Niềm vui của mẹ

- Năm nay, trường đại học của khu vực chính thức được mở tại khu phố mới Mẻ Quàng. Xóm đồi heo hút khi xưa bỗng chốc trở nên nhộn nhịp, sầm uất với tốc độ xây dựng đến chóng mặt. Nhiều công trình bề thế khang trang được dựng lên. Nhà cửa, quán sá của dân xung quanh cũng được xây cất rất nhộn nhịp.

Mọi người thi nhau mở dịch vụ. Cho thuê nhà trọ, cắt tóc gội đầu, quán cơm bình dân… Thôi thì đủ thứ. Sinh viên các tỉnh kéo về nườm nượp. Người ta trực ở cổng trường, vào tận khu đón tiếp sinh viên để chèo kéo người thuê trọ.

Bà Thơm, mẹ Việt Nam Anh hùng cũng chống gậy đến gặp mấy ông ở phòng giáo vụ: “Nhờ các ông chọn giúp tôi dăm cháu về trọ nhé. Nhớ là phải là con liệt sỹ hoặc con thương binh đấy”. Ông trưởng phòng phân vân. Quái lạ, sao bà cụ cũng bị cuốn theo phong trào “làm ăn” của khu phố nhỉ? Già rồi, chế độ Nhà nước lo đủ cả còn càm cắp làm gì? Ngôi nhà tình nghĩa rộng thênh thang thế chẳng để ở một mình cho thoáng còn nhận thêm lũ sinh viên làm gì cho phức tạp? Mà sao lại chỉ nhận có con liệt sỹ với con thương binh? Đã kinh doanh lại còn kén chọn khách?

Ông trưởng phòng tỏ vẻ băn khoăn nhưng cũng giúp bà. Năm tân sinh viên theo yêu cầu của bà đã đến trọ. Khỏi phải nói bọn trẻ vui như thế nào. Trong lúc bạn bè của họ còn đang lơ ngơ tìm nơi trọ thì nghiễm nhiên chúng đã có nhà ở. Bà cụ mới phúc hậu làm sao. Ngôi nhà mới rộng rãi thoáng mát và gần trường làm sao.

Minh họa: Hồng kiều

Sau phút làm quen, cả bọn đã dọn dẹp kê giường, phản, bàn ghế. Những thứ này bà Thơm đã bỏ ra mấy tháng tiền trợ cấp của mình để mua sắm trước khi vào năm học. Một số người thấy vậy cho là bà hâm, nhà có mỗi mình mua lắm giường phản làm gì? Khi biết được ý định của bà thì người ta mới cuống lên, vợ chồng chì chiết nhau. Nào là: “Mang tiếng giỏi kinh doanh mà thua bà cụ cô đơn biết nhìn xa trông rộng, biết đầu tư đi tắt đón đầu để thu lợi nhuận”. Nào là: “Phen này bà Thơm giàu to. Tiền Nhà nước trợ cấp, tiền cho thuê nhà trọ để đâu cho hết?”. Có kẻ ghen tức nói “Bà ấy già rồi mà còn tham”. Bà Thơm nghe thấy hết nhưng bỏ ngoài tai tất cả. Đón được số sinh viên về ở bà mừng lắm. Căn nhà ấm áp, vui hẳn lên. Chẳng còn cô quạnh, lạnh lẽo như xưa nữa.

Một tháng trôi qua, bà cháu đã khá hiểu nhau. Bà Thơm thuộc tên và tính nết từng đứa. Cái Yến, con liệt sỹ, rất ra dáng đàn chị. Nó xứng đáng là nhóm trưởng. Thằng Hùng tên rõ oai mà lành như con gái, nhiều khi bị cánh con gái bắt nạt. Cái Hoa, cái Hải tính khí rụt rè, hay khóc trộm. Thằng Hưng khi ngủ còn ú ớ mê gọi mẹ. Rồi chúng ở huyện nào, tỉnh nào, gia cảnh mỗi đứa ra sao bà Thơm đều nhớ hết. Bọn trẻ coi bà như bà nội, bà ngoại của chúng. Học xong về là chúng rối rít, quây bên bà. Chúng phân nhau quét dọn vệ sinh nhà cửa, giặt giũ quần áo. Mấy bà cháu nấu cơm chung vui đáo để. Đêm về, khi lũ trẻ ngủ hết, bà Thơm lại đến bàn thờ thắp hương và lầm nhầm khấn vái. Một đêm, Yến chưa ngủ bắt gặp cảnh tượng này. Bà Thơm lưng còng với tay mãi lên bàn thờ mới cắm được mấy nén hương. Ánh đèn khuya leo lét in dáng bà lên bức tường lung linh huyền ảo. Bà đứng lặng hồi lâu trước di ảnh của chồng và con bà trên ban thờ. Tấm bằng Tổ quốc ghi công nghi ngút khói hương.

Yến cùng các bạn thương bà lắm. Chồng bà hy sinh tại chiến dịch Điện Biên. Con trai độc nhất của bà ngã xuống trên chiến trường Nam bộ. Hài cốt của ông đã được đưa về nghĩa trang liệt sỹ quê nhà. Riêng con bà vẫn nằm lại tại Quảng Nam. Mong ước lớn nhất của bà là đón được hài cốt của con trai về quê “đặt cạnh mộ ông ấy cho có cha có con”. Ý định đó Yến và các bạn đều biết. Năm nay bà đã ngoài chín mươi rồi, biết được mấy nữa? Yến và các bạn thương bà lắm. Họ chỉ biết thở dài chia sẻ.

Chuyện tiền nong thuê trọ đã ba, bốn tháng rồi chẳng thấy bà Thơm đả động gì. Yến và các bạn thấy băn khoăn lắm. Một hôm, Yến cùng Hùng mạnh dạn hỏi bà việc này. Bà mỉm cười úp mở: “Các cháu cứ yên tâm học đi. Đây là chuyện người lớn. Để hôm nào bà nói với ông trưởng phòng giáo vụ, với bố mẹ các cháu”. Yến thoáng giật mình. Thôi chết, từ ngày về  đây học đã bố mẹ đứa nào đến thăm? Khổ nỗi, một số bạn không có bố, mẹ lại say xe, số khác bố thương binh nên chẳng đi được đành phó mặc cho chúng cả. Hàng tháng các khoản tiền gửi cho chúng đều được chuyển qua bưu điện. Toàn thanh niên cả tự lo liệu được có phải trẻ con nữa đâu? Với lại, đứa nào đứa ấy viết thư về đều ca ngợi chỗ ở tốt lắm, bà Thơm tốt lắm thì bố mẹ chúng phải nhọc xác đến làm gì? Yến và các bạn vẫn bảo nhau dành dụm tiền thuê nhà cất riêng để dành sau thanh toán một cục cho bà. Có “giá làng” rồi, lo gì? Chẳng lẽ bà ấy lại lấy đắt? Bây giờ bà ấy nói thế, khó xử quá.

Hôm sau, Yến báo cáo việc này với thầy Quang trưởng phòng giáo vụ. Thầy cũng bị bất ngờ ngỡ tưởng việc này đã đâu vào đấy cả rồi. Sau đó, thầy đến ngay nhà bà Thơm. Khi nghe thầy đặt vấn đề về tiền thuê trọ của tổ sinh viên, bà Thơm xua tay: “Thầy khỏi lo. Không có tiền nong gì hết. Tôi cho các cháu ở cho vui ấy mà”. Thầy Quang ngỡ ngàng. Yến cùng các bạn ngơ ngác, không tin ở tai mình. Bà Thơm móm mém nói: “Chắc thầy và một số người ngỡ tôi cho các cháu ở trọ để thu tiền chứ gì? Đâu có phải như vậy. Tôi lấy tiền của các cháu làm gì? Nhà này Nhà nước làm cho tôi, bà con cô bác khối phố làm cho tôi, tôi được ở trong ngôi nhà tình nghĩa này là hạnh phúc lắm rồi. Ai lại đem nhà tình nghĩa để kinh doanh? Vì thế tôi nhờ thầy chọn các cháu con liệt sỹ, con thương binh về ở cho vui là ý đó. Điều quan tâm nhất của tôi là các cháu nó phải chịu khó học hành, học cho giỏi, cho xứng đáng với cha anh chúng nó. Thế là tôi vui rồi”. Thầy Quang cùng số sinh viên xúc động quá, chẳng ai nói được thêm câu nào nữa. Yến và mấy đứa gái chạy lại bên bà: “Chúng cháu cảm ơn bà. Bố mẹ cháu biết được thì mừng lắm”. “Ơn với huệ gì? Đừng nói thế. Các cháu học giỏi, tiến bộ là bà mừng!”.

Từ bữa đó trở đi, Yến, Hùng cùng cả tổ ngấm ngầm thực thi một kế hoạch. Trước hết tất cả phải cố học cho giỏi, phải giành được xuất học bổng của nhà trường. Sau đó, phải đồng lòng bằng mọi cách đón được chú Thắng, con bà Thơm về quê. Yến tâm sự với chú Tuấn thương binh, bạn chiến đấu của chú Thắng (nhà gần đó) về tâm nguyện của bà và kế hoạch của nhóm. Chú nhất trí liền. Chú còn kể khá rõ về trận đánh mà chú và chú Thắng tham gia. Chính tay chú đã chôn cất chú Thắng. Bây giờ hài cốt chú Thắng đã được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ Điện Bàn. Điện Bàn lại là quê của Tùng, một sinh viên trong trường. Thế cho nên kế hoạch đón hài cốt chú Thắng được chú Tuấn và cả tổ bí mật triển khai. Yến còn vận động các bạn khác tiết kiệm tiền cùng với tổ của Yến để dành cho chuyến đi đặc biệt đó. Tùng hào hứng lắm. Cậu ta viết thư về cho mẹ để mẹ và mọi người trong đó cùng hỗ trợ. Họ chọn mùa hè tới để thực hiện kế hoạch này. Không chỉ có năm sinh viên ấy mà cả đoàn trường và cha mẹ họ cũng sốt sắng tham gia.

Kỳ nghỉ hè đầu tiên đã đến. Yến, Hùng báo cáo và xin phép bà Thơm cho triển khai kế hoạch. Bà Thơm ngỡ ngàng nhìn những cô cậu sinh viên. Bà cũng không tin ở tai mình. Mãi sau bà rưng rưng nói: “Được thế thì phúc đức cho bà quá. Mà các cháu lấy đâu ra tiền?”. Yến thay mặt tổ báo cáo để bà rõ. Chú Tuấn, thầy Quang cũng có mặt. Nghe xong, bà Thơm đến rờ tay vào từng người một rồi nghẹn ngào run run cắm nén hương lên bàn thờ. Sau đó, chú Tuấn cùng mấy cậu con trai trong nhóm lên tàu vào Nam. Yến và các bạn gái chuẩn bị ở nhà. Thầy Quang cùng các ông chính quyền sốt sắng lo tổ chức lễ đón liệt sỹ Thắng về quê.

Được gia đình Tùng và chính quyền trong đó tận tình giúp đỡ, đoàn đi lấy hài cốt liệt sỹ Thắng do chú Tuấn làm trưởng đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ. Theo đoàn ra còn có cả mẹ của Tùng nữa. Cha mẹ của mấy cô cậu sinh viên trọ nhà bà Thơm cũng đều có mặt. Ôm bọc vải đỏ trong đó có xương cốt của con trai mình, bà Thơm run run sờ nắn từng mẩu xương còn sót lại của Thắng và rung lên những tiếng nấc nghẹn ngào gọi mãi tên con. Mái tóc bạc phơ của bà xõa xuống rối tung. Yến và các bạn gái của cô đi bên dìu bà. Nhiều người không cầm nổi dòng nước mắt cứ lăn dài trên má.

Ủy ban phường cùng ban giám hiệu nhà trường long trọng tổ chức lễ truy điệu. Bà con dân phố kéo đến ngày một đông. Cả số sinh viên không về hè cũng có mặt đầy đủ. Màu áo xanh tình nguyện nổi lên giữa bao màu áo của người dân nơi đây. Tất cả kết thành một đoàn dài theo mẹ Thơm đưa hài cốt của Thắng ra nghĩa trang liệt sỹ quê nhà.

Xong việc đâu đấy, bà Thơm khỏe hẳn ra. Bà xúc động nói: “Thế là tôi mãn nguyện. Con tôi nó đã về bên ông ấy rồi. Tôi có thể nhắm mắt theo họ được rồi”. Yến ôm bà nũng nịu: “Bà chưa thể đi theo ông và chú được. Bà khỏe mà. Khỏe để còn trông nhà cho chúng cháu chứ?”. Bà Thơm móm mém cười: “Ừ. Bà nói thế thôi. Bà phải khỏe để chăm lo cho mấy đứa chứ. Các cháu cứ vô tư mà học nhé. Nhà này là nhà tình nghĩa của Nhà nước cho bà cũng là cho các cháu đấy. Bà cảm ơn chú Tuấn và các cháu nhé”. Mẹ của Tùng xúc động: “Bà ơi, chúng con phải cảm ơn bà mới đúng chứ. Con thay mặt bố mẹ các cháu gửi các cháu cho bà, bà nhé”. Bà Thơm nghẹn ngào gật đầu.

Trên ban thờ khói hương nghi ngút. Hình như chồng và con trai bà đang mỉm cười chia vui cùng bàn.

Truyện ngắn: Đỗ Xuân Thu

Tin cùng chuyên mục