Phiên chợ núi

- Trong thế hệ của các nhà thơ thời chống Mỹ, Đoàn Việt Bắc dù viết không nhiều nhưng vẫn được nhiều độc giả biết đến với một hồn thơ dào dạt hiếm có. Ông là tác giả bài thơ nổi tiếng “Lá trung quân”, tác phẩm đoạt giải B trong cuộc thi thơ năm 1976 do Báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Con bướm lạc vào vườn hoa
Anh lạc vào phiên chợ núi.
Rượu mật ong ngọt tê đầu lưỡi,
Nụ cười đốt cháy làn môi…
Núi chao nghiêng trong chiếc khèn bè
Hoa mặt trời nở trên vồng ngực…
Phập phồng cây nấm thở trong sương,
Con ngựa hý lở rung đất đá…
Em ném cho anh nỗi nhớ
Quả bứa chua…, chua đến bất ngờ.

                        Đoàn Việt Bắc

Sau thời gian dài sinh sống công tác tại Tuyên Quang, ông chuyển về Hà Nội làm họa sỹ ở Xưởng phim Truyện Việt Nam. Cuộc đời trầm buồn nhiều biến cố thế nhưng ở ông vẫn toát lên khí chất của một hồn thơ đẹp, ngập tràn xúc cảm và sự ngang tàng, kiêu hãnh.

 “Phiên chợ núi” là bài thơ Đoàn Việt Bắc viết tặng quê hương Tuyên Quang vào năm 1990. Bài thơ hớp hồn độc giả bởi chất hoang dã đại ngàn đậm đặc. Chỉ đôi nét phác họa tác giả đã dẫn dụ chúng ta đến với bức tranh phiên chợ đầy sắc màu, âm thanh, sự náo nhiệt của miền sơn cước: “Núi chao nghiêng trong chiếc khèn bè/Hoa mặt trời nở trên vồng ngực…/ Phập phồng cây nấm thở trong sương/Con ngựa hý lở rung đất đá…”

Hàng loạt sự vật được nhân hóa bằng những động từ. Thủ pháp này vừa làm đẹp câu thơ vừa tạo được cách cảm, cách nghĩ và lối tư duy mạch thẳng, chân thực của đồng bào miền núi. Chỉ trong bấy nhiêu thôi mà Đoàn Việt Bắc đã tài tình khiến người đọc như ngập chìm trong không gian tươi đẹp ấy. Ở đó có chàng trai cô gái Mông hò hẹn bên tiếng khèn, điệu múa; ở đó có đoàn ngựa thồ hàng nông sản xuống núi kịp mang đến chợ trong buổi sáng tinh sương; ở đó trái tim người thiếu nữ đã “bị đánh cắp” từ lúc nào khi bất chợt gặp ánh mắt người thương…

Quả thực, bút pháp thơ của Đoàn Việt Bắc độc đáo bởi cái vẻ hồn nhiên đến như là ngẫu hứng trong cách viết; cái mạch nguồn hình ảnh và từ ngữ đầy trực cảm và đột biến tuôn ra thật tự nhiên. Câu thơ “Núi chao nghiêng trong chiếc khèn bè” như gói trọn cả không gian chiều sâu văn hóa, chiều sâu cảm xúc lòng người tạo nên tứ thơ “thi trung hữu họa”. Tất cả khiến người đọc mường tượng ra một bức tranh tươi sáng yên bình nơi núi rừng xứ Tuyên. Rõ ràng, phiên chợ miền núi không chỉ là nơi buôn bán giao thương mà đó là nơi con người trao nhau những tâm tình, là không gian sinh hoạt văn hóa của đồng bào nơi đây.

Nhân vật trữ tình cứ như bị thôi miên, mặc sức đi và cảm nhận trong một cảm xúc dường như vô định. Anh như lạc bước tự lúc nào để bất chợt “Em ném cho anh nỗi nhớ/Quả bứa chua…, chua đến bất ngờ”. Đọc thơ Đoàn Việt Bắc thường có cách nói hội tụ và thắt gút vấn đề nên hai câu sau của bài thơ thường có cái tứ chung, từ đấy vực dậy đem lại cảm xúc thông điệp cho người đọc. Đó là tình cảm yêu thương, rõ ràng nhân vật trữ tình đã phải lòng người con gái miền sơn cước theo một cách tự nhiên, bất ngờ và chân thành nhất.

Chỉ 10 câu thơ thôi tác giả đã gói trọn một bức tranh chợ phiên đậm nét hương rừng gió núi. Từ cách quan sát tinh tế, cách dùng câu chữ độc đáo, những câu thơ của Đoàn Việt Bắc được thẩm thấu, chiết xuất từ hồn thơ thấm đượm hơi thở của núi rừng xứ Tuyên thực sự đã tạo được sức ám ảnh và lôi cuốn người đọc.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục