Hai bờ nỗi nhớ

- Khi tôi học năm cuối đại học, ông nội tôi ốm nặng và có ý gọi tôi về. Trong hơn mười đứa cháu nội, tôi là đứa được ông thương hơn cả. Khi tôi về thăm, ông đã yếu lắm rồi. Ông bảo ông mệt, xương cốt đau nhức như muốn vỡ vụn ra.

Tối hôm đó, tôi nằm bên ông, như những lần ông cháu tôi từng ngủ cùng nhau hồi tôi còn là cậu bé con. Đêm ấy, lần đầu tiên ông kể cho tôi nghe câu chuyện cuộc đời mình. Mỗi câu chuyện như một mảnh ghép, dần dần vẽ nên bức tranh hoàn chỉnh về một đời người. Dù ở cái tuổi gần đất xa trời, những ký ức thời trai trẻ vẫn khiến ông trăn trở không thôi. Ông mệt, giọng nói nhỏ nhẹ, đứt quãng, nhưng tôi chẳng thể dứt ra được. Cứ thế, tôi lắng nghe, miên man trong bao cảm xúc. Câu chuyện của ông kết thúc khi đêm đã khuya, ngày mới vừa sang.

Một tháng sau đó, vào đúng ngày cuối cùng của năm cũ, ông nội tôi về miền mây trắng. Trong chiếc cặp da sờn màu ông để lại, tôi tìm thấy những chiếc huân chương kháng chiến và những bức ảnh cũ. Ở ngăn trong cùng có khóa kéo, tôi thấy một tập thư tay được buộc bằng dây gai cẩn thận, cùng một cuốn sổ nhỏ bìa da màu nâu, dường như là nhật ký ngày xưa của ông. Kẹp giữa những trang giấy ố vàng là một bức ảnh đen trắng chụp ông cùng một người con gái rất đẹp. Lật giở từng trang nhật ký, đọc từng dòng thư, tôi dần hiểu thêm về quãng đời thời trai trẻ của ông, câu chuyện mà mãi đến những ngày cuối đời, ông mới kể cho tôi nghe.

Minh họa: Bích Ngọc

Năm 1967, ông nội tôi, khi ấy đang là học sinh năm cuối cấp phổ thông, đã viết đơn tình nguyện bằng máu xin nhập ngũ. Ông tham gia chiến đấu chủ yếu ở vùng hậu cứ chiến trường Campuchia. Từ Mậu Thân 1968 cho đến trước Hiệp định Paris 1973, mặt trận phía Nam lúc nào cũng ác liệt và đầy khói lửa. Ông thường bảo, nhờ may mắn mà ông giữ được mạng sống qua những năm tháng ấy. Mùa Xuân 1975, Trung đoàn Pháo binh của ông hành quân thần tốc, cùng năm cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn. Lần đầu tiên đặt chân đến một thành phố hoa lệ, được mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông”, ông không khỏi choáng ngợp. Sài Gòn đẹp quá, ông nói, đẹp đến nao lòng.

Sau ngày giải phóng, nhiều đồng đội của ông nội tôi được trở về quê hương, nhưng ông lại nhận nhiệm vụ ở lại, tham gia công tác huấn luyện pháo binh cho Quân khu 9. Dù đất nước đã được giải phóng, tiếng súng vẫn chưa hoàn toàn lặng im. Nguy cơ chiến tranh có thể bùng phát bất cứ lúc nào ở vùng biên giới Tây Nam. Những ngày huấn luyện trên thao trường tuy vất vả, nhưng so với những năm tháng gian nan nơi chiến trường, ông bảo đó chẳng là gì.

Thế nhưng, hai tháng sau đó, sau một ngày trở về từ thao trường, ông nội tôi đột nhiên cảm thấy người mệt lả, lên cơn nóng lạnh liên tục. Mồ hôi vã ra như tắm, nhưng ông lại rét run cầm cập, đầu đau như búa bổ. Khi được đưa vào bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán ông bị thương hàn. Những ngày nằm viện, ông chợt thấy tủi thân khi không có người thân bên cạnh chăm sóc. Một mình nơi đất khách, cách quê nhà cả ngàn cây số, ông tự thương mình mà ứa nước mắt. Thế nhưng, chính từ nỗi buồn ấy, duyên phận lại đến một cách bất ngờ.

Nỗi buồn của chàng trai Bắc Kỳ đã lọt vào ánh mắt của cô gái Sài Gòn, khi cô vào viện chăm sóc cha mình, người nằm cùng buồng bệnh với ông tôi. Cô để ý thấy anh bộ đội Bắc Kỳ nằm một mình, khuôn mặt buồn rười rượi. Cô thương anh bộ đội mỗi bữa cơm chỉ ngồi lặng lẽ nhai trệu trạo ở góc giường. Rồi cô mạnh dạn đến gần, bắt chuyện. Và thế là, lần đầu tiên họ gặp nhau, ông nội tôi và người con gái mà sau này ông đem lòng yêu thương, lại diễn ra ở một nơi thật đặc biệt: trong bệnh viện. Cô gái ấy có một cái tên thật đẹp, Hoài Thương, đẹp như chính con người cô vậy.

Gia đình Hoài Thương có một cửa hàng nhỏ ở thành phố. Anh trai cô là sĩ quan cấp úy trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau ngày giải phóng, anh phải trình diện Ban quân quản và đang tham gia học tập cải tạo. Cửa hàng của gia đình vẫn cố gắng duy trì hoạt động sau ngày giải phóng, nhưng chỉ bán cầm chừng. Một thời gian sau, do không còn nguồn cung cấp hàng hóa, cộng thêm việc cha cô đau ốm triền miên, cửa hàng buộc phải đóng cửa. Hoài Thương vừa tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn vào cuối năm 1974 và được phân công về dạy văn tại một trường trung học. Trong bệnh viện, mọi người dễ dàng thông cảm cho nhau hơn vì cùng chung cảnh ốm đau. Hơn một tuần sau, cha của Hoài Thương được xuất viện. Trước khi ra về, cô và cha đã mời ông nội tôi khi nào rảnh thì ghé qua nhà chơi.

Tình cảm giữa người lính trẻ Bắc Việt và cô giáo dạy văn cứ thế mà dần dần lớn lên, qua những buổi hẹn hò sau giờ lên lớp, qua những giờ phút đổ mồ hôi trên thao trường, và qua những buổi chiều dạo mát dọc bờ sông Sài Gòn, lắng nghe tiếng sóng vỗ, tiếng gió hát khúc nhạc vui. Một chiều bên bến sông, ông tôi đã ngỏ lời và nhận được sự đồng ý của Hoài Thương. Tình yêu của những người trẻ thật đẹp và đáng yêu. Đó là tình yêu đầu đời của cả hai, nên tình cảm ấy vừa trong sáng, thuần khiết lại mãnh liệt và đầy tha thiết.

Qua năm 1976, anh trai của Hoài Thương được trở về nhà. Gia đình tổ chức tiệc ăn mừng, và ông tôi là khách quý của cả nhà. Tết năm đầu tiên sau ngày thống nhất thật vui và tràn đầy ý nghĩa. Thành phố như bừng lên một sức sống mới, rạo rực vui mừng cùng cuộc sống mới, cờ hoa giăng đầy các nẻo đường. Hoài Thương mặc một chiếc áo dài thướt tha đến chúc Tết đơn vị. Sau đó, ông chở Hoài Thương trên chiếc xe đạp tới thăm các bạn. Ngồi sau yên xe, Hoài Thương tựa đầu vào bờ lưng vững chãi của ông, vòng tay ôm nhẹ, miệng ngân nga một bài hát gì đó mà chẳng rõ lời.

Thế nhưng, sau những ngày Tết vui vẻ, ông tôi bắt đầu nhận thấy Hoài Thương có vẻ không còn vui vẻ như trước nữa. Đôi mắt biết cười của cô giờ đây u hoài, đầy suy tư. Trong lòng cô đang có những suy nghĩ thật khó khăn, khi phải đứng trước một lựa chọn có thể thay đổi cả cuộc đời theo một hướng mà chẳng ai dám đoán trước. Hôm qua, gia đình Hoài Thương đã bàn về chuyện vượt biên. Cuộc sống khó khăn khiến nhiều người vỡ mộng, và phong trào vượt biên ngày càng tăng mạnh. Tuy nhiên, rủi ro trên biển cả mênh mông với gió to sóng dữ và cả cướp biển là điều có thể phải trả bằng mạng sống. Ngay cả khi vượt biên thành công, họ cũng phải đối mặt với cuộc sống thiếu thốn và bệnh tật trong các trại tị nạn. Miền đất hứa đâu dễ tìm đến. Vì thế, đây chỉ là một đề nghị được bàn bạc trong gia đình mà chưa đi đến quyết định. Cả nhà vẫn còn đang cầm cự được và hy vọng tình hình kinh tế sẽ sớm cải thiện, để có thể tự do buôn bán.

Sang năm 1977, xung đột biên giới Tây Nam ngày càng căng thẳng và đẫm máu. Mâu thuẫn biên giới với Trung Quốc cũng gia tăng. Quân đội được động viên, sẵn sàng chiến đấu. Có lẽ, đất nước với những vết thương chưa lành lại phải đối mặt với một cuộc chiến mới. Ông nội tôi nhận giấy điều động của quân đội, quay lại chiến trường Tây Nam để phục vụ công tác chuẩn bị chiến đấu. Tháng 4 năm 1977, Khmer Đỏ tràn sang các xã biên giới, chiếm một số vùng ở tỉnh An Giang và tấn công dân thường. Đến tháng 9 cùng năm, bốn sư đoàn quân Khmer Đỏ đã đánh chiếm nhiều điểm ở tỉnh Tây Ninh. Các tỉnh biên giới Tây Nam được đặt trong trạng thái chiến tranh. Cuối năm 1977, trong một trận đánh khốc liệt, đơn vị của ông nội tôi đã đẩy lùi quân Pôn Pốt và tiến sâu vào tận bến đò Neak Luong, thuộc đất Campuchia. Tuy nhiên, trong khi đơn vị hoàn thành nhiệm vụ và rút quân về nước, họ bất ngờ bị địch phục kích. Ông tôi bị thương nặng. Khi được đưa về trạm quân y, ông đã mất nhiều máu và tưởng chừng không qua khỏi. Kíp phẫu thuật đã gắp ra hai đầu đạn, một trong số đó xuyên qua phổi và găm sát gần tim. May mắn là ông còn giữ được mạng sống. Ông tôi nằm điều trị tại quân y viện gần nửa năm mới dần hồi phục.

Sau khi ra viện, ông trở lại Sài Gòn. Nhưng khi ông tìm đến nơi thì gia đình Hoài Thương đã không còn ở đó nữa. Hỏi người hàng xóm bên cạnh, ông được biết gia đình Hoài Thương đã vượt biên và đã đi được gần một tháng. Người hàng xóm trao cho ông một bức thư mà Hoài Thương để lại. Đọc những dòng thư của người yêu, ông không cầm được nước mắt, nỗi buồn thương trào dâng:

“Anh thương nhớ! Khi anh nhận được bức thư này, có lẽ em đã ở một phương trời rất xa. Em gửi lại quê nhà tình yêu với muôn ngàn nỗi nhớ. Em thương anh và thương cả tình yêu của chúng mình nữa. Anh còn học hành, còn sự nghiệp dài lâu. Em tin rằng anh của em sẽ làm nên một sự nghiệp rạng rỡ. Em chỉ là một cô giáo, một người con với chữ hiếu làm đầu. Em có thể chờ, bao lâu em cũng có thể chờ, nhưng gia đình em không thể chờ. Hãy cầu chúc cho em và gia đình anh nhé! Ngàn lần thương nhớ anh, chú bộ đội Bắc Kỳ của em…”.

Đêm nằm nghe ông kể chuyện, tôi hỏi ông: “Sau đó, ông có gặp lại cô ấy không?” Ông nhìn xa xăm, rồi từ từ đáp: “Ông mất liên lạc với cô ấy từ dạo đó. Ông đã đến Bộ Chỉ huy Biên phòng để hỏi về những chuyến vượt biên gần đây. Người chỉ huy ở đó cho biết dòng người vượt biên ngày càng gia tăng, nhiều chuyến bị bắt giữ, nhiều chuyến trốn thoát, nhưng không ít chuyến đã không tới được điểm hẹn mà phải nằm lại giữa lòng biển khơi, đối mặt với sóng to gió dữ. Ông chỉ biết cầu mong bình an cho Hoài Thương và gia đình cô ấy”.

Tôi khép lại cuốn nhật ký, ánh mắt dừng lại trên bức ảnh cũ của ông và bà Hoài Thương. Dường như tôi cảm nhận được những giằng xé trong cuộc tình ấy, với bao cách trở: giữa bên thắng và bên thua, giữa khó khăn sau ngày giải phóng, giữa tình yêu và sự nghiệp, giữa lựa chọn ra đi và ở lại, giữa chữ hiếu và chữ tình. Quá nhiều điều đè nặng lên mối tình của hai con người trẻ tuổi. Có lẽ, tất cả chỉ vì chiến tranh. Chỉ còn lại tiếc nuối và bao nhớ mong. Chỉ còn lại những dòng hồi ức này, mà tôi viết lại như một lời tạ từ cho những điều ông giữ kín trong lòng suốt cả cuộc đời.

Truyện ngắn: Lê Ngọc Sơn

Tin cùng chuyên mục