Ông Bàn Xuân Triều chuẩn bị cho ra mắt tập thơ song ngữ "Niềm tin và cuộc đời".
Với chất giọng “lơ lớ” chất phác, hồn hậu của người Dao, ông Bàn Xuân Triều tâm sự, ông con thứ hai trong gia đình, hồi còn mang thai, bố mẹ ông luôn có niềm tin và kỳ vọng sau này ông sẽ được học hành tử tế nên đã làm lễ “cầu”. Chính chữ “Cầu” này mà tên ông được phiên âm đặt là “Triều”, Bàn Xuân Triều. Ông bảo, quê mình ở thôn Trung Phìn, xã Sinh Long (Na Hang) một vùng quê nghèo, đi lại cực kỳ khó khăn.
Do sống biệt lập nên trước kia hầu hết số người trong thôn mù chữ. Nhờ có ánh sáng của Đảng, Nhà nước mà thầy cô giáo và các công nhân dưới xuôi đã lặn lội lên Trung Phìn dạy học, mở xưởng sản xuất chè Shan tuyết. Sau này, những cán bộ người Kinh đi mở đường lên Sinh Long đã khơi dậy trong ông Triều về khao khát muốn thoát nghèo, lạc hậu. Con đường đơn giản nhất chính là phải học. Ông tiến thủ học xong xóa mù chữ ở trường làng, rồi quyết tâm “khăn gói quả mướp” theo học Trường Thanh niên Dân tộc Na Hang, Trường Thanh niên Lao động Xã hội Chủ nghĩa Cấp 3 tỉnh Tuyên Quang ở xã Kim Quan (Yên Sơn).
Thời kỳ này ông Bàn Xuân Triều phải chuyển nhà xuống xã Sơn Phú (Na Hang) để đi lại, thuận lợi cho việc học hành. Năm 1993 ông xuống tỉnh công tác và ở tại tổ 6, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho đến nay. Học xong ra công tác tới bây giờ đã gần nửa thế kỷ, ông Bàn Xuân Triều tự suy ngẫm về cuộc đời của một con người, về con đường vượt qua được những thử thách ấy? Ông bảo, không có gì cao xa, chỉ đơn giản là, khi đã: “Thấy rõ niềm tin lòng thanh thản/Vượt qua gian khó hướng tương lai/Dù có hy sinh chẳng hề tiếc/Cùng với muôn dân giữ nước nhà” - Tập thơ “Niềm tin và cuộc đời”.
Trước kia tôi vẫn nghĩ ông Bàn Xuân Triều say mê sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy văn hóa Dao, trong đó biết một số đề tài nghiên cứu, sách chung, riêng khá nổi của ông đã được xuất bản như: “Tranh thờ của người Dao” của các tác giả Ma Văn Đức - Tống Đại Hồng - Bàn Xuân Triều; “Lễ cưới tơ hồng của người Dao đỏ” của Bàn Xuân Triều - Tống Đại Hồng; “Nghiên cứu nguồn gốc người Dao qua sách cổ và nghi lễ cổ” của Bàn Xuân Triều; “Văn hóa người Dao Tuyên Quang” của Bàn Minh Đoàn - Bàn Xuân Triều. Nay tôi lại giật mình khi biết ông chuẩn bị in tập thơ song ngữ bằng tiếng Dao và tiếng Việt với tiêu đề “On phiêm kếu xấy miền” - “Niềm tin và cuộc đời”.
Ông có tác phẩm "Tiếng tù và gọi Ngọc Hoàng của người Dao đỏ Tuyên Quang" đăng ở Tạp chí Nguồn Sáng.
Ông Bàn Xuân Triều kể, qua đi các hội thảo khoa học về nguồn gốc người Dao, ông thấy các nhà nghiên cứu người nước ngoài rất am hiểu, thích thú với văn hóa Dao. Ông tự nhủ, mình là người Dao thì mình tự phải làm được cái gì đó, rồi tập trung nghiên cứu viết sách, viết thơ. Tập thơ “Niềm tin và cuộc đời” của ông ra đời trong ý tưởng đó gồm hàng trăm trang song ngữ, được chia làm 2 phần. Phần 1 là 21 bài thơ song ngữ do ông tự sáng tác, phần 2 là 13 bài thơ cổ sưu tầm, dịch thuật.
Trong bài “Sự thực đây rồi huyền thoại xưa” ông viết: “Mảnh đất ngàn xưa mãi lưu truyền/Câu chuyện truyền kỳ về Nà Hang/Núi Pắc Tạ chứa bao huyền thoại/Đời truyền đời lưu đến ngày nay/Ngọn núi thiêng cứu người thoát nạn/Đại hồng thủy gây họa ngàn xưa/Tương truyền chín mươi chín ngọn núi/Trăm con Phượng hoàng xưa tới đây…”. Thơ ngoài chất sử thi còn giàu chất chữ tình, mang quy luật của cuộc sống. Bài “Trời và sương đêm” thể hiện rõ: “Vầng dương tan dần sương đêm/Cỏ cây tận hưởng ngày thêm đâm chồi/Cứ thế qua bao tháng ngày/Cỏ cây xanh phủ lớp dày trên non”.
Bài “Cây mọc trên đất cằn” tác giả như viết chính nói về cuộc đời ông: “Có loài cây mọc trên đất cằn/Trải qua nắng gió càng dẻo dai/Tự vươn mình lên theo năm tháng/Giúp cho đời người mãi tươi xinh”. Thơ ông có nội dung phong phú, trong đó “Thơ cấp sắc” không thể thiếu: “Bàn Cổ khai thiên và lập địa/Bàn Vương khai sinh các họ Dao/Chiểu theo tiên tổ mười hai họ/Thông qua cấp sắc nối tông đường/Nối dõi tiên tổ chàng trai Dao/Qua lễ cấp sắc lòng thanh thản/Chàng trai Dao muốn qua cấp sắc/Chăm lo học hành luyện trí thông…”.
Theo ông Bàn Xuân Triều, thơ Páo dung có nhiều trong sách cổ của người Dao, vì thế ngoài sáng tác mới ông còn dày công sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật, đưa vào phần 2 tập sách thơ “Niềm tin và cuộc đời”. Thơ cổ chủ yếu là thơ dạy học, kể về nguồn gốc thiên di của người Dao, trận Đại Hồng Thủy, truyện Bàn Vương, thơ cúng, cấp sắc, ma chay, cầu mùa, ca dao, tục ngữ, hôn nhân, đối đáp giao duyên, lao động sản xuất…
Trong bài thơ cổ “Thơ Thuyết nhân”, đây là nội dung quyển sách dạy và học chữ Dao cổ của người Dao: “Từ khi Bàn Cổ mở trời đất/Tam Hoàng Ngũ Đế tạo nhân gian/Ít nhiều người xưa đều trung hiếu/Cha mẹ trung hiếu với triều đình/Người xưa đã nói con hiếu thuận/Mà nay lại nói bậc con cháu/Phụng dưỡng người già nghe lời xưa/Đời sau nghe lời cha mẹ dạy/Cha gọi, mẹ nói phải ưng ngay…”. Trong tình yêu người Dao cũng rất lãng mạn, bài “Thơ tình gửi phương xa” có đoạn: “Xuân về cầm bút viết tình thư/Gửi về phương nơi ấy vầng trăng/Lòng tuy chưa được thảnh thơi/Nhưng vì hoa thơm bốn phương rộ/Nơi nơi ong bướm thỏa sức say/Muốn tỏ lòng thương đâu đến được/ Nơi ấy hoa đẹp ở phương xa…”.
Ông Bàn Xuân Triều sinh năm 1953, tuổi Quý Tỵ, cầm tinh con rắn. Ở cái tuổi 70 ông đã có quyền được nghỉ ngơi, vui vầy với con cháu, gia đình. Bên cạnh việc riêng, ông tích cực lo việc chung của cộng đồng người Dao Tuyên Quang. Với vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa dân tộc Dao Tuyên Quang, Trưởng Ban liên lạc Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa Dao toàn quốc ông vẫn dốc tâm, gương mẫu làm việc đó. Ông vui khi bài thơ “Phượng Hoàng lại bay về” trong tập thơ của mình được Nhạc sỹ, nghệ sỹ ưu tú Đinh Tiến Bình phổ nhạc, thành bài hát lưu truyền nhân gian.
Gửi phản hồi
In bài viết