Nhà thơ của Bài ca Trường Sơn

- Nhà thơ Gia Dũng tên thật là Đỗ Gia Dũng, sinh ngày 15-8-1940 tại Thái Bình, thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong chiến tranh chống Mỹ. Ông từng làm biên tập viên ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, sau về Tuyên Quang làm Phó Chủ tịch Hội VHNT Hà Tuyên kiêm Tổng Biên tập báo Văn nghệ Hà Tuyên (nay là Tạp chí Văn nghệ Tuyên Quang).

Tôi biết ông lần đầu khi ông đang làm tuyển tập thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam. Khi ấy là những năm đầu chín mươi. Dáng tầm thước, đôi kính cận dày, ông tràn đầy năng lượng, lúc ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, khi đến một số cơ quan, lúc lại đến với anh em báo chí chúng tôi.

Ông thông tin, được bằng này, bằng này bài rồi, có cả thơ của lãnh đạo tỉnh rồi. Tôi thấy niềm vui cứ ánh lên trong mắt ông. Rồi thầm phục, lúc này mình và bao nhiêu người đang vật lộn với cuộc sống khó khăn thời kỳ đầu đổi mới, còn ông cứ hăng hái với thơ. Giống như hồi chống Mỹ, ông hăng hái trong đoàn quân Nam tiến, viết Bài ca Trường Sơn “Còn gì vui hơn đường ra trận mùa xuân…”.

Nhà thơ Gia Dũng.

Gia Dũng sáng tác nhiều. Ông có nhiều tập thơ như: “Chiều trăng’’, “Ngõ hoa vàng’’, “Cánh cửa khép hờ’’… Ông cũng dành nhiều thời gian biên tập hơn 30 tập tuyển chọn và sưu tập thơ Việt Nam qua các thời kỳ với các tác phẩm hàng ngàn trang như: “Thơ Việt Nam 1945 - 2000’’, “Thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam thế kỷ XX’’, “Ngàn năm thương nhớ” (Thơ Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XX), “Hồ Chí Minh - Hợp tuyển thơ”, “Nguyễn Trãi hợp tuyển thơ”, “Trời Nam thương nhớ” (Tuyển thơ Nam Bộ xưa & nay), “Ngàn năm thơ Việt”, “Đánh giặc làm thơ mười thế kỷ”, “Chúng tôi đánh giặc và làm thơ”, “Nước non một dải”, “Gần lắm Trường Sa”, “Biển gọi” (10 thế kỷ thơ về biển đảo Việt Nam), “Trời Điện Biên mây trắng’’,

“Trông về Việt Bắc”, “Bài ca thống nhất”... Hai năm liền (2005 và 2006), Gia Dũng được trao giải thưởng “Sách đẹp Việt Nam’’. Cuốn nào của ông cũng đồ sộ, chỉn chu và đẹp.

Đã có một thời gian không ngắn, nhiều người nghe ca khúc Bài ca Trường Sơn chỉ biết của nhạc sỹ Trần Chung, mà không biết phần ca từ của nhà thơ Gia Dũng. Rồi báo chí viết về ông, viết về Bài ca Trường Sơn. Từ đó, người nghe nhạc mới thấy người ta giới thiệu về ca khúc Bài ca Trường Sơn: nhạc Trần Chung, lời thơ Gia Dũng.  Còn ông cứ miệt mài với công việc gây dựng đội ngũ sáng tác cho Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, miệt mài làm thơ, làm sách. Khi về hưu, ông sống trong ngôi nhà nhỏ ở ngõ chợ Tam Cờ, an yên với lương hưu và trợ cấp thương tật hơn bảy triệu đồng một tháng. 

Mùa xuân năm 2019, ông bị đột quỵ. Dù được gia đình và các thầy thuốc đã chăm sóc, chạy chữa tận tình, nhưng một ngày tháng Tư, ông đã về với đất mẹ. Chúng tôi đoán, chắc ông sẽ hóa thành mây trắng, hòa với đất trời, có lúc đi thăm lại núi rừng Trường Sơn, nơi ông thời tuổi trẻ đã cùng đồng đội “ngắt một đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi…”.

Nhà thơ Gia Dũng (thứ 3 từ trái qua) với lãnh đạo tỉnh và các văn nghệ sỹ Tuyên Quang tháng 6-2017.

Nói về “Bài ca Trường Sơn”, có thể coi đó là dấu ấn đặc biệt trong nền thơ ca kháng chiến chống Mỹ - một bản tráng ca vừa hùng tráng, vừa thiết tha về những năm tháng hào hùng mà đầy gian khó của dân tộc. Bài thơ đã khắc họa rõ nét vẻ đẹp của người lính Trường Sơn - vừa quả cảm, kiên cường, vừa giàu cảm xúc và đầy chất thơ.

Ngay từ câu mở đầu “Trường Sơn! Đường ta qua chưa một dấu chân người”,  người đọc đã lập tức cảm nhận được cái thiêng liêng, hoang sơ và hiểm trở của tuyến đường huyền thoại. Nhưng chính nơi ấy, những người lính đã đặt dấu chân đầu tiên, tiến về phía trước với một niềm tin sắt đá sẽ giải phóng miền Nam.

Trường Sơn trong thơ Gia Dũng còn vô cùng thơ mộng và gần gũi với hình ảnh “chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác”. Giữa khói lửa chiến tranh, nhà thơ vẫn phát hiện ra vẻ đẹp dịu dàng, rất đỗi con người của núi rừng, qua chi tiết “ngắt đóa hoa rừng gài lên mũ, ta đi” - một hành động bình thường nhưng toát lên vẻ lãng mạn, trẻ trung và yêu đời của người lính.

Hình ảnh người lính trong bài thơ mang tính sử thi, vừa hiện thực vừa lý tưởng hóa: họ “đạp nát đá tai mèo bằng sức pháo ngàn cân”, là những “trai làng Phù Đổng” - nối tiếp truyền thống hào hùng của dân tộc. Đặc biệt, hình ảnh những vì sao thức cùng ta đêm đêm không mỏi/ Như mắt em mang trọn niềm tin yêu chờ đợi/ Như hải đăng vời vợi ngàn trùng/Giục lòng ta vượt Trường Sơn trong đoạn kết bài thơ mang đậm chất trữ tình. Ở đó, tình yêu và lý tưởng hòa làm một. Có sao đêm là ánh sáng dẫn đường, như biểu tượng cho ánh mắt người con gái hậu phương dịu dàng, thủy chung nhưng cũng chính là động lực tinh thần lớn lao để người lính vượt qua gian khó và chiến thắng.

Với “Bài ca Trường Sơn”, Gia Dũng đã góp phần làm phong phú thêm hình tượng người lính trong thơ ca Việt Nam, đồng thời để lại một tác phẩm bất hủ trong lòng bao thế hệ bạn đọc.

Những ngày tháng Tư lịch sử này, người Tuyên Quang lại nhớ và tự hào về ông - một người lính Trường Sơn, một nhà thơ tài hoa, say sưa với thơ và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn nghệ tỉnh nhà.

Ngọc Mai

Tin cùng chuyên mục