Dòng chảy 50 năm của văn học thiểu số xứ Tuyên

- Văn học dân tộc thiểu số (DTTS) Tuyên Quang có nhiều thành tựu đáng kể, đó là sự độc đáo trong bản hợp xướng đa thanh của văn học Việt Nam, đóng góp vào thành tựu chung của văn học Việt Nam đương đại. 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, dòng chảy văn học thiểu số Tuyên Quang có nhiều biến chuyển, đặc trưng riêng.

Một khoảng giao thời đầy biến động

PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh đánh giá rằng: “Tỉnh miền núi nhưng văn học Tuyên Quang có nhiều điểm tương đồng với văn học Thái Nguyên, nhưng lại khác biệt với văn học Bắc Kạn. Nếu đội ngũ sáng tác của Bắc Kạn đa số là người dân tộc thiểu số, chất miền núi rất đậm nét thì văn học Tuyên Quang và Thái Nguyên không có đặc điểm ấy. Là nơi hội tụ, giao thoa, cộng sinh của nhiều bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc, bản sắc riêng không thật đậm, văn học phát triển theo xu thế “mở” để đón gió bốn phương thổi tới. Văn học dân tộc thiểu số Tuyên Quang cũng không nằm ngoài bức tranh đó. Để đánh giá nhìn nhận văn học thiểu số Tuyên Quang từ sau năm 1975 chúng ta có thể chia làm hai giai đoạn.

Văn học thiểu số Tuyên Quang từ 1975 -1986 được gọi là thời kỳ văn học của khoảng giao thời nhiều biến động. Do những điều kiện thuận lợi của thời bình văn học DTTS có những chuyển biến mạnh mẽ không chỉ về đội ngũ mà còn có những phát triển vượt bậc về chất lượng các tác phẩm. 

Lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và các hội viên trao đổi kinh nghiệm sáng tác văn học đề tài dân tộc thiểu số.

Ở giai đoạn này sự kiện Hội văn học nghệ thuật Hà Tuyên ra đời vào ngày 26/6/1982 có ý nghĩa văn hóa vô cùng lớn lao. Đó là tập hợp, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ đông và mạnh hơn từ hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Tờ Báo Văn nghệ Hà Tuyên, sau là Tạp chí Tân Trào (1999) nay là Tạp chí Văn nghệ Tuyên Quang. Đây là diễn đàn văn nghệ của toàn thể văn nghệ sĩ trong và ngoài hai địa phương sáng tác về một vùng văn hóa miền núi đặc sắc.

Các sáng tác trong giai đoạn này có truyện và ký của Đinh Công Diệp, Trịnh Thanh Phong, Phù Ninh; thơ của Nguyễn Đình Kiền, Nịnh Văn Độ, Gia Dũng, Đoàn Thị Ký, Hà Phan, Nguyễn Bình, Xuân Mạnh, Phạm Văn Vui, Trần Hoài Quang, Trần Khoái…

Nội dung chủ yếu phản ánh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bám sát những chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước trong từng giai đoạn cụ thể.

Nhiều tác phẩm còn phản ánh nếp sống sinh hoạt, phong tục tập quán như cưới xin, ma chay, lễ hội… của đồng bào miền núi. Cảm hứng chủ đạo trong văn xuôi giai đoạn này là khẳng định, ngợi ca con người mới, cuộc sống mới. Trong văn xuôi, hình ảnh con người mới được xuất hiện khá nhiều trong các sáng tác. Hầu hết các tác phẩm tập trung phản ánh những đề tài gần gũi, quen thuộc trong đời sống xã hội như đề tài sản xuất nông nghiệp ở nông thôn, sự đổi đời nhờ Cách mạng của người dân miền núi, ca ngợi những con người tiến bộ, dám nghĩ dám làm.

Đời sống văn học phong phú khởi sắc

Văn học hiện đại Tuyên Quang, trong đó có văn học dân tộc thiểu số Tuyên Quang đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, theo xu hướng dân chủ hóa, hiện đại hóa, đổi mới trên nền tảng truyền thống. Thể loại ngày càng phong phú và khởi sắc, có sự đan xen, tiếp nối các thế hệ văn nghệ sĩ Tuyên Quang, hòa hợp nhiều bút pháp nghệ thuật và cá tính sáng tạo độc đáo…
Các tác giả người dân tộc thiểu số Tày, Dao, Cao Lan… như Mai Liễu, Nịnh Văn Độ… là những người con của núi rừng, nên dù đi đâu, về đâu vẫn luôn hướng về quê hương, nguồn cội với một tình cảm gắn bó, máu thịt. 

Nhà thơ người Tày Mai Liễu là tác giả của 7 tập thơ. Điển hình như: Suối làng, Mây vẫn bay về núi, Lời then ai buộc, Tìm tuổi, Đầu nguồn mây trắng… Ngay từ cách lựa chọn tên các tập thơ của Mai Liễu thì người đọc cũng đã nhận thấy: đây là một hồn thơ gắn bó hết sức chặt chẽ, máu thịt với quê hương miền núi. Chính nhà thơ đã từng bộc lộ: “Quê hương và tình người miền núi là niềm trăn trở, hối thúc tôi cầm bút và nó còn trở đi trở lại mãi trong cuộc đời cầm bút của tôi”. (Lời đầu sách Đầu nguồn mây trắng).

Các tác giả dân tộc Kinh có nhiều tác phẩm về dân tộc miền núi tạo tiếng vang lớn trên văn đàn cả nước: Nhà văn Đinh Công Diệp với tiểu thuyết Rừng có tiếng người; Nhà văn Trịnh Thanh Phong với tập truyện ngắn Dưới chân núi Bắc Quan, Hiện ra từ huyền thoại; nhà văn Phù Ninh với tập truyện ngắn Ngày rời bản, Nghĩa địa đen… Nhà văn Vũ Xuân Tửu với tiểu thuyết Nửa tỉnh nửa quê...

Ở mảng thơ, Đoàn Thị  Ký cũng cho  ra hơn  50  bài thơ được  in trong 2 tập thơ Cô gái và cầu vồng và Nửa vòng bông gạo trong đó nhiều bài được  ghi nhận là nhà thơ của ngọn nguồn cảm xúc Tân Trào. Đặc biệt nhà thơ  Gia Dũng, chỉ hơn 10 năm đã cho ra gần chục đầu sách, chiếm con số kỷ lục về  số lượng gần 200 tác phẩm mà về chất lượng cũng được đánh  giá  rất cao. Các nhà thơ Lê Na, Nguyễn Tuấn, Ngọc Hiệp… xây dựng được thương hiệu của mình trong lòng độc giả với nhiều tác phẩm ấn tượng. Nội dung sáng tác ở các tác giả này là phản ánh vẻ đẹp văn hóa dân tộc thiểu số, sự chuyển mình làng bản, con người miền núi.

Trải qua quá trình phát triển, văn học hiện đại các DTTS miền núi phía Bắc giai đoạn sau 1975 có đóng góp đáng kể, đó là sự độc đáo trong bản hợp xướng đa thanh của văn học Việt Nam. Các sáng tác của các tác giả người DTTS đóng góp vào thành tựu chung của văn học Việt Nam đương đạin

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục