hai vợ chồng đón mẹ già về phụng dưỡng, sống hạnh phúc bên nhau.

Bên cạnh đó là những sự tích về các loài chim, câu chuyện lý giải về Sình ca... Tất cả đều vô cùng cuốn hút, hợp tình hợp lý khiến độc giả khó mà rời mắt được để rồi mải miết đọc suốt từ trang đầu đến trang cuối.

Cuốn sách có sự hấp dẫn bởi cốt truyện gần gũi; lối hành văn, cách diễn giải, nối ghép câu chuyện khá mạch lạc, ngắn gọn và không kém phần hấp dẫn. Soạn giả Triệu Thị Linh mang đến cho người đọc một bức tranh đa sắc màu về cuộc sống, cách cảm, cách nghĩ, lối tư duy theo mạch thẳng của đồng bào Cao Lan. Chị luôn có một niềm tự hào về cốt cách của người đồng bào mình. Cuốn sách sẽ giúp độc giả nhí mở rộng thêm trí tượng tưởng của mình, yêu trân trọng những điều gần gũi trong cuộc sống, định hình nhân cách cho trẻ. Đồng thời hướng mỗi chúng ta đến những điều tốt đẹp, thiện lương trong cuộc đời.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục