Về nụ tầm xuân trong ca dao

- Trong một bài ca dao có đoạn Trèo lên cây bưởi hái hoa/Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân/Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/em có chồng rồi anh tiếc lắm thay. Thật sự có thứ hoa tầm xuân xanh biếc hay không? Nhiều người vẫn biết nụ tầm xuân là những cánh hoa hồng dại màu trắng hoặc phớt hồng, làm gì có màu xanh biếc? Hay ca dao dân gian còn có hàm nghĩa nào khác?

Có một giai thoại liên quan về chúa Trịnh Tráng ở Đàng Ngoài và vị khai quốc công thần Đào Duy Từ ở Đàng Trong trong giai đoạn mở đầu của thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Là một đấng thiên tài nhưng lại sinh ra từ một gia đình xướng ca nên họ Đào không thể tiến thân bằng con đường khoa cử nơi đất Bắc, đành phải dung thân, tìm chân chúa nơi “Đạo Hoành - sơn”. Rồng mây gặp hội, Đào Duy Từ đã đem hết tài kinh luân giúp chúa Nguyễn an bang tế thế, vững bền biên thùy một cõi nguy nga ở phương Nam. Thành tích và chiến công của Đào Duy Từ đến tai chúa Trịnh, Trịnh Tráng sai người mang lễ vật đến Đào Duy Từ với lời ân hận đã bỏ lỡ cơ hội cho cuộc tương phùng:

Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân;
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em lấy chồng rồi anh tiếc lắm thay.

Lễ vật và tình ý không chiêu dụ được Đào vì ông đã tìm ra chân chúa, ông đã trả lời Trịnh Tráng:                 

Ba đồng một mớ trầu cay,
sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra!

Trước lời từ chối nhẹ nhàng nhưng khéo léo, Trịnh Tráng lại cho người chiêu dụ một lần nữa. Lần này họ Đào quyết liệt hơn:

Có lòng xin tạ ơn lòng,
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen.
Trịnh Tráng không còn kiên nhẫn nữa, tức giận:
Có ai về tới Đàng Trong,
Nhắn nhe Bố Đỏ liệu trông đường về;
Mãi tham lợi bỏ quê quán tổ, đất nước người dù có như không.

Không biết Trịnh Tráng và Đào Duy Từ có phải là tác giả của những câu ca dao ấy hay không, hay là chỉ góp nhặt từ trong dân gian như viên đá quý trong văn chương bình dân mà họ đã gặp trên đường đi. Nhưng có người khẳng định: những viên đá hay những thanh kiếm bắt gặp trong án thư của vương phủ hay của một đại thần phải là một viên đá quý không có tỳ vết hay là thanh bảo kiếm không hoen rỉ. Chuyện chiêu dụ và khước từ của Thanh Đô Vương Trịnh Tráng và Nội tán Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ đã đi vào lịch sử. Còn câu chuyện văn chương thì vẫn còn là những ẩn khuất. Nhưng giai thoại thì vẫn đồn đại, lưu truyền trong dân gian.

Về màu của nụ tầm xuân, có người cho rằng, “xanh biếc” là do người viết câu ca đã túng vận nên chỉ nói cho suôn, cho hợp với “anh tiếc lắm thay” của câu sau. Bởi tầm xuân vốn thuộc họ nhà Hồng (Rosaceae) với các loài: Rosa tunquinensis (Tầm Xuân Bắc hay còn gọi là Quầng quầng), 

Rosa cymosa (Tầm xuân - hồng choắt - hồng roi), Rosa multiflora (Tầm xuân đa hoa). Đây là loài hoa có cành cây đầy gai góc và màu hoa thì từ trắng đến màu hường nhạt không có loài nào nở ra xanh biếc.

Thật ra, đây là bài ca dao theo thể lục bát thất ngôn, vần iếc trong “biếc” của câu thất thứ nhất sẽ được nối vần với chữ “tiếc” của câu thất thứ hai. Khi đưa ra từ “biếc” ở câu thất thứ nhất để gieo vần, tác giả có hoàn toàn tự do vì chưa phải tìm vần. Nếu chữ “tiếc” gieo đúng vần với chữ “biếc” mà không có nghĩa thì mới nói là câu thơ bị ép vần vì đang bị túng vần. Như vậy, người viết có hoàn toàn tự do để viết rằng nụ tầm xuân nở ra xanh biếc, chứ hoàn toàn không vì gieo vần cho hợp.

Vậy phải chăng có một thứ nụ tầm xuân nở ra có màu xanh biếc?

Đọc toàn bộ bài ca dao thì thấy, đây là lời đối đáp tỏ tình của đôi trai gái không đến được với nhau. Những trèo lên, bước xuống... trong các câu ca dao thể hiện tâm trạng không bình thường của người kể chuyện. Cái đáng nói không phải là nụ tầm xuân màu gì mà chủ yếu là trạng thái bối rối, đứng ngồi không yên của chàng trai đang muốn bày tỏ tình yêu tha thiết và nỗi tiếc nuối khôn nguôi của mình trước người con gái anh yêu. 

Có thể coi câu: “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc” là bước chuyển trong lời tự sự của chàng trai - chàng loanh quanh mãi, rồi quyết thể hiện tình cảm của mình - chuyển vần từ “nụ tầm xuân” sang “xanh biếc” để mạnh dạn thổ lộ tình yêu, lòng tiếc nuối của mình. Tính từ “xanh biếc” tưởng như vô lý về màu hoa lại rất có lý với vần và ý. Vần với “tiếc” ở câu sau. Ý cho rằng “em phải là của anh, như nụ tầm xuân phải nở ra hoa màu tầm xuân. Còn em có chồng không phải là anh thì vô lý quá - tựa như nụ tầm xuân vốn màu hồng thì lại ra màu xanh vậy”.

Trong ca dao có nhiều câu nói đến những điều không bao giờ có trong thực tế mà chỉ có trong trí tưởng tượng. Ví như câu: “Hoa sen mọc bãi cát lầm/ Tuy rằng lấm láp vẫn mầm hoa sen”. Ai cũng đều biết sen mọc trong ao, trong đầm thì phải là mọc trong bùn (gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn). Nhưng tác giả dân gian lại nói sen mọc bãi cát để nói sen cao quý, để đối nghịch sự cao quý của sen với “Thài lài mọc ở ven sông/ Tuy rằng giống tốt vẫn tông thài lài”.

Hoặc câu: “Gần nhà mà chẳng sang chơi/ Để anh bắc ngọn mùng tơi làm cầu” cũng là kiểu phi lý ấy. Làm cầu thì phải là sắt thép xi măng, hoặc cây gỗ cứng, cùng lắm là cây tre. Ngọn mùng tơi được ví như loài yếu ớt (nhà giàu dẫm phải gai mùng tơi), dùng móng tay bấm được thì sao có thể bắc làm cầu?

Đến đây có thể thấy, không cần đi tìm hiểu màu xanh biếc có đúng với màu hoa tầm xuân trong thực tế hay không, hoặc từ “xanh biếc” trong câu ca dao có phải do để vần với “tiếc” của câu sau hay không. Bởi ca dao vốn dân dã, nhưng lại đầy ý nhị. Có những điều trong ca dao rất phi lý, nhưng vẫn được chấp nhận và sống mãi cùng thời gian. Hiểu về ca dao, hiểu cách nghĩ, cách cảm của người lao động, ta sẽ hiểu cả cái hay lẫn cái phi lý của mỗi câu từ trong đó.

Hà Linh

Tin cùng chuyên mục