Minh họa: Bích Ngọc
Tin Phiêng Luông được làm đường to chưa kịp nguội thì đã thấy có người mang đủ các loại máy vượt đèo Khâu Săm đến đo đo, chép chép khắp các con đồi. Mấy anh thợ ở tại nhà ông Tài Sinh mới được hai hôm thôi nhưng cỏ xung quanh đã không mọc lên nổi. Con gái Phiêng Luông đi rẫy chẳng đợi nắng tắt đã vác bó củi đi về, cô nào cũng cố vòng qua nhà Tài Sinh mới chịu. Lũ trẻ ngày ngày đi chăn trâu về là ghé mắt qua khe ván nhìn người lạ. Đám con trai thì khác, tối nào cũng mang rượu sang nhà Tài Sinh, người già lại ở khuya hơn, thế mà luôn miệng bảo:
- Cho các anh công nhân đi ngủ sớm để mai còn làm đường chứ.
Ấy thế mà cũng phải đợi Tài Sinh nói khéo mấy lần mới chịu về.
Khi lúa trên rẫy đã thu về hết, người trong bản chẳng đợi nhắc, từ sáng sớm đã mài sẵn dao để đi phát đường xuyên đèo Khâu Săm, tiếng cười nói át cả tiếng máy xúc vang từ phía xa xa. Con đường về Phiêng Luông đã không còn là chuyện chỉ có trong tiếng thở dài của người già.
Nhưng khi đường đã mở đến đỉnh Khâu Săm, người Phiêng Luông dừng lại, những người thợ ngạc nhiên, chẳng hiểu chuyện gì. Buổi chiều khi đội thợ về đến Phiêng Luông, mọi người ai cũng tránh đi thật xa, mắt con gái bản không còn nhìn long lanh nữa, người già cũng khép cửa lại khi đội thợ đến gần. Đến nhà Tài Sinh, mọi đồ đạc đã bị đưa ra khỏi nhà. Cả đội thợ vẫn chưa hiểu chuyện gì, mấy người định tiến lại gần hỏi nhưng không ai bắt chuyện. Đêm ấy, cả đội thợ phải dựng lán ở bên ngoài, chẳng người Phiêng Luông nào đến nữa. Đội thợ nằm im, cả Phiêng Luông cũng nằm im như những cái máy to đang nằm im lặng trên đỉnh Khâu Săm.
Mới sáng sớm, khi cả đội thợ đang chuẩn bị đi làm thì Tài Sinh dẫn mấy người già đến. Không tiến lại quá gần, Tài Sinh nói:
- Các anh thợ à? Phiêng Luông không ghét các anh thợ đâu nhưng các anh đừng ở đây nữa.
- Sao lại thế?
- Các anh đã vào rừng hủi rồi, con ma hủi đang bám lấy rồi, Phiêng Luông không dám cho các anh ở lại nữa. Phiêng Luông không cần đường nữa.
- Nhưng…
Khu lán mới được dựng cách khá xa Phiêng Luông, đội thợ ngồi nhìn nhau, khuôn mặt ai cũng không vui, họ không giận người bản nhưng cũng chẳng biết nói chuyện thế nào. Bây giờ Phiêng Luông nhà nào cũng đóng kín cửa, xung quanh rắc vôi trắng. Nhiều nhà gọi thầy về cúng suốt mấy ngày liền. Con đường giờ trở thành con rắn vàng trên đỉnh Khâu Săm...
- Ông không phải người Phiêng Luông? Chúng tôi chưa thấy ông bao giờ?
- Tôi là người Phiêng Luông nhưng cũng không phải.
Một người lạ đến lán của thợ giữa lúc mọi chuyện vẫn chưa tìm được cách giải quyết. Chẳng hỏi ai nhưng người lạ biết hết chuyện, đôi mắt người lạ nhìn đội thợ đồng cảm và hay thở dài.
- Tôi là con ma hủi của Phiêng Luông.
Người lạ bắt đầu câu chuyện thật nhanh, chẳng kịp để đội thợ hỏi. Cánh rừng xanh mượt dưới chân đèo Khâu Săm là khu rừng hủi, người Phiêng Luông chưa có ai dám bước chân vào đó. Người già nhất ở bản đã kể cho con cháu biết chuyện về người đàn bà bị hủi bị chôn sống ở cái hố trong khu rừng đó. Năm ấy, khi những vết lạ xuất hiện ở bàn chân người đàn bà mù, rồi lở loét khắp người.
- Bà ấy bị hủi rồi!
Lời người già bao giờ cũng là lời đúng. Buổi tối, những người lớn nói chuyện cả đêm, những lời thì thầm, những tiếng thở dài đến sáng vẫn chưa dứt. Sáng hôm sau, trừ người nhà, người Phiêng Luông đều có mặt đông đủ. Người đàn bà mù được dắt đi hướng về khu rừng với lời hứa sẽ trị được bệnh. Khi người đàn bà đi qua tấm ván bắc qua hố trong khu rừng cũng là lúc những người khỏe nhất Phiêng Luông rút lật ván. Tiếng hét thảm vang vọng dưới hố sâu chui vào tai, vào sâu trong trí nhớ của những người ở đó. Khu rừng trở thành nơi cấm tất cả người Phiêng Luông được bén mảng đến. Nhưng trong một lần tìm con trâu lạc, tôi đã vô tình đi vào rừng hủi. Đã hơn 10 năm qua, cả Phiêng Luông đã coi tôi là con ma hủi trong khu rừng đó. Giờ đây đến lượt các anh.
- Ra là vậy?
- Nhưng làm gì có ma hủi nào?
- Đúng, bao nhiêu năm qua tôi cũng biết, nhưng ma hủi không có trong rừng mà có trong đầu người Phiêng Luông.
- Người lạ có cách gì không?
- Gọi tôi là Tam, mười năm rồi không ai gọi tên tôi.
Tam và đội thợ tiến vào Phiêng Luông, cả bản nháo nhác tìm nơi tránh. Khuôn mặt ai cũng hiện lên nét sợ hãi, tiếng trẻ con gào khóc, người già chỉ biết thắp nén hương lên bàn thờ cầu xin. “Đàn ma hủi” dừng lại trước ngôi nhà Tam ở phía cuối bản. Bố và mẹ
Tam nhìn con nửa muốn chạy lại rồi nhìn xung quanh.
- Mẹ à! Con ma hủi không ăn nổi con đâu.
Rồi chẳng ai để ý những người Phiêng Luông khác đang đứng ở đằng xa nhìn về.
- Nhà này không phải người Phiêng Luông nữa rồi.
Người già nói như vậy, mọi người cũng nghĩ như vậy.
Những người thợ ở lại nhà Tam, ngày ngày đi từ bản qua rừng hủi kéo đầu con rắn vàng về gần Phiêng Luông. Ngày con đường hoàn thành, cả bản chẳng ai đến mừng như ngày đầu tiên mở đường. Đội thợ ở lại dựng ngôi nhà ngay gần đường mới cho Tam rồi mới đi, người Phiêng Luông vẫn ngày ngày men theo đường mòn đi chợ Phiên, người già đứng ở đồi cao nhìn con rắn vàng bằng đôi mắt nửa đen nửa xám. Đôi chân người già đang bước xuống chân dốc không nhanh, không chậm. “Sao thằng Tam bị ma hủi bắt mười năm mà không sao? Đội thợ vào rừng hủi cũng bình an ra về?”. Người già định đi tiếp nhưng khựng lại.
- Bọn trẻ đi học sao lại theo đường to qua rừng hủi thế kia.
- Chúng nó không phải người Phiêng Luông rồi.
Không, chúng nó là người Phiêng Luông đấy, lời người già nói thế đấy. Ai có thể đuổi những đứa trẻ ấy ra khỏi bản đây...
Phiêng Luông có con đường to rồi, con đường ấy xuyên qua rừng hủi, xuyên qua cả những tán cổ thụ rậm rạp để đưa ánh nắng ấm về bản.
Gửi phản hồi
In bài viết