Bình minh Cọc Vài. Ảnh: Hoàng Hưng
Vẻ đẹp quê hương khiến anh nung nấu góp tiền mua cho mình một chiếc máy ảnh. Những lúc rảnh rỗi Hoàng Hưng thường chụp dạo ven hồ. Rồi anh mơ ước ngày nào đó mình có một con thuyền máy để tự do khám phá. Ý tưởng đó lọt đến tai một số nhiếp ảnh gia ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, họ bảo Hoàng Hưng mạnh dạn đóng thuyền, nhóm ủng hộ góp thêm. Dự án con thuyền máy chở khoảng 10 người, trị giá 20 triệu đồng ra đời.
Hoàng Hưng tự học chứng chỉ lái thuyền máy, trang bị bảo hộ an toàn phao cứu sinh, trực tiếp nhiều ngày đi thám hiểm. Các tuyến đi Khau Tinh, Đà Vị hay chạy lên Phúc Yên, ngược Bắc Mê, Hà Giang anh đều thuần thục. Theo Hoàng Hưng, khi đi vào từng ngõ ngách mới thấy hết vẻ đẹp, sự kỳ vĩ, tiềm ẩn của vùng lòng hồ. Giờ anh nhớ như in vài chục địa điểm check-in phong cảnh đẹp trên lòng hồ. Chỗ này nên chụp lúc mấy giờ, buổi sáng hay buổi chiều. Chỗ này cần đợi nắng, chỗ kia chờ mây. Nhiếp ảnh phong cảnh là vậy.
Nhiếp ảnh gia Hoàng Hưng cho biết, nhiếp ảnh gia phong cảnh cần hiểu về cách sử dụng máy ảnh, cài đặt các thiết lập cần thiết, điều chỉnh độ sáng, tập trung vào chi tiết và góc nhìn để tạo ra các bức ảnh phong cảnh ấn tượng. Nhiếp ảnh gia phong cảnh cần có một mắt tinh tường để nhận ra các cảnh đẹp trong thiên nhiên. Họ cần biết cách tìm kiếm vàtận dụng tối đa những cảnh quan tuyệt đẹp, bao gồm các ngọn núi, thác, cánh đồng, rừng, động vật hoang dã và các yếu tố thiên nhiên khác.
Nhiếp ảnh gia Hoàng Hưng.
Ngoài việc chụp ảnh, nhiếp ảnh gia phong cảnh cũng cần có kỹ năng sửa ảnh để tăng cường chất lượng và tạo ra hiệu ứng đặc biệt trong bức ảnh. Việc điều chỉnh màu sắc, độ tương phản, cắt xén và chỉnh sửa các yếu tố khác cũng là một phần quan trọng trong quá trình tạo ra bức ảnh phong cảnh ấn tượng. Ánh sáng và thời tiết có thể ảnh hưởng lớn đến bức ảnh phong cảnh. Nhiếp ảnh gia cần biết cách sử dụng ánh sáng một cách sáng tạo để tạo ra các hiệu ứng đặc biệt. Họ cũng cần có khả năng đọc thời tiết và biết cách tận dụng các điều kiện thời tiết để chụp ảnh tốt nhất. Nhiếp ảnh gia phong cảnh cần có khả năng chọn góc chụp phù hợp để tạo ra cảm giác mê hoặc và tạo điểm nhấn trong bức ảnh. Điều này bao gồm việc chọn góc độ, độ cao.
Cách chụp “phơi cảnh” của Hoàng Hưng ảnh hưởng lớn bởi nhiếp ảnh gia nổi tiếng Andre Lưu (TP Hồ Chí Minh). Do là người bản địa thông thạo địa hình, có thuyền máy, cộng với sự nhiệt tình và niềm đam mê nhiếp ảnh phong cảnh, Hoàng Hưng nhận được sự tin tưởng của nhiếp ảnh gia Andre Lưu. Trước những chuyến đi chụp phong cảnh trên lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình của Andre Lưu đều do Hoàng Hưng thông báo thời tiết, tổ chức tour đi, lo công tác hậu cần. Qua những chuyến đi, Hoàng Hưng được Andre Lưu và nhiều đoàn nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chỉ bảo về thiết bị, cách chụp, xử lý hậu kỳ. Đến nay, phải khẳng định kỹ thuật chụp phơi phong cảnh của Hoàng Hưng ở Tuyên Quang đứng vào những tay máy số 1.
Thác Khuổi Súng. Ảnh: Hoàng Hưng
Chụp phơi là kỹ thuật khá cầu kỳ, đòi hỏi người chụp chọn được góc chụp, thời điểm chụp. Thường các nhiếp ảnh gia chụp phơi phải dùng chân máy và filter. Chân máy để chống rung, ảnh sắc nét. Còn filter có nhiệm vụ làm giảm cường độ sáng, hiệu chỉnh màu sắc. Các thiết lập máy ảnh như chụp chế độ phong cảnh, khẩu độ, tốc độ chụp, iso sao cho phù hợp. Chụp phơi thường để tốc độ chụp chậm làm cho bức ảnh sắc nét nhất có thể hoặc dòng thác chảy một cách mềm mại. Do thời gian phơi lâu, filter có tác dụng ngăn bớt nguồn sáng đi vào máy làm cháy chi tiết, như vậy sẽ đạt được ý đồ của người chụp.
Chụp ảnh phong cảnh rất dày công. Để chụp ngọn núi Pác Tạ biểu tượng của toàn vùng Na Hang, Hoàng Hưng đã không biết bao nhiều lần vác máy ra lại vác máy về. Có hôm nhiều nắng nhưng lại thiếu mây. Ngược lại có hôm nhiều mây nhưng nắng không đẹp. Thể hiện được ngọn Pác Tạ ưng ý không phải là chuyện dễ. Nhiều hôm tiên đoán có bình minh hay hoàng hôn đẹp, Hoàng Hưng đã vác thang, đứng chờ sẵn khoảnh khắc tuyệt đẹp của thiên nhiên để bấm máy.
Hiện nay, Hoàng Hưng có thêm cả ca nô composite, thuyền sup cao tốc, phục vụ đắc lực các đoàn chụp ảnh phong cảnh trên lòng hồ. Hàng trăm đoàn nhiếp ảnh đã lên với Na Hang, lên với Hoàng Hưng. Anh thực sự trở thành đại sứ du lịch của huyện vùng cao này. Ảnh phong cảnh vùng lòng hồ thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình - danh thắng Quốc gia đặc biệt vì thế được quảng bá rộng rãi. Du khách biết đến Na Hang, Lâm Bình ngày càng nhiều hơnn
Gửi phản hồi
In bài viết