Hồi ký Nguyễn Thị Bình

- Cuốn hồi ký là hành trình tác giả gắn bó với sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là vai trò trưởng phái đoàn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris - một mốc son trong lịch sử ngoại giao Việt Nam.

“Gia đình, bạn bè và đất nước” là hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, một trong những gương mặt tiêu biểu của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Cuốn sách là hành trình ngược dòng ký ức, tái hiện gần một thế kỷ đầy biến động qua lăng kính của một người phụ nữ đã sống, chiến đấu và cống hiến không mệt mỏi cho độc lập dân tộc, hòa bình và tiến bộ xã hội.

Ở phần đầu cuốn hồi ký, bà Nguyễn Thị Bình dành nhiều trang viết để kể về gia đình mình - một dòng họ trí thức yêu nước, nơi đã truyền cho bà những giá trị đầu tiên về nhân cách, trách nhiệm và lý tưởng sống. Là cháu ngoại của nhà yêu nước Phan Chu Trinh, bà trưởng thành trong một môi trường thấm đẫm tinh thần khai sáng, tinh thần dân tộc, và tư tưởng canh tân.

Trong những năm hoạt động bí mật, bà đã gặp gỡ và đồng hành cùng nhiều nhân vật lịch sử lớn như Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Trịnh Đình Thảo… những con người đã góp phần làm nên diện mạo của cách mạng Việt Nam hiện đại.

Tâm điểm của cuốn hồi ký là hành trình bà gắn bó với sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là vai trò trưởng phái đoàn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris - một mốc son trong lịch sử ngoại giao Việt Nam. Những mô tả về hậu trường đàm phán, về các cuộc đấu trí căng thẳng với phái đoàn Mỹ, hay về sự kiên trì của một người phụ nữ đại diện cho tiếng nói của một dân tộc bị chiến tranh tàn phá… đều được thể hiện một cách sinh động, khách quan và đầy cảm xúc.

Cùng với việc thuật lại các sự kiện lớn, bà còn bộc lộ những suy tư rất đời thường về vai trò phụ nữ trong cách mạng, về những hy sinh cá nhân, về sự hòa giải dân tộc và khát vọng hòa bình - điều mà bà luôn xem là mục tiêu cao cả nhất.

Có những trang viết rất đặc biệt và cảm động, cho thấy bà không chỉ là một nhà chính trị, nhà ngoại giao, mà còn là một người mẹ với những nỗi niềm rất đời thường và sâu sắc: “Tôi nhớ có lần, sau một thời gian dài công tác xa nhà, khi trở về, con gái tôi đã hỏi: “Mẹ ơi, sao mẹ đi lâu thế?” Câu hỏi ngây thơ ấy khiến tim tôi thắt lại. Tôi đã phải giải thích cho con hiểu rằng công việc của mẹ là vì đất nước, vì tương lai của các con, để sau này các con được sống trong hòa bình, không còn chiến tranh. Nhưng trong lòng, tôi luôn day dứt vì không thể ở bên con nhiều hơn, không thể chăm sóc con như bao người mẹ khác”.​

Cuốn hồi ký với văn phong giản dị, gần gũi, là tiếng nói từ trái tim một người đã đi gần trọn một thế kỷ, vẫn giữ được sự trong sáng của lý tưởng và lòng nhân hậu. Người đọc sẽ nhận ra đây không chỉ là một hồi ký chính trị - lịch sử, mà còn là một tác phẩm nhân văn, mang giá trị tư liệu quý giá về một thời đại, và là nguồn cảm hứng cho những ai đang tìm kiếm định hướng sống có lý tưởng, có trách nhiệm, trong một thế giới đầy biến động hôm nay.

Sách được bà viết từ năm 2007, hoàn thành cuối năm 2009, phát hành lần đầu tiên năm 2012, và tái bản nhiều lần. Sau khi tác giả tiếp tục chỉnh sửa qua các năm 2013, 2014, 2023, Nhà xuất bản Sự Thật tái bản năm 2025.

Minh An

Tin cùng chuyên mục