Minh họa: Bích Ngọc
Làng Đồng nằm nép mình giữa vùng trung du, nơi những ngọn đồi thoai thoải nối liền những cánh đồng trải dài mênh mông. Chẳng biết có phải đồng ruộng nơi đây nhiều hơn các thôn khác trong xã, nên làng có tên làng Đồng. Những cánh đồng không phẳng lỳ như dưới đồng bằng, mà được xếp thành từng bậc thang, kéo dài men theo chân đồi, như những nấc thang thiên nhiên dẫn lên trời cao. Mỗi sáng sớm, khi mặt trời vừa ló phía soi ngô, những tia nắng mới lấp lánh như dát vàng lên những thửa ruộng lúa xanh ngắt.
Cánh đồng là nơi nuôi sống bao thế hệ người dân trong làng. Mùa nối mùa, người làng Đồng cần mẫn trên từng thửa ruộng. Mấy năm làng xây dựng nông thôn mới, nên đường sá phong quang, ruộng đồng như cũng xanh hơn. Những bàn tay thô ráp cũng có vẻ nhàn hơn trước.
Đầu làng là chợ, nơi những con đường nhỏ từ mọi ngả đều đổ về. Dù chỉ là một khu chợ nhỏ, với vài gian hàng lụp xụp, nhưng nó là nhịp sống của cả làng. Mỗi buổi sáng, tiếng nói cười của các bà, các cô, các chị lại vang lên trong không gian yên tĩnh của làng quê. Họ mang ra chợ những mớ rau, con cá vừa bắt được từ con suối mé chân đồi. Cũng có người tranh thủ buôn bán vài món đồ từ thành phố về, xanh xanh đỏ đỏ khá vui mắt.
Người dân làng Đồng đơn giản mà chất phác. Đa phần họ đều là nông dân nghèo, quanh năm làm lụng ngoài đồng, may mắn cũng đủ ăn. Một số thức thời hơn, tranh thủ lúc nông nhàn đi làm thuê ngoài phố, hoặc cất hàng nơi khác về chợ làng bán lẻ.
Lan là một trong số đó.
***
Lan ngoài ba mươi, chồng mất sớm, nên ở vậy cùng cậu con trai nhỏ trong ngôi nhà đơn sơ. Căn nhà của mẹ con cô vốn được nhà chồng chia đất. Giờ bố mẹ chồng mất cả, chồng cũng mất, nên thuộc “quyền” ông anh chồng.
Lan đẹp, vẻ đẹp khỏe khoắn và mộc mạc của người dân quê. Ở tuổi ngoài ba mươi, cô vẫn giữ được dáng trẻ trung, tươi tắn dù cuộc sống lắm gian truân. Làn da cô rám nắng, khỏe mạnh nhờ những năm tháng làm lụng ngoài đồng, nhưng vẫn mịn màng và căng tràn sức sống. Đôi mắt to, đen láy, ẩn chứa sự dịu dàng, đằm thắm của người mẹ, nhưng vẫn hiện vẻ cương nghị, xốc vác của người đàn bà nuôi con một mình. Mái tóc dài đen nhánh thường được Lan búi gọn gàng sau gáy, tôn lên gương mặt thanh tú. Vẻ đẹp khỏe mạnh cùng nụ cười của gái một con luôn làm người khác cảm thấy dễ gần, dễ mến. Cánh đàn ông gặp cô thường thấp thoáng vẻ ngưỡng mộ, khát thèm.
Từ ngày chồng mất, Lan vừa vất vả miệt mài nuôi con, vừa phải đối phó với những người đàn ông quá say mê vẻ đẹp và lợi dụng hoàn cảnh của cô. Đã có người đến nhà chơi gạ gẫm cô, hứa sẽ chu cấp đầy đủ, nhưng Lan đuổi thẳng. Chính lòng tự trọng ấy đã tạo nên khí chất mạnh mẽ, vững vàng ở cô - một người phụ nữ biết đứng lên giữa bão giông cuộc đời, nhưng vẫn giữ trọn đạo lý và tình yêu thương dành cho con.
Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng dừng. Hôm ấy, sau khi chồng mất độ vài tháng, Lan đang ngồi ngoài hiên hong mái tóc dài mới gội. Hương bồ kết quyện cùng hương cây lá quanh vườn khiến cô thấy dễ chịu. Bỗng Lan thấy giật mình bởi tiếng nói phía sau lưng: “Cô Lan này, cô còn trẻ, phải nghĩ đến tương lai dài lâu. Thằng bé cần có người chăm lo, cô cũng cần một người đàn ông bảo vệ, đỡ đần. Anh có ý này… cô suy nghĩ xem”. Là giọng của ông Phúc - ông anh chồng béo tốt, lùn tịt và gia trưởng. Những lời nói ấy nghe qua tưởng như là sự quan tâm, nhưng Lan cảm nhận được sự bất thường. Cô cố giữ lễ phép:
- Bác ạ, chồng em mới mất, bác đừng nói những lời ấy, phải tội.
Ông Phúc đành cun cút về. Từ lâu, ông này đã trở thành nỗi ám ảnh trong cuộc sống của Lan. Mỗi lần ông Phúc sang nhà, ánh mắt của ông cứ soi mói, khó chịu.
Trạc ngoài năm mươi, không có con trai nối dõi, ông Phúc luôn canh cánh trong lòng nỗi lo lắng về việc gia đình sẽ tuyệt tự. Cay hơn, mỗi cuộc rượu ông đều phải ngồi mâm dưới vì đẻ toàn vịt giời. Bà vợ cùng tuổi ông không thể sinh con nữa, nên ông chưa tìm thấy cách nào để thay đổi vận mệnh của mình.
Thế là, khi em trai qua đời, ông bắt đầu chú ý đến người em dâu góa bụa trẻ tuổi, đẹp khỏe mạnh đang sống sát nhà ông với đứa con trai nhỏ. Ban đầu, những lời nói của ông chỉ là những câu gợi ý úp mở trong những lần gặp gỡ. Dần dần, những lời gạ gẫm trở nên trắng trợn hơn. Một lần, khi cô đang ngồi ngoài sân phơi lúa, ông Phúc bất ngờ đến gần và nói thẳng thừng:
- Cô Lan này, anh cũng không giấu nữa. Cô thấy đấy, anh cần một đứa con trai để nối dõi. Nếu cô đồng ý sinh cho anh một đứa con trai, anh sẽ chia cho cô một phần đất đai, có của ăn của để, mẹ con cô sẽ sống thoải mái hơn. Đằng nào cô cũng đang một mình, nghĩ cho tương lai của mình và con mà tính.
Lan sững người. Sự khinh ghét dâng lên trong lòng, nhưng cô cố giữ bình tĩnh. Nhìn thẳng vào mắt ông Phúc, Lan đáp lạnh lùng:
- Bác về ngay đi. Tôi là vợ của em trai bác, chồng tôi mất nhưng tôi còn có con để lo. Bác nghĩ và nói những chuyện không đúng đắn như vậy, làng xóm chê cười, vong linh chồng tôi cũng không để bác yên.
Ông Phúc không nản lòng. Biết Lan sẽ khó dễ, ông bắt đầu dùng đến bài đe dọa. Ông tiến thêm một bước hùng hổ:
- Cô Lan à, cô không đồng ý cũng không sao. Nhưng cô nghĩ xem, căn nhà cô đang ở là đất của nhà anh, anh có quyền lấy lại bất cứ lúc nào. Nếu cô không chịu nghe lời, thì đừng trách anh không nể tình. Anh sẽ đuổi cả mẹ con cô ra khỏi nhà, đừng mong có ngày nào yên ổn”.
Những lời đe dọa như nhát dao cứa vào lòng Lan. Cô biết mình không có chỗ dựa, và ông Phúc có quyền lực hơn. Nhưng cô cũng biết lời đề nghị của người đàn ông này là trái đạo lý, không thể chấp nhận. Cô đã hạ quyết tâm không thể để bản thân và con trai khuất phục trước sự bỉ ổi đó.
***
Tối ấy, Lan ngồi lặng lẽ nhìn con trai mình đang chìm vào giấc ngủ say. Gió từ ngoài đồng thổi vào man mát, mang theo hương đồng cỏ nội quen thuộc. Lan cầm tay con, cảm nhận hơi ấm từ làn da mềm mại của đứa trẻ, lòng cô quặn thắt những nỗi lo xen lẫn sự uất ức.
Cô khẽ thì thầm, như muốn tâm sự với đứa con nhỏ của mình, dù biết thằng bé vẫn đang say giấc: “Mẹ biết mình không thể cho con cuộc sống đủ đầy như bao đứa trẻ khác. Nhưng mẹ sẽ không bao giờ để con thiếu thốn tình thương. Mẹ sẽ cố gắng làm tất cả, dù vất vả thế nào, chỉ cần con được ăn học, trưởng thành, nên người”.
Những giọt nước mắt lặng lẽ rơi trên gương mặt Lan. Cô vừa tủi thân, vừa thấy thương mình, thương con. Cô giận ông anh chồng vô lối. Từ ngày chồng mất, cô một mình gánh vác gia đình, nhà chồng đã không giúp thì thôi, lại khiến cô phải đối mặt với người anh chồng tàn nhẫn luôn tìm cách ép buộc cô làm điều vô đạo. Nhưng nghĩ đến con, cô tự nhủ mình không thể gục ngã, không thể để con trai mình lớn lên trong sợ hãi, bất an. Cô biết, tương lai của con phụ thuộc vào sự kiên cường của chính mình.
Lan lao vào mọi việc chăm chỉ, cần mẫn. Khi người làng Đồng còn ngủ, cô đã tất tả đạp xe đi chợ xa lấy hàng về chợ làng bán. Khi người làng Đồng bắt đầu cấy, ruộng lúa nhà cô đã cấy xong, chuẩn bị làm cỏ đợt 1. Trời thương cho mẹ con cô sức khỏe. Thằng cu Tuấn chăm học và hiểu chuyện. Tan trường là nó lại giúp mẹ việc nhà. Có những hôm, người ta còn thấy nó ngồi sau xe mẹ đi chợ sớm. Người làng Đồng cám cảnh cho hoàn cảnh mẹ con Lan, và cũng thầm phục cô khi lúc nào cũng thấy cô hối hả, luôn chân luôn tay. Họ đâu biết, trong lòng, Lan đã sẵn sàng cho một cuộc chiến với ông Phúc. Cô biết, chỉ có cách sống kiên cường và tự trọng, cô mới có thể bảo vệ được tương lai của hai mẹ con.
***
Làng Đồng lúc nông nhàn thật yên ắng, thanh bình. Phía cánh đồng, lúa đã gặt xong, những thửa ruộng chỉ còn trơ gốc rạ, trải dài vàng óng dưới nắng chiều. Trên các con đường dẫn vào làng, vài chiếc xe chở đầy thóc lăn bánh chậm rãi, để lại vệt bụi mỏng như tấm khăn mỏng phủ lên bầu không khí.
Hàng cau trồng dạo làng mới bắt đầu xây dựng nông thôn mới, nay đã cao vút đứng nghiêng mình bên bờ dậu, rì rào trò chuyện cùng gió. Tiếng lá khẽ xào xạc hòa quyện với tiếng chim chóc líu lo và hương cau thoảng dịu êm mỗi ngõ ngách trong làng. Phía sau làng, những đồi chè trải dài xanh ngát, uốn lượn như những đợt sóng mềm mại dưới bầu trời trong xanh.
Trời quá trưa, nắng đã lên quá đỉnh đầu. Ông Phúc đứng từ cổng nhà mình, nhìn ra con đường làng ngoằn ngoèo dẫn qua những cánh đồng. Đột nhiên, ông thấy một chiếc ô tô chạy chậm rãi tiến lại gần, bụi đường bay mờ mịt theo sau bánh xe. Nhưng hình ảnh chiếc ô tô lạ làm ông Phúc chột dạ. Quái, xe ai vào làng nhỉ? Trước nay, trong làng chẳng nhà nào có xe hơi, xe nơi khác vào làng cũng hiếm.
Gửi phản hồi
In bài viết