Bình yên một lối đi riêng

- Những câu thơ của Phương Viên cứ lặng lẽ đi vào đời như tự thân vốn có. Tác giả chọn cho mình một lối đi riêng nhẹ nhàng mà sâu lắng, đắm đuối cuồng nhiệt mà tĩnh lặng, khao khát kiếm tìm nhưng không đơn độc.

Tìm về miền ký ức

Phương Viên tên thật là Phạm Thị Thu Hường, là người Tuyên Quang. Hiện nay chị sinh sống và làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh. Chị hiện là một trong những nữ thi sỹ nổi tiếng, hoạt động tích cực tại Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh. Độc giả biết đến chị qua nhiều tập thơ như Lối cỏ vàng, Guốc mộc em đi, Yêu thêm lần nữa... Chị có nhiều bài thơ gói trọn cảm xúc về quê hương và những hoài ức về miền núi, dù bao năm sống nơi chốn thị thành vẫn không thể nào quên.

Tác giả dành những trang viết đầu tiên gửi gắm nỗi niềm tới quê hương xứ Tuyên. Mảnh đất chị lớn lên với bao hoài ức tươi đẹp. Những mảnh ghép kỷ niệm xa xưa ấy tựa như suối nguồn tắm mát để thi sỹ chắt chiu tạo nên những vần thơ mang nặng nghĩa tình: “Mẹ - Quê ơi! Sáng, trưa, chiều khắp nẻo/Mỗi khi về còn nhớ nỗi gieo neo/Mẹ vẫn trông theo con bước đường đời/Mỗi khi về vòng ôm nức nở theo/Ánh mắt nheo chân chim nhòe lệ/Gục trong lòng, con bé lại tuổi thơ”. (Mẹ và quê hương).

Sinh ra và lớn lên ở thôn quê, Phương Viên cứ tự nhiên hấp thụ vào mình tất cả những thanh âm bình dị, trong trẻo và vô cùng phong phú ấy. Và rồi chị tái hiện qua thơ một cách nhẹ nhàng, dung dị, cảm xúc về mẹ, về quê hương cứ trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm như Khát lời mẹ ru, Mẹ và quê hương, Mẹ ơi con sợ, Chốn quê…

Chị hồi ức nguồn cội bằng những hình ảnh quen thuộc, người đọc dần dần nhập thân vào rừng, vào suối, nét văn hóa vùng miền: “Thương quê nghèo, thương cả dáng núi vơi/Thoáng chiều rơi, vòm trời, khoảng mây trắng/Nắng đẩy triền dốc đá nặng một bên/Để tôi nghiêng lòng nhớ nguồn chìm xuống/Cánh chim trời vỗ cánh gọi bay lên” (Dáng núi).

Những đêm nằm nơi phố thị, người con gái ấy vẫn mơ tưởng đến những điệu Then, tiếng đàn Tính, tiếng Khèn… nơi non cao xa lắc lơ: “Người yêu ơi! Em thổi khèn môi/Hát lên lời tình tự/Gọi anh về - đi cướp cô dâu/Anh ở đâu? Có nghe khèn em tha thiết” (Xuân về trên đỉnh núi).

Những hình ảnh ấy cứ trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm, trở thành nỗi nhớ khắc khoải, sự day dứt với quê hương bản quán. Và chỉ cần ai đó vô tình nhắc đến chốn bình yên thân quen ấy là bao nỗi niềm như chợt tuôn trào. Những câu thơ trải lòng một cách tự nhiên: “Tha hương quanh quẩn nơi đâu/Bao nhiêu ký ức đêm nhàu ngẩn ngơ/Một đời lặn lội trong thơ/Vượt sông trèo núi chở mơ về nhà” (Quê tôi).

Rõ ràng thơ Phương Viên có giọng điệu và ngôn ngữ rất riêng. Một thứ ngôn ngữ thơ giản dị nhưng đầy ám ảnh được dồn nén, chất chứa. Thơ chị thường sử dụng nhiều tính từ và động từ, cách gieo vần đầy tinh tế tạo nên chiều sâu không gian - chiều sâu nội tâm của nhân vật trữ tình. Nữ sỹ từng tâm sự rằng, cảm xúc chông chênh, khắc khoải nhớ thương quê nhà được chị cất lên sau bao năm tháng thăng trầm nơi xứ người. Tất thảy hình ảnh ấm áp nơi miền quê là ngọn lửa sưởi ấm, hành trang để người đàn bà xa xứ tự tin bước tiếp trên đường đời.

Những phút giây chiêm nghiệm

Thi sỹ Phương Viên được đánh giá là người hoạt động văn hóa nghệ thuật khá sôi nổi. Trong một lần trò chuyện với Phương Viên về “Thơ và thơ của Phương Viên”,  nhà thơ Hà Việt Nhân (Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn học nghệ thuật Việt hạt bụi vàng đơn vị trực thuộc liên hiệp Hội Unessco Việt Nam) có nói, thơ Phương Viên sử dụng câu từ giản đơn nhưng ẩn chứa trong đó tính nghệ thuật cao. Chị biết lồng vào thơ những khắc họa đời thường làm người ta nhớ. Sự nhung nhớ ấy vốn có sẵn trong tiềm thức mỗi người nhưng nhiều khi bị vùi quên vì cuộc sống. Chị biết diễn đạt tiếng lòng một cách kín đáo, chân thực qua những lời tự tình người đàn bà bước qua tuổi 40.

Những ấn phẩm thơ của tác giả Phương Viên.

Thơ Phương Viên như có nhạc, những giai điệu ấy vốn dĩ được cất lên từ tâm hồn mong manh và yêu cái đẹp. Tâm hồn của những người đàn bà đi qua tình yêu đủ để nhìn lại và chiêm nghiệm thứ gia vị cuộc đời đầy ngọt ngào và cũng lắm đắng cay: “Từ anh, em hóa vô thường/Từ em, anh bớt đoạn trường tháng năm/Từ tình, đẹp cả gió trăng/Từ ta, buộc mối tơ giăng suốt đời” (Từ những hư vô).

Người đọc bắt gặp trong thơ chị những dằng dặc nỗi niềm của sự tiếc nuối, luyến lưu một thời. Thơ tình của chị khá tinh tế, chú ý từng chút một, dù một cử động, một rung cảm trong tình yêu. Từ hạnh phúc vỡ òa trong niềm khao khát yêu thương đến tâm trạng xót xa đớn đau chia lìa trong gang tấc. Tất cả đó là những lớp cắt êm ái và thi vị. Là một phụ nữ, khái niệm cũng như cách nhìn về một thân phận dở dang của phụ nữ khác được Phương Viên thể hiện bằng những vần thơ đau đáu: “Thương hoa tiếc ngọc mà chi/Vấn vương hoán dụ mấy khi khởi sầu/Đã đành buốt ruột đợi khâu/Đơn côi vá lại tình đầu rách toang/Bật cung tơ phím chùng loan/Mà rơi xuống tận lo toan giữa đời” (Tự sự).

Ở đây, nhà thơ nhìn tình yêu và cuộc sống bằng ánh nhìn đa cảm, đúc kết bằng những ngôn ngữ sống động. Nhiều bài thơ nổi bật bởi chất giọng trầm buồn, dịu dàng, đau đáu nỗi đời, nỗi người. Bài thơ “Ta đi qua cơn khát” với 7 khổ thơ, những câu thơ tung tẩy như nhịp đàn lên xuống. Điệp từ “Ta đi qua cơn khát” cứ lặp đi lặp lại tạo dấu lặng trong thanh âm trầm lắng nỗi buồn cuộc sống: “Ta đi qua cơn khát/Thấy đời đã cạn vơi/Khô kiệt giấc mơ cười/Vì lòng người bạc bẽo”.

Một chút chua chát, cay đắng của người đàn bà sau những năm tháng dốc lòng, hết mình vì tình yêu, kiếm tìm sự chân thành của một nửa còn lại. Thế nhưng đi đến tận cùng thì điều nhận lại là nỗi đau, sự thất vọng bởi yêu rất nhiều nhưng nhận chẳng được bao nhiêu: “Ta đi qua cơn khát/Thấy tình yêu nhạt phơi/Nụ hôn đã tàn héo/ Người tình đã xa rồi”.

Đọc những câu thơ này ta mới nhận thấy sự đa cảm, khát khao và ước mơ như giăng đầy trong thế giới thơ của Phương Viên. Luật xa gần, sắc độ tương phản từ những “bảng màu cuộc sống” đã được Phương Viên quảng diễn bằng những câu thơ chứa đựng nhiều trăn trở. Đó là sự cộng cảm, sự hóa thân, sẻ chia của người thơ biết dấn thân, dự phần vào nhịp luân hành của đời sống bề bộn hôm nay: “Thế rồi lòng hết mùa xuân/Rửa trôi đi hết tuổi hồng thơ ngây/Thế rồi góc phố hàng cây/Đưa tay che lấy mái đầu bạc phơ” (Lục bát cho anh); “Ân tình ai đó bỏ rơi/Có khi đem nhặt về khơi sắc vàng” (Lục bát đa đoan); “Tình nào thì cũng phôi pha/Có tình tri kỷ mới là trăm năm” (Tri kỷ); “Ước gì sóng nối bờ non/Mơ cho biển hẹp chỉ còn một gang/…Mộng thơ ao ước ru đời/Thiên đường hạnh phúc vẫn chờ đón ta” (Đóa vô thường).

Nhiều năm qua sống và hoạt động văn nghệ ở TP Hồ Chí Minh nhưng nhà thơ Phương Viên vẫn đều đặn dành thời gian để trở về với Tuyên Quang. Mỗi lần trở về được gặp người thân, bè bạn, chị như được tiếp thêm sức mạnh và động lực để hăng say, nhiệt huyết với cuộc đời và thi ca. Quả thực, Phương Viên đã tìm thấy được chân dung của mình qua những dòng thơ bằng sự trải nghiệm, chắt lọc để từ đó vươn tới những chân trời đang rộng mở.

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục