Sinh ra và lớn lên ở gần chợ Tam Cờ, tuổi thơ của chị gắn liền với những con phố buôn bán sầm uất. Bạn bè của nhà văn cùng trang lứa hầu như đều theo nghề buôn bán, cuộc sống nhộn nhịp, năng động.
Giá sách nhỏ của nhà văn.
Nhớ lại thời học cấp 3 Tân Trào (TP Tuyên Quang), nhà văn Hoàng Kim Yến kể “tôi ngày đó mảnh khảnh, bé như cái kẹo, được cái điểm văn cũng kha khá. Ngày sắp tốt nghiệp ra trường, thấy nhà văn Mai Liễu, Trịnh Thanh Phong - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh xuống trường tìm nhân tố mới. Tôi được Ban giám hiệu giới thiệu. Rồi sau này, được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cử đi học lớp Bồi dưỡng viết Văn do Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức vào năm 1996”.
Không biết có phải mẹ làm nghề y, có nhận trông thêm con trẻ ở nhà mà nhà văn Hoàng Kim Yến rất thích trẻ con. Chị được mẹ tin tưởng giao trông mấy chục cháu ở nhà mà mọi việc đều suôn sẻ. Hóa ra chị còn có tài ca múa, từng là ca sỹ nhí của Tốp ca măng non Tân Trào, Tốp ca măng non Hoa phượng đỏ do nhạc sỹ Tân Điều, Trần Ngoan - Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hà Tuyên phụ trách. Nên sáng tác đầu tay của nhà văn Hoàng Kim Yến tập trung về trẻ em như truyện ngắn “Cánh cò trong mưa”, thơ “Hương quê” cũng là điều dễ lý giải. Sau này chị Hoàng Kim Yến học chuyên ngành du lịch, công tác tại Khách sạn Lô Giang, Nhà khách Liên đoàn Lao động tỉnh cho đến khi nghỉ hưu, song chị vẫn là hội viên tích cực của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.
Trong 5 cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn, tập thơ của nhà văn Hoàng Kim Yến được in riêng như: Giải mã lời nguyền, Đoản khúc giao mùa, Khi không còn mùa thu, thì có 2 tập thơ viết riêng cho thiếu nhi: Giấc mơ của bé, Phiên chợ trên sân.
Nhà thơ Dương Thuấn từng nhận xét: “Dưới con mắt của chị thì tất cả mọi vật đều có linh hồn và đều có thể trở thành bạn bè cùng vui chơi trò chuyện với nhau. Bởi vì chị nắm được điều đó cho nên các bài thơ của chị thể hiện khá nhuần nhuyễn về ý tưởng cũng như hình thức thể hiện. Phiên chợ trên sân là tập thơ đầu tay nhưng chị Hoàng Kim Yến đã đem lại cho người đọc thấy được tác giả là một người quan sát tinh tế, luôn hòa nhập trong cuộc sống của trẻ nhỏ”.
Đúng là viết cho trẻ em không hề dễ, nhất là về mảng thơ. Ngôn ngữ, nội dung phải dễ hiểu, dễ nhớ, mang tính cách của trẻ em. Nhà văn Hoàng Kim Yến chọn thể loại thơ tự do, ngắn gọn để viết “Sáng nay có gì vui/Chim én bay đầy ngõ/Gió đùa nắng xôn xao/Hoa trong vườn đua nở/Thỏ nâu tròn xoe mắt... (A! Mùa xuân về)”; “Chị gập chiếc thuyền giấy/Em làm thuyền lá tre/Chở ước mơ nho nhỏ/Ra đại dương mênh mông (Chiếc thuyền của bé)”; “Đón gió trước cổng/Làm cái ô xòe/Che rợp bóng nắng/Trưa hè chói chang (Cây bàng)”; “Bé vẽ tặng bố/Một ông mặt trời/Bố đi công tác/Cõng mặt trời theo/Bé vẽ tặng mẹ/Một ngôi sao xanh/Những đêm mẹ trực/
Những sách in riêng của nhà văn Hoàng Kim Yến.
Sao sáng lung linh (Họa sỹ tí hon)”; “Ông trăng thương mẹ/Biến thành chiếc liềm/Ruộng mùa lúa chín/Ông gặt thật nhanh/Sáng mẹ thức giấc/Lúa chất đầy sân/Hạt thơm vàng óng (Giúp mẹ)”.
Nhà văn Hoàng Kim Yến khá đa tài, chị viết đều tay ở nhiều thể loại. Về lĩnh vực tiểu thuyết, “Đoản khúc giao mùa” để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc. Thể loại bút ký, chị đã từng giành giải A “Người con đất Ỷ La” tại Cuộc thi sáng tác, quảng bá về chủ đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do tỉnh tổ chức. Ở thể loại thơ, tập thơ “Giấc mơ của bé” giành giải Khuyến khích cuộc thi thơ do Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam trao. Mới đây nhất, tại Cuộc thi truyện ngắn Tuyên Quang năm 2022, nhà văn Hoàng Kim Yến giành giải C với tác phẩm Quê gắn số. Vừa xuất bản nhiều sách, vừa có nhiều giải thưởng Trung ương và địa phương, nhà văn Hoàng Kim Yến có bút lực sắc, khỏe khiến chị ngày càng tỏa sáng. Trong tác phẩm “Giải mã lời nguyền” chị viết khá bồng bềnh: “Con đường quanh co mềm như dải lụa uốn ngang lưng đèo, những rừng cây nối đuôi nhau bá vai ngẩng cao ngọn, xòe tán cõng hàng bầy chim ào đến tụ họp”...
Nhà văn Hoàng Kim Yến cho rằng, Văn tức là Đời. Nên chị chú ý cóp nhặt cái ngoài đời vào tác phẩm của mình. Giọng văn tưng tửng, pha hài, châm biếm song cốt truyện của chị có hậu, mang tính nhân văn sâu sắc. Theo chị muốn viết được tác phẩm văn chương hay thì nhà văn phải thực sự sống với đời sống của nhân vật. Nhà văn phải phải đi, tìm hiểu, suy ngẫm rồi viết. Những chi tiết xây dựng nên tác phẩm phải thật, có thông điệp mạnh, giúp cuộc sống tốt đẹp hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết