Dòng chảy tự nhiên rộng mở
Lực lượng sáng tác trẻ ngày nay có mặt ở khắp nơi, từ những trang báo, tạp chí văn chương chính thống đến những trang mạng xã hội. Đề tài sáng tác của họ khá phong phú, nội dung và hình thức có nhiều cố gắng tìm tòi, đa phần đều sáng tác theo thể thơ tự do. Ở đó, họ tha hồ diễn đạt ý tưởng của mình bằng những câu, những từ khoáng đạt, bay bổng.
Ta bắt gặp một Nguyễn Phan Quế Mai cuộn chảy chất hiện đại của tư duy thời công nghệ với xa lộ thông tin, mạng in-tơ-nét, điện thoại di động: “Úp mặt vào ngày/Ngày cuốn em đi bằng email điện thoại/Những con chữ chạy/ đuổi theo em theo em”... (Vòng xoáy). Hay một Huyền Minh chân thật, giản dị như cách nghĩ và cách nói của người dân tộc thiểu số vùng cao: “Sinh ra ở trên đá/Lớn lên từ ruột đá/Ăn mèn mén bằng muôi gỗ/Uống nước đun bằng ấm đồng/đi trên con đường núi/ Mọi đỉnh núi/đều thấp hơn đầu gối.../Thương anh/Em giữ lửa suốt mùa đông”... (điều giản dị).
Theo dòng chảy thi ca, các cây viết xứ Tuyên như Đinh Công Thủy, Tạ Bá Hương, Trịnh Thứ, Vương Huyền Nhung... cũng đã có những tìm tòi, thể hiện cảm xúc bằng cách viết mới lạ, cách tân của thơ trẻ đương đại.
Nhà thơ Đinh Công Thủy từng trải lòng: “Có một cái nhu cầu và cũng chính nhu cầu đó tạo nên đặc điểm của thơ trẻ, đó là nhu cầu đổi mới. Chúng tôi tìm hướng đi mới, viết khác đi so với những thế hệ trước, không bị bó buộc bởi lề luật, vần trắc truyền thống, tìm một phong cách cho riêng mình”.
Tác giả Trịnh Thứ và Huyền Nhung đọc thơ cùng độc giả.
Với quan điểm đó anh sớm hòa nhập trong dòng chảy của thơ đương đại, bắt nhịp với hơi thở cuộc sống, khám phá vào những vấn đề mới của xã hội. Chính vì thế trong thơ anh ngôn từ cũng rất hiện đại “teen”, “enter”, “sâm panh”, “laptop”, “computer”, “level”...: “Ý tưởng sẽ trượt đi như những người ngu dốt lướt sóng/Và chơi patanh/Lâu rồi không ấn phím enter và không hạ bút...” (Nếu chúng mình dừng lại).
Trịnh Thứ là cây viết trẻ thế nhưng chị khẳng định được tiếng thơ khác lạ, giàu chất tự sự trên thi đàn xứ Tuyên. Thứ viết thơ theo cảm xúc của một người trẻ người dân tộc thiểu số cảm nhận về quê hương, về mẹ, về nguồn cội. Đó là tiếng lòng khắc khoải của người con rời bản về phố suốt ngày thao thức canh cánh về miền xa nhớ. Thơ của Thứ đa thanh, đa sắc, gợi hình, gợi cảm khiến người đọc như sống động trong dòng cảm xúc cùng chị. Tác phẩm Mạch nguồn đời con được đăng trên Báo Văn nghệ tạo ấn tượng với độc giả bởi một không gian thi ca ám ảnh, day dứt, nghĩa tình: “mang theo tình yêu của mẹ/mang lời ru “ứ nọng nòn”/đi khắp nẻo đường quê, phố thị/lời mẹ như tiếng suối/là lạch nguồn róc rách/chảy suốt bốn mùa trong con...”.
Cũng là cây viết trẻ Bùi Hữu Thêm xuất hiện trên thi đàn cách đây vài năm. Thế nhưng khiếu làm thơ của anh được nhiều người biết đến khi anh đều đặn đăng tải tác phẩm của mình trên các trang mạng xã hội. Chàng trai 8x dẫn lối thi ca bằng giọng điệu tự nhiên, trong sáng và chân thật khiến thơ của anh đọc một lần là dễ dàng cảm được ngay: “Chiều cuối năm bất chợt gặp ngàn lau/Như tóc mẹ nước thời gian nhuộm bạc/Lại thấy nhớ cái ngày xưa man mát/Thấy mẹ già đứng bậu cửa chờ con” (Mùa lau trắng).
Chàng thi sỹ ấy có ít nhiều cách tân mới mẻ trong thơ với lối viết tự do, buông câu chữ theo cảm xúc, thả nổi tâm trạng để gieo vào lòng độc giả những nhung nhớ: “Em vẫn mặc áo màu chàm/ không dám mặc áo tân thời sặc sỡ/sợ anh không nhận ra/giữa mùa lễ hội/ gió xuân mang câu hát/của những trai làng gái bản/ bay xa trên bầu trời/lời ước hẹn/xuân sau còn trở lại?” (Lời ước hẹn).
Độc giả trẻ và tình yêu thi ca
Trong các cuộc hội thảo khi bàn về việc muốn kéo khán giả đến với thơ thì phải làm thế nào, nhiều người cho rằng, trước hết bài thơ đó phải hay và có sức thuyết phục. Vậy thế nào là một bài thơ hay? Thơ hay là phải đi vào lòng người đọc, gây được ấn tượng và khi đọc xong còn day dứt.
Những năm gần đây có nhiều nhận định nói về giới trẻ đang “lạnh lòng” trước văn chương, thi ca. Theo nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa, Tạp chí Văn nghệ Quân đội thì thực tế với sự phát triển nhiều phương tiện nghe nhìn, công nghệ thông tin hiện đại thì văn hóa đọc cũng bị phai nhạt đi phần nào. Nhiều trang thơ mới “ra lò” dường như có ít được sự quan tâm của các độc giả trẻ. Tuy nhiên những tác phẩm có lối viết riêng, cách thể hiện mới lạ cũng sẽ một con đường rộng mở để độc giả đón nhận.
Tiêu biểu như tập thơ “Đi qua thương nhớ” của Phong Việt đã đạt đến con số 10.000 bản. Hay tập thơ Yao làm nên tên tuổi của nhà thơ Lý Hữu Lương. Anh được vinh danh trong Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ I-2021 của Hội Nhà văn Việt Nam…
Tại Tuyên Quang, để tạo tình yêu thi ca cho người trẻ tại trường học thường xuyên phối hợp để mở các buổi ngoại khóa. Cách đây vài năm về trước Trường Đại học Tân Trào có mở ngoại khóa về thơ Xuân Quỳnh hay Bàn về thơ trẻ thu hút được đông đảo sinh viên tham gia trao đổi. Những năm gần đây, Hội Văn học Nghệ thuật cũng có những cách làm riêng để đưa tác phẩm đến gần các bạn trẻ. Tại các lớp tập huấn, trại sáng tác đều mời các em học sinh, sinh viên có niềm đam mê văn chương tham gia.
Em Nguyễn Văn Nam, sinh viên Khoa Sư phạm Văn Trường Đại học Tân Trào chia sẻ: “Được đọc thi ca, cảm nhận từng câu chữ, nhận ra điều khác biệt qua từng giọng thơ của mỗi tác giả tạo cho em niềm say mê thực sự. Nếu nhiều người bảo giới trẻ thơ ơ với văn học thì chưa hẳn đã đúng vì với chúng em thơ vẫn luôn có giá trị đặc biệt”.
Tại một buổi trao đổi kinh nghiệm sáng tác ở Tuyên Quang, nhà thơ Inrasara từng chia sẻ rằng, tìm đến thơ là tìm đến sự tử tế và lương thiện, văn học có sứ mệnh hun đúc, bồi dưỡng và nâng cao kỹ năng, hoàn thiện đời sống tâm hồn thanh tao hơn. Ngày nay, trước sự phát triển xã hội kéo theo không ít những mặt trái thì việc bồi dưỡng nhân cách của con người tiếp cận qua thi ca, văn chương sẽ tạo được sự cân bằng và chữa lành tâm hồn.
Năm nay Ngày thơ Việt Nam được tổ chức tại Trường THPT Chuyên Tuyên Quang với chủ đề “Nhịp điệu mới” thể hiện thông điệp hướng tới tương lai tràn đầy hy vọng về những điều tốt đẹp khi cuộc sống bình thường mới trở lại. Tất cả sẽ mang đến khí thế và niềm tin mới trước chặng đường tương lai. Đây cũng là dịp để người trẻ tiếp cận và yêu thích thơ ca đương đại hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết