Hoa của tình yêu

 

Tôi nhận được cuộc gọi lúc 00.00. Cuộc gọi chừng mười giây với tiếng thở yếu ớt: “Em mệt, F0 rồi, anh nhớ qua với …”. Trong cơn ngái ngủ, chẳng biết thế nào tôi lại chạm tay vào lệnh ghi âm cuộc gọi rồi cứ thế ngủ tít cho tới sáng.

Chiều hôm sau, khi nghe lại các file ghi âm phỏng vấn nhân vật, tôi mới nhớ ra cuộc gọi ấy. Người gọi nhầm thì không thiếu nhưng cái giọng yếu ớt giữa lúc dịch bệnh khiến tôi tò mò thử search số điện thoại ấy trên trên zalo. Một khuôn mặt nhỏ nhắn, nhẹ nhàng hiện ra, đôi mắt sáng nhưng buồn. Cứ thế lướt xuống, lướt xuống kho ảnh là ngôi nhà, là hoa nở, là hàng cây phía trước nhà rồi đến một chú cún.

Chuyện chẳng có gì nếu như tôi không bị ảm ảnh bởi chú cún đó. Từ nhỏ, tôi đã là người yêu động vật đến mức có thể buồn bã vài ngày vì một chú chó ốm và không qua khỏi. Rồi, khi chôn cất sinh linh bé nhỏ ấy dưới gốc xoài rừng trên đồi, tôi đã khắc lên một hòn đá phẳng tên của nó. Mong sau này có ai đào xới nơi ấy lên sẽ hiểu được nơi này từng có một chú cún ngoan và đáng thương đến thế.

Cách đây chừng hai năm, ngay ở khu ruộng xấu và những cái ao rau muống phía sau khu nhà tôi có một con đường được mở ra. Họ đổ đất, san nền, chia lô, bắt đầu hình thành một khu dân cư hiện đại với những căn biệt thự đắt tiền. Từ một khu đất tối tăm muỗi mòng giờ đã là miền ánh sáng. Dân “công trường” khu tôi phản đối ra mặt. Nếu có việc phải đi tắt qua khu ấy thì về thể nào họ cũng mỉa:

- Cao cấp gì mà sáng ra phải dắt cho đi đến cả cây số mới có chỗ cho chó đái. Thừa tiền.

Một chị tuổi sồn sồn chuyên làm dịch vụ ăn uống tỏ ra hiểu biết liền thêm vào:

- Đấy, bữa trước vợ chồng em đi giao cỗ cho một nhà làm tân gia, lúc về thấy có người dán cái tờ rơi ở cột điện thế này: “Rất mong tìm được em… Không biết giờ này em đang ở đâu có được chăm sóc tốt không? Nếu ai đã từng gặp, và sẽ gặp xin hãy báo cho số điện thoại. Sẵn lòng mang ơn và hậu tạ…”

Một bà thấy thế hỏi chen vào:

- Cái gì thế? Nó đăng tìm thằng nào theo bồ à?

Khi chị kia gọi đưa con gái đem tờ rơi nhặt được hôm đó đến thì nó đã nhàu nát và rất khó đọc. Nhưng tôi vẫn có thể nhận ra tên gọi của con vật bị mất.

Một ngày tháng Ba, tôi thấy trống vắng. Tôi lái xe đi qua các con phố, nhìn lá rụng trái mùa. Người ta bảo ở phố lạ lắm, cây có thể vừa thay lá, vừa ra lộc mới. Cảm giác giữa xuân và đông, giữa mới và cũ đan xen, như một điều gì vừa phôi pha đã nhú lên hy vọng mới.

Đang mải suy nghĩ về những điều đó bỗng tôi giật mình vì một con thú bông nằm trên đường. Theo phản xạ, tôi cho xe chậm lại quan sát vì nghĩ rằng ở đâu xuất hiện đồ chơi thì thường hay có trẻ em lang thang chơi ở đó. Nhưng khi tôi lái xe đến gần thì vật đó bỗng chuyển động. Đó là một con chó nhỏ đang ngơ ngác đứng giữa đường. Nó có bộ lông đẹp và mỡ màng.

Tôi mở cửa xe ngó xuống, chú chó có nét gì đó khá quen. Chẳng biết vì sao lúc này trong miệng tôi lại bật lên tiếng gọi “Su” ,“Su”. Đó là tên con chó mà người nào đó đã đăng tin tìm kiếm ở khu “ánh sáng” kia. Thế là “Su” mà tôi giả định đã ngạo nghễ ngồi lên ghế bên cạnh rồi nhìn tôi bằng cặp mắt thân thiện. Hẳn phải được cưng chiều và không gặp phải những trận đòn nó mới có thể bình thản đến thế. Giờ thú cưng đang lên ngôi, số phận của những chú chó lại bấp bênh hơn.

Tôi cho xe đi chậm qua các dãy nhà rồi quay sang bảo “Su”.

- Giờ mày tự chọn nhé, tất cả do mày. Nếu đến đâu là nhà của mày thì mày hãy nhảy xuống, tao chỉ có thể giúp được mày thế thôi, không người ta lại nghĩ tao là thằng trộm chó cũng nên…

Con chó nhỏ cúi đầu. Tôi không nhận được sự hợp tác của nó. Đi hết các dãy nhà cửa nhôm, cửa thép hoa văn đóng im ỉm, nó vẫn không phản ứng gì. Thêm mấy vòng nữa, tôi đã hết kiên nhẫn và quyết định mở cửa xe rồi thả Su xuống đầu dãy. Nó lưỡng lự rồi chạy chậm chậm, chốc chốc lại ngó về phía chiếc xe của tôi đang lặng lẽ đi theo.

Tôi không biết rồi nó sẽ còn dẫn tôi phiêu lưu vào câu chuyện ấy như thế nào nếu như nó không đứng lại ở một chiếc cổng sắt với một cái nan bị gãy hiện ra. Nó ngập ngừng đôi chút rồi chui tọt vào bên trong.

Ban đầu, tôi cảm thấy nhẹ người, coi như một lần tung xu may rủi. Nhưng rồi, nghĩ đến việc nó có thể bị người ta hành hạ như mấy sự việc đã xem trên youtube, tôi dừng xe chạy xuống. Ở phía ngoài cánh cổng tôi cố gắng gọi Su bằng cách nhẹ nhàng nhất. Nhưng chú cho đã biến mất. Lo lắng, tôi thốt lên:

- Su ơi phải về đúng nhà chứ, vào nhà người lạ người ta bắt thì sao?

Nói xong, tôi quay đi. Hết cách và cũng hết can đảm để dõi theo một sự việc chẳng mấy liên quan đến mình. Khi tôi vừa bấm nút trên smart key để mở cửa xe thì cũng là lúc tiếng cánh cổng khẽ vang lên. Một người đang bế Su bước ra. Chẳng quen cũng chẳng lạ nên không biết phải phản ứng thế nào. Tôi ra hiệu như mình không có ý đồ gì khi đứng ở đây…

- Cảm ơn anh đã mang bé Su về cho em.

- Ấy, tôi chỉ tình cờ… tôi không biết sao nó lại lang thang trên đường…

- Vâng, em biết anh là người tốt. Em biết. Xin lỗi anh vì em mới khỏi nên không tiện mời anh vào nhà chơi. Thật sự (nói đến đây cô gái xúc động)…

Lấy lại sự bình tĩnh, tôi lảng sang chuyện khác:

- Có thể do cổng bị hỏng một nan…

- Dạ, là em đã có ý bỏ nan đó đi, để đợi Su trở về… Su có ý nghĩa với em lắm anh ạ.

Giờ thì tôi đã đủ nhận ra giọng nói yếu ớt đêm hôm ấy. Tôi biết em đã gọi nhầm vào số tôi trong cơn sốt khi bị thứ virus đang tác quái trên thế giới này hành hạ. Tôi quay ra xe, định bụng mở cánh cửa phía sau và nhấc cái túi có đôi giày đi bộ lên ghế bên để lát nữa được thảnh thơi đi dạo trên đường. Và rồi, một bó hoa tự lúc nào đã rớt từ ghế xuống. Tôi đỡ lấy. Đó là bó hoa mà tôi vẫn thường mua nhưng sẽ không tặng một ai vào những ngày cảm thấy lòng trống vắng nhất. Tôi cũng sẽ không đem nó về cắm mà chỉ có ý định đặt nó trên chiếc bàn một quán cà phê mà mình ghé qua một ghế đá vắng như người. Như thế ta vờ quên một điều gì đó trong cuộc đời.

Đã không có ai biết được việc làm đó của tôi trong suốt nhưng năm qua. Còn lúc này, tôi muốn chấm dứt điều đó. Tôi quay lại, đặt vào tay cô gái bó hoa đặc biệt ấy. Su bị những bông hoa che khuất khuôn mặt, nó cố ý rướn cái cổ lên nhìn tôi rồi lại nhìn cô chủ và sủa lên mấy tiếng.

Thoắt cái, nó nhảy xuống khỏi tay và chạy vào nhà như một đứa trẻ ghen tị ích kỉ. Cô gái đỏ bừng đôi má có một bên lúm đồng tiền trên gương mặt thanh thoát như nữ thần.

- Ơ, mà em từng là F0 đấy…

Trước khi lên xe tôi còn quay lại nói một câu:

- F0 thôi mà, đừng để là FA là được

Sao bữa nay tôi bạo thế. Bạo như thể một người đang sợ mắc phải một loại virus cô đơn nào đó. Mai đã là mồng Tám tháng Ba…

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Tin cùng chuyên mục