Niềm đam mê từ thuở nhỏ truyện tranh vốn là món ăn tinh thần không thể thiếu của trẻ em và thậm chí là độc giả ở nhiều độ tuổi khác nhau. Thế nhưng, nguồn truyện tranh trên thị trường Việt hiện nay chủ yếu đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, một số ít từ Âu, Mỹ. Đó là một trong những thử thách đối với đội ngũ những nhà sản xuất truyện tranh Việt Nam. Với họa sỹ Đinh Huỳnh luôn có một con đường, một phong cách riêng để tạo dựng tên tuổi của mình.
Chân dung tự họa của họa sỹ Đinh Huỳnh.
Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn học nghệ thuật tại TP Tuyên Quang. Bố anh là cố nhà văn Đinh Công Diệp, mẹ anh là nhiếp ảnh gia Thanh Tình và anh trai là nhà thơ Đinh Công Thủy. Anh lựa chọn con đường hội họa với niềm đam mê từ thuở nhỏ. Anh chia sẻ rằng, khi còn là học sinh thường được mẹ mua cho một số cuốn truyện tranh như: Sát Thát, Sự tích bánh chưng bánh dày, Lá cờ thêu sáu chữ vàng của các họa sỹ Việt Nam vẽ. Mấy cậu bạn cùng xóm mình còn truyền tay nhau đọc rất vui vẻ. Sau này, khi truyện tranh Nhật Bản du nhập vào Việt nam thì phong trào đọc được đẩy lên cao hơn, mình cũng đọc các tác phẩm của các họa sỹ lớn như Đô rê mon, Bảy viên ngọc rồng…
Anh Huỳnh kể có khá nhiều lần bị mẹ mắng vì cứ ở nhà có khoảng trống nào trên tường bao, nền nhà là anh lại dùng phấn vẽ những thứ mình thích, từ ô tô, muông thú đến phong cảnh. Từ chỗ vẽ những thứ mình thích, anh dần chuyển sang vẽ truyện tranh theo chủ đề kể về gia đình, bạn thân hay những gì anh chứng kiến trong cuộc sống... Truyện anh vẽ đẹp, ngắn gọn, súc tích, được bạn bè yêu thích.
Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, anh tự trau dồi kiến thức vẽ và hướng tới mảng chủ đề truyện tranh. Hiện nay, anh đang là họa sỹ vẽ truyện tranh tại Báo Thiếu niên tiền phong và nhi đồng. Đinh Huỳnh có sự sáng tạo trong từng nét vẽ, với tạo hình trong sáng, ngôn ngữ màu sắc giàu chất dân gian, nét cách điệu mềm mại, duyên dáng gần gũi với làng quê con người Việt Nam.
Trọn vẹn một tình yêu dành cho con trẻ
Nghề họa sỹ vẽ truyện tranh không hề đơn giản và mấy ai có thể làm được, sống được với nghề. Thế nhưng ngay từ khi đến với nghề, Đinh Huỳnh luôn xác định rằng, con đường trở thành họa sỹ truyện tranh rất vất vả, phải học qua các trường về mỹ thuật, học qua các lớp sáng tác truyện tranh, liên kết với các nhà xuất bản để cho ra đứa con tinh thần của mình đến với bạn đọc. Nghề họa sỹ truyện tranh thường có thu nhập không ổn định như những nghề khác, nhiều họa sỹ bỏ nghề vì áp lực cơm áo gạo tiền. Nhưng cũng có nhiều họa sỹ đã thành danh với nghề. Nếu muốn đi theo con đường vẽ truyện tranh thì bạn phải thực sự đam mê với nó vì “theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”.
Trích đoạn tác phẩm Con cóc là cậu ông trời của họa sỹ Đinh Huỳnh.
Sự linh hoạt của nét bút, khả năng nắm bắt thần thái của nhân vật đã tạo cho Đinh Huỳnh một phong cách vẽ khá ấn tượng, hấp dẫn. Các độc giả nhí Báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng quen thuộc với những tác phẩm truyện tranh ngộ nghĩnh đáng yêu.
Đó là những hình ảnh nhân vật hoạt hình bước ra từ truyện cổ tích Tấm cám, Bánh chưng bánh dày, Cây khế… qua lăng kính của Đinh Huỳnh có một diện mạo mới với câu chuyện gắn cuộc sống đời thường, chân thực gần gũi các em nhỏ ngày nay. Khi đến với nhân vật cóc và ông trời trong truyện Con cóc là cậu ông trời các độc giả nhí được trải nghiệm tình huống vui nhộn và hình ảnh hoạt hình đẹp, màu sắc tươi sáng, ấn tượng. Lời đối thoại dí dỏm, đáng yêu:
- “A nô, cháu trời mau xuống hạ giới cậu bảo.
- Vâng cháu xuống ngay đây!
- Tại sao cậu nghiến răng mà cháu không xuống.
- Dạ tại cậu nghiến răng nhỏ quá. Cháu sẽ làm mưa bây giờ cho cậu mát ạ!
Và khi muốn phê bình những việc làm không tốt của các bạn nhỏ, họa sỹ sẽ có cách thể hiện nhẹ nhàng nhưng ẩn sau là bài học kinh nghiệm. Ví như để phê phán bạn Tý thức khuya đánh game muộn, tác giả đã tái hiện hoạt cảnh là ngày hội Halowen của xóm, mọi người khen: “Bạn Tý hóa trang thành zombie giống quá!”. Tý xấu hổ bảo: “Hóa trang đâu mà hóa trang, hôm qua tớ thức đêm đánh game muộn đấy!”. Cùng với đó là hình ảnh đôi mắt thâm xì, tóc tai bù xù, người gầy nhom của bạn Tý. Tác giả muốn nhắc nhở cho các độc giả nhí về việc làm không đúng, phá hoại sức khỏe và hãy đừng như bạn Tý.
Khi được hỏi: “Đối tượng độc giả của họa sỹ là học sinh, vậy làm thế nào để họa sỹ luôn duy trì được cảm xúc sáng tác tươi mới và hài hước của mình qua các nét vẽ?”. Anh trả lời rằng, khi nhận được một kịch bản truyện tranh, họa sỹ sẽ luôn luôn phải suy nghĩ xem nhân vật truyện này sẽ được vẽ như nào, làm sao có thể mang tới cho các em những tràng cười sảng khoái nhất qua nét vẽ hóm hỉnh và hài hước khi xem. Và muốn vậy thì mình luôn đặt mình vào cảm xúc các em nhỏ, chìm đắm trong thế giới đó để thấu hiểu và sáng tạo nhiều hơn. Từ cuộc sống đến khi bước vào trang giấy, mình đều phải trọn vẹn một tình yêu dành cho con trẻ thì mới được nghệ thuật đền đáp xứng đáng.
Gửi phản hồi
In bài viết