Nương chữ

- Hai mươi tuổi. Hoài tốt nghiệp trường Sư phạm với vốn kiến thức mới mẻ và lòng đầy nhiệt huyết. Cô nhủ lòng sẽ sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu. Thế mà khi cầm trên tay tờ quyết định phân công công tác, bắt gặp một địa danh lạ hoắc. Hoài không khỏi băn khoăn, bối rối. “Mình sẽ phải xa thành phố, sẽ có ít thời gian gần gũi, chăm sóc bố mẹ hơn!”.

Bố cô là một nhà sưu tầm văn hóa dân gian, công tác tại Bảo tàng tỉnh, vắng nhà suốt. Còn mẹ cô - một người phụ nữ quen chịu đựng, là công nhân nhà máy in. Bà vẫn mong muốn đứa con gái duy nhất của mình sẽ được làm việc ngay tại thành phố này. Thế mà bây giờ…

- Con lên trên ấy lạ nước lạ cái, lại thân gái một mình, biết làm thế nào!

Hoài đến ngồi bên, ngả đầu vào vai mẹ, mắt rươm rướm. Thấy vậy, bố cô vội trấn an:

- Thôi nào, hai mẹ con đừng yếu mềm như thế! Tuổi trẻ cần phải đến những miền đất mới. Trên ấy đang cần những người như con. Vả lại đây là chủ trương của tỉnh, nhằm bổ sung giáo viên cho những vùng còn khó khăn, con hãy vui vẻ chấp hành. Con cứ yên tâm để mà công tác cho tốt, đừng lo lắng gì cả!...

Sau mấy giờ đi bộ vì chưa có tuyến xe khách, Hoài hì hục leo lên sườn đồi. Cô sững sờ khi hiện ra trước mắt mình một thung xanh rộng mênh mông, bạt ngàn cây lá. Những ngôi nhà gỗ lè tè, thấp thoáng phía xa xa. “Chao ôi! Mình sẽ gửi gắm cuộc đời ở chốn này ư?” Hoài ngồi bệt xuống hòn đá cho đỡ mệt, ngao ngán phóng tầm mắt ra xa, trong đầu ngổn ngang bao câu hỏi. “Không biết những ngày tiếp theo sẽ ra sao?”, “Trường lớp và học sinh ở đây như thế nào?”, “Còn hạnh phúc riêng của mình nữa chứ!”. Bất chợt, Hoài nhớ đến Tuấn - người yêu của cô. Anh là kỹ sư, đang công tác ở ngành Thủy lợi của tỉnh. Hôm biết tin Hoài lên dạy ở đây, anh buồn. Chẳng hiểu sao lúc đó Hoài lại không để tâm lắm, có lẽ có một điều gì đó phía trước đang thúc giục cô. Nhưng giờ đây, hơn lúc nào hết, cô lại muốn được ở bên anh.

Đón Hoài là thầy hiệu trưởng, một người trạc ngũ tuần, mái tóc đã nhiều sợi bạc. Sau cái bắt tay và chào hỏi ân cần, ông dẫn cô về khu nhà “công vụ”, hướng dẫn vài điều cần thiết rồi vội đi chỉ đạo đám thợ đang sửa lại mấy phòng học. Lúc này, Hoài mới nhìn kỹ ngôi trường. Trường lớp gì mà không có cổng, cũng chẳng có tường rào, chỉ được cái sân rộng, cỏ dại mọc um tùm. Hàng cây chắc mới trồng, còn khẳng khiu và chưa kịp khép tán. Hai dãy phòng học nằm vuông góc với nhau. Một dãy là nhà vách gỗ, ẩm thấp; còn dãy kia được xây bằng gạch, tường nham nhở vôi vữa. Hoài vừa đi dọc hành lang vừa ghé mắt vào trong. Dưới ánh sáng mờ mờ, cô thấy ngổn ngang những bàn ghế. Trên trần nhà, mạng nhện giăng chằng chịt, nhiều lỗ thủng nhìn thấy cả ánh trời. Dãy phòng toát lên vẻ thâm u, hoang vắng khiến Hoài chợt rùng mình. Một nỗi buồn nhè nhẹ xâm chiếm tâm hồn cô.

- Đã nhớ nhà hay sao mà trông bần thần thế?

Hoài giật mình quay lại khi nghe thấy tiếng thầy hiệu trưởng. Cô thoáng chút bối rối, khẽ cười rồi hỏi đánh trống lảng:

- Trường mình thành lập được lâu chưa vậy thầy?

- Cũng mới thôi! Hơn chục năm trước, người dưới xuôi kéo nhau lên đây khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới. Bốn năm sau thì gom trẻ, dựng lớp rồi lập trường. Bây giờ đã là trường cấp I - II gồm chín lớp nhưng chỉ có một lớp 6 và một lớp 7 thôi. Còn giáo viên thì chủ yếu được điều động từ những xã khác! Về đây, cháu có cảm nhận thế nào?

Câu hỏi bất ngờ khiến Hoài lúng túng:

- Dạ! ... Hình như tất cả cũng chỉ mới bắt đầu thôi, thầy nhỉ?

Đôi mắt thầy hiệu trưởng chợt xa xăm, giọng trầm lắng:

- Ừ, mới chỉ bắt đầu! Còn rất nhiều công việc chúng ta phải làm! Cố gắng lên cô giáo trẻ nhé!

Hai hôm sau, trường tổ chức khai giảng. Cô được phân công chủ nhiệm lớp và dạy luôn các môn Ngữ văn, Lịch sử - Địa lý, Hoạt động trải nghiệm và Giáo dục công dân lớp 6. Lần tiếp xúc đầu tiên với học sinh thật ấn tượng. Hai tám đứa học trò như một vạt cây non, rụt rè, ngơ ngác.

Chỉ qua mấy giờ dạy, Hoài đã nhận thấy học sinh nơi đây còn “hổng” kiến thức rất nhiều. Dường như tất cả những điều cô nói đều hoàn toàn mới lạ, hấp dẫn đối với chúng. Trong các giờ học, học sinh rất chăm chú như nuốt từng lời cô giảng. Trên những khuôn mặt trong sáng ấy, nhiều khi Hoài thấy ánh lên những phát hiện, những niềm vui nho nhỏ... Càng ngày, cô càng cảm nhận được niềm khao khát trong ánh mắt của lũ trẻ, một niềm khao khát âm thầm mà mạnh mẽ muốn vượt ra khỏi cái không gian nhỏ bé của làng đồi này. Cô cảm thấy yêu đời hơn, chăm chút kỹ lưỡng hơn cho mỗi trang giáo án và thầm mong học trò của mình sẽ đến lớp đều đặn mỗi ngày.

Nhưng chỉ nửa tháng sau, học sinh cứ nghỉ học liên tục. Hôm thì ba đứa, hôm thì năm, thậm chí có ngày lớp vắng đi non nửa. Cô lo lắng báo cáo với Ban Giám hiệu thì mới vỡ lẽ, đó là chuyện thường thấy ở ngôi trường này. Vào mùa nương, trẻ con làng đồi thường theo cha mẹ lên nương, làm rẫy. Mấy năm qua, nhà trường đã cố gắng tuyên truyền vận động nhưng vì giáo viên ít quá nên chưa thể làm thường xuyên được. Cứ để tình trạng này kéo dài , học sinh của mình sẽ “rơi rụng” hết! - Hoài thầm nghĩ. Thế là hằng ngày, cứ chập choạng tối, khi bà con trở về, Hoài lại cùng em lớp trưởng rong ruổi đến từng nhà học sinh để vận động. Nhiều hôm phải đi qua mấy quả đồi, đến gần nửa đêm mới về. Mới chưa đầy tuần, Hoài đã gầy tọp đi trông thấy.

Một buổi trưa, Tuấn cưỡi xe lên thăm Hoài mang theo niềm vui bất ngờ đến với cô. Anh sững sờ hết nhìn cô lại nhìn căn phòng “công vụ” và ngôi trường khiến Hoài càng bối rối. Thực lòng, cô không muốn đón người yêu trong hoàn cảnh như thế này, mặc dù không ngày nào cô không nhớ đến anh.

- Em phải rời khỏi mảnh đất này thôi! Về thành phố, anh sẽ xin cho em công việc khác.

- Sao lại thế! - Hoài giật mình thảng thốt.

Hoài hiểu Tuấn đang lo lắng cho cô, lo lắng cho hạnh phúc của hai người. Anh định tháng 10 này sẽ thưa chuyện với bố mẹ Hoài và cuối năm, hai người sẽ tổ chức đám cưới. Anh muốn cô sống an nhàn nơi phố thị chứ không phải vùi tuổi trẻ ở nơi “rừng thiêng nước độc” này. Về thành phố ư? Hàng ngày cô sẽ có một buổi đi làm, một buổi đi chơi công viên hoặc thăm thú bạn bè. Cô sẽ được ở bên cạnh Tuấn, được anh quan tâm, chăm sóc. Cuộc sống sẽ êm đềm, nhẹ nhàng chẳng phải lo lắng nhiều!... Về thành phố ư? Thế còn ước mơ làm cô giáo mà Hoài luôn ấp ủ và phấn đấu bấy lâu nay? Còn những đứa trẻ làng đồi đang bỏ học, phải lên nương kia thì sao? Bây giờ, cô như một loài cây đã bén rễ trên vùng đồi này rồi! Đột nhiên, cô quay sang nói với Tuấn:

- Hay là... anh chuyển lên đây với em. Nơi này, có nhiều việc rất cần đến chuyên môn của anh mà!...

- Em bảo cái gì? Anh chuyển lên đây sao!?

Tuấn tròn mắt nhìn Hoài rồi khẽ lắc đầu, nghĩ rằng cô không hiểu anh. Dường như thất vọng khi không thuyết phục được Hoài và cảm thấy mình không được tôn trọng, Tuấn xuống thành phố ngay chiều hôm đó, chỉ kịp để lại câu nói như ra điều kiện với Hoài: “Em cứ  suy nghĩ  kỹ đi, rồi báo cho anh!”.

Vừa trở lại phòng, Hoài giật mình khi nghe tiếng gọi: “Cô ơi!”. Quay lại, cô nhận ra đó là cái Thủy - một học sinh chăm chỉ, là lớp phó học tập của lớp. “Có chuyện gì thế em?” “Thưa cô!...”. Chưa nói hết câu, nó đã òa lên nức nở. Thì ra, Thủy đến để chào cô giáo, từ mai nó không được đi học nữa, phải trông em và lên canh nương giúp bố mẹ. Nghĩ mà thương! “Thôi bây giờ để cô dẫn về, nói với bố mẹ xin cho em tiếp tục đi học. Cứ yên tâm nhé!”. Sau khi nghe phân tích, vận động một hồi, bà mẹ mới rụt rè: “Cô giáo thông cảm! Chúng tôi cũng muốn cho cháu đi học nhưng nhà neo người quá! Hay để mai tôi hỏi ý kiến bố cháu thế nào đã nhé!”.

Một ngày, hai ngày... rồi đến ngày thứ năm vẫn không thấy Thủy đến lớp. Hoài sốt ruột quá. Hết giờ dạy, cô vội lao xe lên nhà học sinh. Thật may mắn, hôm nay bố Thủy ở nhà. Sau một hồi thuyết phục mà xem chừng không có kết quả, cô uể oải ra về. Bất chợt như nhớ ra điều gì, Hoài vội quay xe lại:

- Hay là từ mai, hai bác cho cháu Thủy dẫn em bé đến lớp! Buổi sáng đi học còn buổi chiều cháu nó vẫn giúp việc nhà được, bác ạ!
Ông bố thoáng nhìn Hoài, vẻ ngượng ngùng, mắt rân rấn nước.

Hoài khẽ mỉm cười mãn nguyện. Một cơn gió rừng nhẹ tới, thổi lao xao vườn lá. “Mình cần phải khai mở mùa nương rẫy khác! Đấy là tấm bảng viết, là những quyển vở để ngày ngày các em gieo lên đó những dòng chữ ngay ngắn, say mê. Nương rẫy ấy sẽ là nơi nuôi lớn niềm tin, ước mơ của những đứa trẻ ở làng đồi này!”. Một niềm vui mát rượi, phơi phới lan tỏa trong lòng cô…

Truyện ngắn: TRẦN VĂN LỢI

Tin cùng chuyên mục