Ếch

- Ếch - tiểu thuyết của nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn, xuất bản năm 2009 và được Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Chibook giới thiệu đến độc giả Việt Nam năm 2017 nhanh chóng lọt vào tốp sách bán chạy.

Không lạ, khi cuốn sách này được Mạc Ngôn viết với văn phong hoàn toàn khác lạ so với các tác phẩm trước đây của ông như Cây tỏi nổi giận, Báu vật của đời, Cao lương đỏ, Đàn hương hình, Tổ tiên có màng ở chân, Trâu thiến...

Cuốn sách xoay quanh cuộc đời và công việc của nhân vật chính - một nữ bác sĩ chuyên đỡ đẻ ở khắp nông thôn Cao Mật, phải chuyển sang nghề thắt ống dẫn tinh cho nam giới và nạo phá thai. Đây là một đề tài cực kỳ hiếm hoi trong văn học, được nhà văn Mạc Ngôn miêu tả vô cùng khéo léo và đầy kịch tính. Cuốn sách như một bức tranh xã hội sâu sắc ở Trung Quốc, phản ánh được những tác động của chính sách kế hoạch hóa gia đình kéo dài hơn 30 năm tới cuộc sống của người dân nước này.

Vạn Tâm, người đàn bà không sợ trời, không sợ đất, ngay từ bé đã có khiếu chỉ huy, có thể bỏ người yêu vì nhiệm vụ của tổ chức, có thể cắt tay tự tử để minh oan cho bản thân, nhưng lại có thể ngất xỉu khi nhìn thấy ếch. Theo nghề y đúng lúc Trung Quốc có chủ trương mỗi gia đình chỉ được đẻ một con, những ai mang thai lần hai sẽ bị coi là “mang thai phi pháp”. Chính sách này đã chuyển Vạn Tâm sang một nhiệm vụ mới, người săn lùng những “cái thai phi pháp” và bà đã có một tên gọi mới là “Diêm vương sống” của vùng. Và cũng từ đây, những bi kịch giữa con người với con người vốn “tối lửa tắt đèn có nhau” chính thức bắt đầu.

Chỉ cần nghe ngóng được thông tin, nhà nào có người “mang thai phi pháp” là ngay lập tức bà cho người truy lùng, đuổi bắt, giống như con hổ đói ngửi thấy hơi con mồi. Bất chấp thủ đoạn, phương pháp, chỉ cần bắt được người là Vạn Tâm sẵn sàng làm, cho dù người đó là ai, ngay cả người cháu dâu của mình. Và cũng chính vì “nhiệm vụ” ấy mà đã có biết bao nhiêu người phụ nữ đã phải bỏ mạng để bảo vệ cho đứa con đang mang trong mình nhưng không thành.

Dưới ngòi bút của Mạc Ngôn, đời sống người dân Trung Quốc trong thời kỳ thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình kéo dài hơn 30 năm hiện ra chân thực đến đáng sợ. Thông qua tác phẩm, độc giả dễ dàng nhận thấy, sự chênh lệch về tương quan phát triển giữa văn hóa và văn minh nguy hiểm đến nhường nào.

Bi kịch trong Ếch, điều cốt lõi chính là tư duy của con người trước sự phát triển của thời đại. Và tác phẩm tựa như một lời cảnh báo. Với giọng điệu khi thủ thỉ thân tình, lúc hài hước hóm hỉnh, lúc như biện minh, phân trần, cùng ý thức nhận thức lại quá khứ, con người trong Ếch đáng thương nhiều hơn đáng giận. Nói một cách khác đi, con người vừa là sản phẩm, vừa là nạn nhân của thời đại.

Hải Lâm

Tin cùng chuyên mục