Chiếc hộp ký ức

Ngày còn nhỏ tôi ở với bà ngoại nhiều hơn ở nhà. Bố mẹ bận bịu cho những buổi chợ phiên, nhà lại neo người nên đem con gửi bà trông hộ. Có những thời điểm ngày mùa gấp gáp bận rộn thì chẳng riêng gì ban ngày mà buổi tối anh em tôi ngủ lại luôn.

Nhà của bà cũng như bao căn nhà khác, lọt thỏm trong con ngõ dài heo hút, mới sẩm tối thôi đã không thấy mặt người. Rồi đêm mùa hè, tiếng cuốc kêu hòa chung với những âm thanh của đồng nội, hai bà cháu thường ngồi hóng mát trên chiếc chõng tre kê ngoài mép vườn. Tay bà phe phẩy cái quạt nan, tôi lại nhõng nhẽo đòi bà kể cho nghe những chuyện ngày xưa.

Lúc ấy, bà hay cười hiền hậu mắng:“Cha bố nhà anh! Ngày xưa thì có cái gì mà kể”. Đấy là bà mắng vậy, chứ bà vẫn kể. Giọng bà êm êm dẫn tôi về những năm đầu thập niên ba mươi của thế kỷ trước. Giặc Pháp đô hộ đất nước, bà vẫn là cô tiểu thư nhà địa chủ giàu có nhất làng. Ông tôi còn là anh nô mới chục tuổi đầu chăm chỉ làm công, mỗi lần thấy bà chẳng dám nhìn thẳng… Khi đó tôi nào có hiểu những câu chuyện của bà. Sau này nghĩ lại, dù muốn quay về khoảnh khắc bà còn có thể mắng yêu, kể chuyện như vậy thì cũng không bao giờ được nữa.

Tôi bắt đầu đi học thì kinh tế trong nhà đã khấm khá hơn. Bố mẹ tôi cũng không còn bận bịu đến độ chẳng lo nổi cho con cái nên đón chúng tôi về nhà. Dần dần chuyện học hành, trường lớp và những mối quan hệ bạn bè kéo tôi xa bà. Ấn tượng về bà chỉ còn là những lần giỗ ông hay dịp lễ, Tết theo mẹ sang nhà mà thôi.

Bà vẫn sống một mình, dẫu có đến ba người con và ai cũng muốn đón bà lên ở cùng. Nhưng thưa chuyện bao lần, lần nào bà cũng lắc đầu bảo:

- Tao ở đây quen rồi...

Bà thở dài nhìn ra ngoài vườn. Cạnh giếng nước rêu phong cũ kỹ là hàng cau thẳng tắp mọc bên giàn trầu. Tôi nhớ hồi xưa mẹ bảo chúng do ông ngoại tự tay trồng, giờ ông mất, ngày ngày bà vẫn tự mình tưới tắm. Chắc do bà thuộc tip người cũ, vẫn vấn tóc bằng chiếc khăn đen quanh đầu, miệng bỏm bẻm nhai trầu nên giữ gìn chúng để đỡ phải mua trầu, mua cau.

Minh họa: Bích Ngọc

Hoặc vì một điều khác, như những đêm khó ngủ bà vẫn ngồi một mình dưới giàn trầu nhìn về xa xăm. Lâu lâu, bà cầm chiếc khăn nâu dấm dúi lau khóe mắt. Anh em tôi đứng trong nhà ngó ra nhưng bà còn không biết. Chỉ có điều, giục giã nhiều lần cuối cùng các bác cũng thôi. Có lẽ, mọi người thấy bà còn khỏe mạnh nên đều yên tâm. Thậm chí, bác dâu cả đang dọn dẹp nhà bếp còn khẳng định chắc nịch mẹ vẫn khỏe mạnh, bao giờ mẹ ốm lại tính chuyện này sau.

Ấy thế mà, chẳng biết có phải miệng bác linh quá không nhưng bà ốm thật, bất ngờ và đột ngột khiến mọi người phải luống cuống. Mấy bác tôi đang ở trên thành phố cũng phải tức tốc chạy về. Người ta thấy bà loanh quanh ngoài đường cái, hỏi thì bà nói sang nhà con gái nhưng lại không nhớ đường, dù nhà tôi ngay làng bên cạnh.

Cả nhà họp nhau đưa bà đi khám. Sau những kết quả tổng hợp và sàng lọc, bác sĩ kết luận bà bị bệnh đãng trí tuổi già, tuy chưa nghiêm trọng như bệnh mất trí hoàn toàn nhưng cũng gần giống thế. Tuổi càng cao trí nhớ càng giảm sút, đến một lúc ngay cả chính mình bà cũng chẳng nhận ra. Vậy là, cái vấn đề ai nuôi bà tiếp tục được đưa ra bàn lại.

***

Sau Cách mạng Tháng Tám ít lâu ông cố mất, đất đai tài sản hiến hết cho chính quyền phục vụ cách mạng. Bà mang theo của hồi môn ít ỏi về ở với ông mà chẳng có một đám cưới đàng hoàng. Cô tiểu thư ngày nào cũng không còn quần là áo lụa. Bà quấn tóc lên đầu, xắn cao quần lội ruộng học làm nông.

Ông tôi theo cách mạng, suốt những mặt trận phía Bắc rồi lại vào chiến trường miền Nam. Một mình bà ở nhà tất bật vai trò hậu phương vững chắc và chăm ba đứa con dại. Thời này đất nước khó khăn, nhà nào cũng nghèo xác, nghèo xơ. Mái tranh hứng bao mùa bom đạn phá hoại nên mỗi lúc trời mưa lại dột lỗ chỗ khiến bà phải bắc thang trèo lên lợp lại.

Nhớ có lần mẹ rơm rớm nước mắt bảo, hồi xưa bác đi học về muộn hay được phần cơm, thương em đói, về nhà lại lén xẻ nửa cho em. Có năm mẹ ốm nặng tưởng chết, bác lặn lội khắp làng trên xóm dưới tìm thầy thuốc mới may mắn cứu sống. Bữa no, bữa đói, mẹ tôi và các bác lay lắt mà lớn lên, kiên cường như loài cỏ dại. Dù cái nghèo rủ cái đói quấn thân, song bác cả tôi vẫn vào được đại học. Bà mừng lắm, gom hết mấy cái đáng giá trong nhà, cả của hồi môn còn sót lại cũng đem bán. Dắt díu hai đứa con lên trường sơ tán thăm bác và chụp ảnh cả gia đình làm kỷ niệm.

Người làng chỉ trỏ, có người còn lén nói sau lưng rằng “bà hâm rồi, ăn còn chẳng có mà ăn, bày đặt chụp ảnh làm chi”. Nhưng, bà vẫn làm. Tất nhiên ảnh chụp chỉ riêng bốn mẹ con và của hồi môn của bà chỉ còn một chiếc hộp gỗ duy nhất…

***

Tài sản quý giá nhất của bà ngoại là chiếc hộp gỗ sơn son, chạm khắc hoa mẫu đơn rất đẹp. Không phải mọi người thấy vậy mà là bà khẳng định. Bao nhiêu năm nó vẫn luôn được bà giữ gìn cẩn thận trên bàn thờ ông ngoại. Có lần tôi muốn mở ra xem mà bà không cho. Hỏi bà cất gì trong đấy, bà chỉ bảo bí mật. Kể cả mấy bác tôi cũng không biết, thứ chúng tôi nghe nhiều nhất từ bà là:

- Khi nào tao chết, tụi bay mới được mở và nhớ là cùng nhau mở.

Thế nên tò mò quá rồi đoán nọ, đoán kia. Bác dâu cả bảo bà giấu vàng, dù gì bà cũng là con nhà địa chủ, khéo có vàng ngày xưa cất giấu được trong đó. Bác dâu hai lại đoán bà để tiền. Tính bà tiết kiệm, hơn chục năm nghỉ ngơi tuổi già con cháu biếu bà nhiều mà chẳng dùng được bao nhiêu. Vì thế, cuộc họp gia đình nổ ra chưa bàn đến việc bà ở với ai, đã tính đến chuyện nhà ai cầm cái hộp.

Bác dâu cả nhìn chăm chăm cái hộp, thong thả nói:

- Nhà tôi là cả, tạm thời để gia đình tôi thay mẹ giữ cái hộp và nuôi mẹ.

Nhưng, bác hai nào có chịu, giọng bác dâu cao vút, lanh lảnh:

- Chị cả nói hay nhỉ? Ai biết anh chị có nuôi mẹ đàng hoàng không hay lén ở sau lưng mọi người mở cái hộp.

- Thím nói thế mà nghe được à! - bác dâu cả mặt đỏ phừng phừng, chỉ tay vô mặt bác dâu hai mắng.

- Tôi làm sao? - bác dâu hai chống nạnh, sửng cồ.

Lời qua tiếng lại, mấy bác trai chưa ý kiến, hai bác gái đã xông vào cãi nhau, còn mẹ tôi im lặng. Hay đúng hơn là không có quyền phát biểu, con gái gả chồng như bát nước hắt đi, làm gì được phép về chỉ trỏ linh tinh.

Cuối cùng bác trai cả cũng chốt ý kiến. Bà tạm thời về ở nhà bác một tháng, sau đó qua nhà bác hai rồi lại trở về nhà bác cả. Mẹ tôi là con gái không phải nuôi bà nhưng hàng tháng phải gửi tiền phụng dưỡng. Chiếc hộp vẫn nằm yên trên bàn thờ ông ngoại, tro hương phủ lên in dấu vết thăng trầm của thời gian. Chìa khóa nhà ngoại phải đem đi gửi trưởng họ bởi ai cũng không tin ai cầm.

Đêm ấy, mẹ khóc một mình. Tôi hỏi, mẹ bảo thương bà, phải chi ông trời đừng làm tội bà thì hay biết mấy. Thế nhưng, con người có số kiếp, tránh đâu cũng không thoát được. Giời muốn đày thì người đành chịu khổ.

***

Trí nhớ bà như dòng điện chập chờn, lúc tỉnh lúc quên. Họp gia đình bà không tham dự, mấy bác đưa bà ra cái bàn uống nước ngoài vườn. Chỗ cái chõng tre năm nào tôi nghe bà kể chuyện. Chỉ khác giờ là tôi kể chuyện cho bà nghe.

Bà không nghi ngờ mà dọn về nhà bác cả trên thành phố với cái lý do lên chơi ít ngày. Bác cho bà ở góc phòng tầng ba. Vì bác trai làm trưởng phòng một sở, bác gái làm hiệu phó trường cấp ba. Trông nghề nghiệp cũng là thành phần tri thức, có điều kiện, chả thế mà cái biệt thự nhà bác to nhất nhì khu phố. Song, bà ở đó chưa được mười ngày đã chuyển.

Bà ở tận tầng ba, cái chân bà đau leo cầu thang không nổi, thế là ngã. Cơn tai biến ập đến, đánh sụp nốt chút tỉnh táo mơ hồ của bà để ngày càng lẫn hơn. Ăn rồi bảo chưa ăn, có hôm nửa đêm bà không ngủ thét ầm ầm “Về nhà! Tôi muốn về nhà”. Vợ chồng bác cả dỗ mãi, cứ thủ thỉ vào tai bà “Nhà con đây mà mẹ, về nhà nào nữa”. Tay bà quơ lên đánh thùm thụp vào người bác dâu. Được mấy đêm bác dâu mặc kệ, lúc ấy bà ở đây mới có một tuần.

Bác sỹ bảo người già như đứa trẻ, dễ hờn, dễ giận. Bà không hờn, chẳng giận nhưng cả ngày nhớ nhớ quên quên. Sau khi bác dâu cả mặc kệ, bác trai thành chân phục vụ chính của bà, từ ăn uống tắm giặt cho đến đi vệ sinh. Mình bác làm tất, bà như trở về những năm thiếu thời luôn miệng gọi vợ chồng bác bằng thầy u. Thế nhưng, bà cũng chỉ ở thêm ba ngày nữa...

Sáng ngày thứ mười một, mẹ tôi và gia đình bác hai lên bác dâu cả đã dẫn xồng xộc mọi người vào phòng bà. Chỉ tay lên cái ga giường hoen một bãi nước, bốc mùi khai khái mà tố khổ:

- Đấy cô chú xem bộ ga giường mới tinh coi như vứt. Chưa kể tôi suốt ngày đi làm, phải đem cửa khóa để mẹ ở trong nhà. Về vừa mở cửa đã đổ vỡ hết cả. Tôi chịu rồi, ai rước mẹ về mà chăm.

Chẳng ai nói gì, mẹ tôi sụt sùi nước mắt đem quần áo bà thu dọn. Bác hai cõng bà xuống dưới tầng trệt, khi ra cửa tôi thấy ngoại cười tươi vỗ tay hô “về nhà… về nhà”. Vậy là bà sang nhà bác hai.

Bác trai hai làm giáo viên, bác gái lại mở một quán tạp hóa nhỏ. Tuy không hẳn là rảnh rỗi nhưng bình thường cũng không đến độ khóa cửa nhốt ngoại ở trong nhà như bác cả. Ấy thế mà bà ở thêm được tận năm ngày.

Hôm đón bà, bác dâu hai cũng kể lể hệt như bác dâu cả. Nào bà vệ sinh không biết gọi, suốt ngày đòi về nhà, không cho bà lại cào cấu. Tôi nhìn tay bà, cái bàn tay năm ngón co quắp, nhăn nhúm so với cái tay thô to đẫy đà của bác dâu hai mà tự hỏi. Liệu bà có cào nổi không?

Đâu chỉ có thế, bác lại dẫn mọi người ra quầy tạp hóa chỉ kệ hàng bị bóc nham nhở, miệng than thở liên tục:

- Mẹ làm rách hết cả. Thôi tôi chẳng trông mẹ nữa đâu, cứ thế này thì tôi còn buôn bán thế nào nữa. Cám cũng không có mà ăn…

Ngẫm nghĩ một lúc, bác nhìn mọi người hơi ngập ngừng.

- Tôi thấy… hay là cứ đưa mẹ về nhà. Mình thuê osin chăm mẹ cũng được.

- Cái này để sau đi - bác dâu cả vội vàng chen ngang.

Truyện ngắn: Lê Ngọc

Tin cùng chuyên mục