Nghệ thuật đến từ sự chân thực
“Hiện tượng” Hà Lệ Diễm được biết đến từ chục năm về trước khi còn ngồi trên ghế giảng đường Khoa Báo chí - trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Với bộ phim tài liệu đầu tay Con đường đi học Diễm tự làm một mình đạt giải Cánh diều Bạc năm 2013 (năm đó Cánh diều không có giải Vàng). Đây là một giải thưởng điện ảnh lớn của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Điều đặc biệt để hoàn thành bộ phim, Diễm chỉ sử dụng máy ảnh Canon 550D của mình để quay thay vì thuê máy quay. Để có những thước phim chân thật, sống động nhiều góc độ, ngày đó cô sinh viên Hà Lệ Diễm được nghỉ học ở trường là một mình bắt xe về quê Bắc Kạn. Diễm trèo đèo lội suối tới căn nhà cheo leo giữa rừng núi, ăn ngủ cùng nhân vật. Vì là một nhân vật đặc thù, ban đầu bị từ chối thế nhưng dần dà bằng sự chân thành cô gái nhỏ đã cảm hóa để người phụ nữ ấy bộc bạch hết nỗi lòng.
Diễm chia sẻ, Con đường đi học là bộ phim kể về một phụ nữ người Dao đơn thân bị HIV, một mình nuôi con ở Bắc Kạn. Cả niềm tin yêu và hy vọng sống chị dồn vào đứa con trai duy nhất. Với Diễm, điều tiên quyết khi làm phim là tôn trọng sự thật thế nên Diễm để cho nhân vật bộc bạch, làm việc, sinh hoạt hàng ngày mọi thứ tự nhiên nhất, không có bàn tay can thiệp sắp đặt nào. Có đôi khi phải chờ đến cả tiếng để xúc cảm nhân vật đẩy lên đỉnh điểm thì mới quay được vài đúp máy.
Nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm.
Với phong cách làm phim đầy tính nhân văn, tác phẩm Diễm đi sâu vào lòng công chúng. Hình ảnh cô gái 9x giày bê bết đất, lỉnh kỉnh chân máy, máy quay, lăn lộn ở bất cứ góc khuất cuộc sống để làm phim đã trở nên quen thuộc với mọi người. Thế nhưng bí quyết làm phim của nữ đạo diễn này khi bước vào nghề giản đơn lắm! Em chia sẻ, “Hơn 10 năm bước vào con đường này, em nghiệm ra rằng, hãy cứ chân thành để nhân vật và mình tìm được tiếng nói chung, tần số chung. Được như vậy, mọi việc diễn ra tự nhiên, tác phẩm mới chạm đến con tim khán giả. Với em đỉnh cao của nghệ thuật là những gì chân thực, sống động nhất từ đời sống”.
Đưa phim Việt ra thế giới
Diễm theo đuổi dòng phim tài liệu về đề tài phụ nữ, trẻ em vùng cao. Với cách làm phim mới lạ, con đường Diễm đi thật khó khăn chông gai nhưng đã hái được quả ngọt. Công chúng đều thấy rằng phim của Diễm ưu tiên sự thật, tối giản lời bình, kể bằng những thước phim hoàn toàn trung thực. Diễm tâm sự rằng, sinh ra và lớn lên ở miền núi, cô gái trẻ chìm đắm trong không khí, con người của những vùng đất núi đồi trập trùng, sương giăng mây phủ. Thân phận người phụ nữ tần tảo, cần cù, chịu thương chịu khó cùng với đứa trẻ vùng cao hồn nhiên, dẫu cuộc sống khó khăn thế nhưng nghị lực của họ luôn tỏa sáng. Tất cả đã ám ảnh, thôi thúc Diễm đi và sáng tác tạo nên những cú “lội ngược dòng” ngoạn mục.
Những đứa trẻ trong sương là phim dài gần 100 phút kể về cô bé người dân tộc Mông tên Di, 12 tuổi, sống trong bản cách trung tâm Sa Pa khoảng 12 cây số. Chọn được một nhân vật trung tâm đầy hấp dẫn như Di, Hà Lệ Diễm đã kể một câu chuyện về hành trình trưởng thành đầy đủ đắng cay mặn ngọt khi phải đối diện với biến cố - bị kéo vợ. Di và gia đình đã nỗ lực vượt qua như thế nào. Và cuối cùng sau những giằng co, đấu tranh đầy kịch tính, Di đã thoát khỏi việc bị kéo làm vợ để tiếp tục đến trường ở tuổi 15.
Bộ phim khép lại với hình ảnh Di ngồi một mình trên vách đá cao, phía trước là cả bầu trời và những giấc mơ về tự do, về phía trước. Bộ phim mang đậm chất nhân văn, gửi đến nhiều thông điệp ý nghĩa đến người xem.
Để hoàn thành tác phẩm để đời, Diễm phải mất 3 năm rưỡi quay phim, 6 tháng dựng, nguyên việc dịch nháp phim từ tiếng Mông sang tiếng phổ thông đã mất 3 tháng. Cần mẫn như con ong, kiên trì và cực kỳ nhẫn nại, nữ đạo diễn trẻ đã cùng nhân vật Di trải qua tuổi thơ tươi đẹp từ khi em là đứa trẻ tới khi trở thành thiếu nữ. Bộ phim phản ánh chân thực nạn tảo hôn, phong tục tập quán đặc trưng người Mông thế nhưng bộ phim không lên án, phê phán, phim của Diễm trong trẻo, nhẹ nhàng nhưng đầy ám ảnh. Tất cả để lại cho người xem những lắng đọng và suy ngẫm.
Vào tháng 11-2021, Những đứa trẻ trong sương có buổi chiếu chính thức ra mắt thế giới lần đầu tiên tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam đây được xem là liên hoan phim tài liệu lớn nhất thế giới. Tại đây, nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm đã đoạt giải “Đạo diễn xuất sắc nhất”, giải “Tuyên dương của Ban Giám khảo cho phim đầu tay xuất sắc nhất”.
Từ đó đến nay, Những đứa trẻ trong sương đã tham gia hơn 100 liên hoan phim trên thế giới, ra rạp tại Mỹ, Trung Quốc, Hà Lan và Singapore. Đặc biệt, tác phẩm đã vượt qua 143 tác phẩm đến từ nhiều nước trên thế giới để lọt vào danh sách rút gọn Top 15 Oscar 2023 ở hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc.
Bộ phim cũng nằm trong danh sách 20 bộ phim tài liệu năm 2022 của tạp chí Paste Magazine tại Mỹ; nhận giải thưởng của Liên Hợp Quốc tại Thụy Sĩ và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Nhật Bản; giải thưởng của Liên hoan phim Giáo dục tại Pháp.
Chỉ với một chiếc máy quay đi mượn và những hành trang đơn giản nhất, Hà Lệ Diễm đã lên đường đến Sa Pa, “ba cùng” với gia đình người Mông để quay phim. Và để giờ đây như một câu chuyện cổ tích có cái kết đẹp cho những người tốt, người biết nỗ lực, bộ phim đã giành được tổng cộng hơn 30 giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế. Quả thực, hành trình sáng tạo, cống hiến của Diễm đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những người trẻ trên con đường tương lai.
Gửi phản hồi
In bài viết