- Sinh ơi! có ở nhà không đấy?
- Ồ ồ! ai đấy? vào nhà đã.
- Tao mà! Tiến Minh mà!
- Ừ ừ, vào nhà uống nước.
Tiến Minh vừa ngồi xuống, Sinh đã lấy chén chè đưa cho bạn. Sẵn có ống điếu cày, ông rít một hơi mạnh rồi nhả làn khói cuộn vòng vòng bay qua hiên nhà.
- Dạo này có bận gì
không đấy?
- Cũng vừa phát nương xong, giờ cũng chuẩn bị gieo hạt như những nhà khác thôi?
- À! ngày kia nhà tao gieo lúa, năm ngoái mày vãi cho nhà tao lúa lên tốt lắm, vợ khen suốt, năm nay định đổi công tiếp đây.
- Được được, tưởng chuyện gì chứ.
- Này! đợt này dì Phin cũng sang giúp chị gieo lúa đấy nhé.
Tiến Minh nháy mắt với bạn rồi hai người cười. Mặt Sinh giãn ra, đôi mắt lấp lánh niềm vui, nhìn bạn đi xa rồi, niềm vui trong người vẫn chưa có cách nào bộc lộ được hết.
- Cũng khá lâu rồi không gặp Phin rồi, chắc chưa quên nhau chứ nhỉ?
Trời đã xẩm tối, những bếp lửa khắp các nhà đã bập bùng, những con lợn nái ụt ịt gọi con từ rừng về. Phía xa xa, bóng người đi nương từ Lủng Căm về đến đầu bản, trên vai ai cũng vác một bó củi to, túi nải thêm vài bó rau rừng. Những người chưa vợ, chưa chồng càng phải vác nhiều củi hơn để người lạ từ nơi khác đến gật gù:
- Người Phiêng Lằm chăm quá, con gái, con trai đều làm nương giỏi. Ai lấy được người Phiêng Lằm không phải lo thiếu người biết việc rồi.
Ấy vậy mà người bản vẫn nghèo lắm, nhiều nhà đã phải giã thóc giống độn củ mài trong mùa giáp hạt, nhà ông Quan còn chẳng có lúa giống cho mùa rẫy này, hôm trước ông đã phải vượt dốc Khâu Khêm mượn của người bản khác...
* * *
Người Dao
Chặt phần gốc
Ăn phần ngọn...
Những lời ấy đến tai người Phiêng Lằm khi những cánh rừng xanh vẫn phủ khắp các rừng. Nhiều nhà mới chuyển nhà từ nơi khác đến rộn ràng trống ngực khi thảm xanh phủ kín con mắt. Rồi khi những lời ấy đến tai lũ trẻ đang lớn cũng là lúc rừng chẳng còn đủ cho người bản phát rẫy nữa, có nhiều người đã rục rịch tìm nơi mới.
- Đi đâu bây giờ?
Câu hỏi ấy chẳng ai trả lời được, người già cũng chỉ lắc đầu. Ông Quan vắng nhà gần nửa tháng mới về. Khuôn mặt chẳng thấy vui hơn lúc đi nhưng mấy hôm sau vẫn giục vợ con gánh nồi vượt Khâu Khêm đi mà chẳng báo ai.
Mấy ngày sau người bản cũng thấy Tiến Minh cũng vượt Khâu Khêm nhưng chỉ vài ngày là về, khuôn mặt ông vui hơn, gặp người già cũng nói lời nhiều hơn. Vừa đặt túi nải xuống đã thấy ông lên nhà Văn Sinh, chẳng kịp nghỉ ngơi.
- Văn Sinh có nhà không đấy?
- Mùa này chỉ ở nhà nhìn người đi đường thôi.
- Có chuyện cần bàn với ông đây, chuyện tốt đấy nhé.
- Nào nào, ngồi xuống đã, đi mấy ngày mà cứ tưởng mấy tháng rồi chứ.
- Ông có nghe đến cây Mỡ, cây Quế... không?
- Chưa nghe bao giờ, sao có việc gì à?
- Ở mấy bản dưới chân núi người ta trồng rừng toàn những cây ấy, nhiều người làm lắm.
- Trồng rừng? Nghe lạ tai quá... nào nào nói rõ hơn xem.
Hai người bạn nói chuyện mãi đến khi đàn gà ngó nghiêng tìm cửa vào chuồng, bếp lửa bập bùng cháy, đến khi vợ Tiến Minh đến tìm, Văn Sinh giữ cả ở lại luôn, lời chưa dứt đã thấy gà trong chuồng kêu quang quác. Vợ Văn Sinh nói thêm mấy câu nữa cắt hết những lời từ chối của hai vợ chồng Tiến Minh. Đêm ấy, chén rượu vơi lại đầy, lời nói cũng bập bùng như ánh lửa. “Trồng rừng, trồng rừng” lời ấy cứ lặp lại mãi...
Ánh nắng tháng năm trải vàng khắp các rừng ở Phiêng Lằm, nhiều người vẫn cố phát những mảnh rừng còn xót lại để kịp đốt trước khi những cơn mưa kéo đến. Từ tháng trước Tiến Minh đã đến từng nhà rủ mọi người cùng nhau vượt đèo Khâu Khêm gánh giống cây về nhưng chỉ được thêm hai nhà. Có nói cả lời với người già nhưng chỉ nhận được những ánh mắt tròn, đục không hồn và cái lắc đầu nhẹ. Đã bao năm nay có ai nói chuyện lạ thế, cây ở rừng Lủng Căm, Pù Toòng... chặt cả tháng cũng không hết, sao phải trồng. Trồng cây có gạo ăn không? Những câu hỏi ấy chưa cần đến tai Tiến Minh thì những cái lắc đầu đến trước rồi.
- Làm sao để mùa sau có gạo ăn đây?
Vợ Tiến Minh cũng đã không nhịn lời âm ỉ mấy hôm nay. Vụ lúa nương đã xong, những cây con xanh xanh cũng đã đến Phiêng Lằm gần một tháng, những mảng rừng ót được vá bằng mầm cây chẳng bằng đầu gối. Người nhìn từ xa chẳng thấy có gì khác, người ở gần cũng chẳng tin cây lạ có thể mọc trên đồi cao.
- Tôi cũng bàn với Văn Sinh và những nhà khác rồi, những bãi ruộng bỏ hoang ngày trước giờ phải làm lại thôi, không phát nương mãi được.
- Nhưng ngày trước ruộng trồng đâu có đủ cho chuột phá?
- Đấy là không ai chăm đến, nào nào... đừng lo... đã bàn tính rồi mà. Tin ở tôi.
Có lời của chồng, ba mẹ con cũng an tâm hơn, những nhát thuổng cũng chắc hơn, không còn tiếng thở dài nữa.
Đêm ấy, nhà Tiến Minh lại rộn ràng tiếng nói, thi thoảng có người bản kiếm cớ đi ngang qua nhà nghe ngóng nhưng lại vội vàng đi khi được mời vào nhà. Người già nặng tai nên vào tận bếp nghe chuyện nhưng chẳng hiểu: giống lúa mới, phân lân,... là gì nên chẳng ngồi được lâu. Xa xa, những ánh đuốc vẫn đang men theo những con đường mòn tiến về các khu rừng, người đi bắn thú, người đi đón chồng kéo gỗ về muộn. Những gì còn xót lại của Mẹ rừng, những người ở rừng đã lấy đi, mang về những nơi mà chẳng người Phiêng Lằm nào từng đặt chân đến.
Vụ mùa vừa xong cũng là lúc nhà Tiến Minh đông hơn hẳn, nhìn những bao lúa chất đầy nhà ai cũng trầm trồ, người cùng làm đến ăn mừng, người bản đến chia vui...
- Bao nhiêu năm làm nương chưa bao giờ thấy nhiều lúa thế này Tiến Minh nhỉ?
- Ừ! Giờ cái ăn chắc không lo rồi.
- Đúng rồi! Sang năm nhà tao cũng phát lại thửa ruộng dưới nhà thôi.
Đã có nhiều nhà tin lời Tiến Minh hơn, những mầm xanh cũng đã vượt qua Khâu Thêm nhiều hơn. Một năm, những mầm xanh đã cao hơn đầu trẻ con. Vừa xong vụ lúa cũng là lúc cả nhà Tiến Minh lại vác dao lên rừng phát cỏ.
- Ồ! Còn phải phát cỏ cho cây nữa sao?
- Có chứ! Không chăm như thế sao thành được.
- Cứ trồng ở đấy nó tự lớn mà, như cây rừng cũng vậy thôi, có ai phát cỏ cho cây bao giờ không?
- Đây là cây trồng, không phải cây rừng.
Lần này nhiều người Phiêng Lằm lại không làm theo Tiến Minh nữa, Văn Sinh theo lời bạn được hai năm rồi cũng bỏ. Từ khi ruộng lúa cho đủ gạo ăn, con đường lớn vượt đỉnh Khâu Khêm đến cũng là lúc người bản ít lên rừng. Ai cũng vượt dốc tản đi khắp nơi kiếm tiền. Chỉ có người già và trẻ con ở lại bản. Ai cũng bảo cây trồng sẽ tự lớn, cây trong rừng có bao giờ cần người chăm sóc, chỉ bỏ quên một thời gian sẽ mọc xanh khắp rừng. Cả Phiêng Lằm chỉ còn Tiến Minh hay đi các con đường ngày trước phát nương, tìm những khoảng rừng trống rồi về bàn cùng chủ rừng để thuê lại. Nhiều nhà ở Phiêng Lằm chẳng cần biết mình có bao nhiêu rừng, thấy Tiến Minh nói đến chuyện thuê đã đồng ý đổi lấy gạo rồi mấy năm chuyển sang lấy tiền cũng thấy Tiến Minh gật đầu.
Không biết đã bao nhiêu năm, con đường vượt Khâu Khêm giờ đã hỏng nhiều lắm, những vết mòn xe máy đi đã thành rãnh sâu. Vợ chồng Tiến Minh đã mỏi lắm, màu da cũng đã xạm đi, đã nhiều lần người bản nghe thấy vợ nói lời to. Nhiều người biết chuyện cũng thương cho vợ Tiến Minh ngày ngày đi khắp các ngả rừng. Hai đứa con cũng thuộc hết tên mọi khu rừng ở Phiêng Lằm. Dịp nghỉ hè của chúng là những ngày “nghỉ mát” trong những thảm rừng trồng của nhà. Lời nói men theo những con đường nhỏ đã đến từng nhà, đến từng cái tai của người bản, ai cũng bảo: Sao phải làm khổ vợ con thế, nhìn xem vợ nó người gầy lắm rồi, hai đứa con thì đen nhẻm như ngày xưa làm nương. Ấy vậy lời ấy chưa vượt đỉnh Khâu Khêm đã bị chở về hết theo những chiếc xe ô tô ì ì xuống dốc tiến về bản.
- Có chuyện gì thế nhỉ?
Người già, người trẻ ngơ ngác.
- Các bác cho hỏi nhà Tiến Minh ở đâu thế nhỉ?
- Lên trên một tý nữa, cái nhà ở chỗ đường bằng ấy, sau có cây ổi to đấy. Có chuyện gì thế?
- À! Chúng tôi lên khai thác rừng trồng của nhà ông ấy.
Đã gần một tháng, tốp thợ xẻ vẫn ở nhà Tiến Minh, những chiếc xe chất đầy gỗ vẫn ùn ùn vượt đỉnh Khâu Khêm. Người trong bản không hiểu tại sao có nhiều gỗ thế. Những cọc tiền chẳng đếm nổi số tờ nữa, vợ Tiến Minh khuôn mặt lúc nào cũng cười, mới ở nhà hơn một tháng mà cứ như ở không một năm. Ba mẹ con đi chợ phiên cũng chẳng chần chừ rút tiền mua đồ dùng cần đến. Tiến Minh vẫn ngày ngày đi theo tốp thợ, tay chỉ những khoảng rừng trồng qua ba khe suối vẫn chưa đến điểm cuối.
- Nhớ nhé những gốc cây tôi buộc chỉ đỏ là không được chặt đâu đấy.
- Ừ! Cái này thỏa thuận từ trước rồi mà.
Người Phiêng Lằm thấy cũng đi vào rừng, gãi đầu cố nhớ lại những nơi nhà mình đã trồng cây, nhiều nhà cũng may mắn trồng vào nơi đất tốt nên gỗ đủ lớn để bán. Rừng của Văn Sinh cũng may theo lời Tiến Minh nên phát cỏ được hai năm đầu nên giờ cũng đã có nhiều cây lớn lắm. Khi nhìn thấy số tiền nhận được, người bản mới giật mình, rừng cho được nhiều quá, người già, người trẻ từng nhà cứ chụm nhau đếm từng tờ. Nhiều người giờ mới thấy cái đầu Tiến Minh nghĩ đi xa quá.
Mấy ngày này, Tiến Minh đi khắp các nhà trong bản, đến đâu ông cũng ngồi thật lâu, nói chuyện với người già, người trẻ. Lời cũng chỉ có mấy câu:
- Mấy hôm thợ đến khai thác nhà mày rồi đấy, mày đi chọn cây nào to nhất đẹp nhất, lấy dây buộc đánh dấu rồi bảo họ để lại.
- Sao thế? Những cây ấy mới được nhiều tiền chứ.
- Mỗi nơi để lại mấy cây thôi, họ mua cả rừng nên không sao đâu, tao cũng nói cho đám thợ rồi, họ vẫn trả đủ tiền.
- Nhưng sao phải để.
- Phải để lại những cây tốt nhất để nó trở thành những gốc to cho sau này đi rừng có bóng mát, có nơi để nghỉ chân. Mày có biết trẻ con bây giờ mà vào rừng là sẽ lạc ngay?
- Sao thế?
- Vì rừng không còn cây to nữa làm mốc nữa. Đâu đâu cũng giống nhau, cũng chỉ là những khu rừng vầu, rừng dây leo, người trẻ không biết đi đâu.
- Ừ lời nói phải như thế thì nghe chứ.
- Sau này tao sẽ tìm thêm cây lát, dổi... những cây ngày trước rừng Phiêng Lằm hay có để trồng.
Những chiếc xe vẫn đều đều chở gỗ vượt đỉnh Kéo Khêm, nhà Tiến Minh giờ đây đang làm to nhất bản, nhiều người đã tìm đến để học cách trồng rừng của ông. Những người đi làm xa giờ cũng đã gửi tiền về cho người ở nhà đầu tư trồng rừng. Ngươi Phiêng Lằm nghe theo Tiến Minh, lời hay của ông cũng đến tai từng người. Nhiều người xa rừng bao năm giờ cũng đã quay lại, những khoảng rừng trống đã dần được lấp bằng những mầm xanh cao bằng đầu gối người lớn. Xa xa, vẫn có những khu rừng dần tái sinh, người bản không phát đến đó, trẻ con cũng được truyền lại lời như thế.
Khi Tiến Minh đã có những sợi tóc bạc, những gốc để lại giờ đã vụt lớn, phía dưới là những cây nhỏ cũng ngày ngày vươn cao. Người Phiêng Lằm đi rừng nghỉ chân ở những cây lớn trên đỉnh đồi cũng có thể nhìn thấy phía xa xa có những cây cao hẳn với thảm rừng xanh. Nơi ấy, tiếng chim rừng rộn lên những tiếng hót chuyền cành tỏa đi khắp các đồi.
Gửi phản hồi
In bài viết