Sức sáng tạo của các “lão làng” xứ Tuyên

- Nếu ví tác giả trẻ tựa như “cơn mưa mới mẻ mát lành” thì những văn nghệ sỹ gạo cội là dòng sông rộng lớn êm đềm, giàu lượng phù sa bồi đắp theo năm tháng. Với tuổi đời từng trải, nghiệp sáng tác bền bỉ, những tác phẩm của họ được “chưng cất” mỗi ngày tạo nên hương vị đặc trưng của thời gian và trải nghiệm dư vị cuộc đời.

Các văn nghệ sỹ cao tuổi vẫn say mê đi thực tế tại cơ sở.  Ảnh: Quốc Việt

Phân hội Văn học Tuyên Quang có gần 50 hội viên trong đó có quá nửa là hội viên đã luống tuổi, mái tóc đã pha sương. Các tác giả là người từng trải, nhiều vốn sống nên tác phẩm đầy tính chiêm nghiệm và sâu sắc. Hàng năm các đầu sách ra đời thì đa số là các tác phẩm của nhà văn lão làng. Không chỉ bút lực khỏe mà nhiều tác phẩm thực sự có chất lượng, neo đậu lòng người.

Nhà văn Trịnh Thanh Phong sống và sáng tác trong căn nhà nhỏ có khuôn viên cây cảnh vui mắt. Những tưởng khi về hưu “ông ma làng” vui thú điền viên, thế nhưng trong ông mạch nguồn văn chương vẫn tuôn chảy.

Dường như, ở tác giả Trịnh Thanh Phong chưa bao giờ hết những trăn trở về cuộc sống. Những năm gần đây, các tập truyện ngắn, tiểu thuyết dày hàng trăm trang vẫn tiếp tục ra đời gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa. Điển hình như: tập truyện “Ngày thơ dại”, tiểu thuyết “Ông mãnh về làng”, “Cổ tích đời người”, “Kẻ sống sót”… Đó là những trang viết đầy trách nhiệm, thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc về phận người, phận đời, đặc biệt là cuộc sống người nông dân “một nắng hai sương”, lam lũ với khát khao sự no đủ, bình yên.

Độc giả và văn nghệ sỹ trong nước khâm phục nhà thơ Cao Xuân Thái với nghị lực kiên cường. Hơn 10 năm ông trở thành chiến binh “đánh bại” hai lần bị ung thư. Và tháng ngày trên giường bệnh với những đợt xạ trị nhưng mạch thơ vẫn tuôn chảy, 10 năm ấy với 5 tập thơ, 3 tập bút ký với không ít giải thưởng danh giá. Nhiều người nói rằng, mỗi câu chuyện cuộc đời hay thi phẩm của ông đều chứa đựng một bài học mà ai cũng thấy mình cần mang theo.

Điển hình như các tập thơ và bút ký: “Thương lắm những ngày xa”,  “Thu vàng ở lại”, “Nắng sông Lô”,  “Tổ quốc cao lên từ Lũng Cú”… Trong đó, tập bút ký “Một rẻo Mê Công” do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam đoạt Giải thưởng văn học Quốc tế sông Mê Kông 2015. Mới gần đây, ông vui mừng gửi tặng bạn văn chương tập thơ “Mưa về Thành Tuyên”, đây là sự tiếp nối cho mạch nguồn cảm thức giữa cuộc đời - thi ca; là tình yêu bất diệt dành cho mảnh đất xứ Tuyên và sự nâng niu trân quý sự sống, trân quý nghĩa tình giữa con người với nhau.

Cũng mang cái nhiệt huyết, tràn ngập sinh khí khát vọng cống hiến cho nghệ thuật, những cây bút cao niên như: Phù Ninh, Trần Huy Vân, Nguyễn Đình Lãm, Đỗ Anh Mỹ, Lê Na... đều đều sinh những “đứa con tinh thần” đóng góp trên văn đàn tỉnh nhà. Quả đúng khi nói “các nhà văn không có tuổi hưu”.  

Ở mảng âm nhạc, các nhạc sỹ cao niên như Tân Điều, Đinh Quang Minh, Vương Vình, Trần Ngoan, NSƯT Đinh Tiến Bình... vẫn say sưa với thanh âm trầm bổng, tha thiết. Mỗi năm họ sáng tác, phổ thơ trên dưới 10 tác phẩm. Nhạc sỹ Tân Điều và Đinh Tiến Bình thì hầu hết năm nào cũng “gặt hái” được nhiều thành công tại Liên hoan âm nhạc khu vực phía Bắc.

Nhiều sáng tác của các nhạc sỹ đã được phối khí, thu đĩa và đăng tải nhiều trang website nhạc chính thống, lan tỏa trên các trang web. Điển hình như tác phẩm “Cây đa Tân Trào về với Trường Sa” của nhạc sỹ Tân Điều và “Khúc ca ru Đại tướng” của NSƯT Đinh Tiến Bình.  Hàng loạt ca khúc như... “Nơi thành Tuyên ta nhớ” của Đinh Quang Minh, “Em đi lễ hội mùa xuân” của Trần Ngoan, “Từ vườn ươm em hát” của Tăng Thình được các ca sỹ trong tỉnh biểu diễn tại các buổi liên hoan văn nghệ... Các nhạc phẩm đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu cho người yêu văn nghệ xứ Tuyên.

Nghệ sỹ ưu tú Đinh Tiến Bình từng nói rằng, “âm nhạc là tiếng vọng của cảm xúc”, con người không thể nghe, nhìn, ngửi, chạm, nếm được cảm xúc mà chỉ có thể cảm nhận. Người nhạc sỹ vẫn còn được sống và được sáng tạo thì luôn phải chỉn chu, cống hiến để tạo nên thanh âm độc quyền riêng mình.

Đã qua tuổi thất thập nhưng niềm say ảnh nghệ thuật trong Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Chính vẫn vẹn nguyên. Ông khá thành công ở mảng đề tài phản ánh thiên nhiên, con người miền núi với những tác phẩm điển hình “Sương sớm vùng cao”;  “Tuần lộc của rừng”; “Nguồn sống”, “Khát vọng vùng cao”... Dường như, vẻ đẹp huyền ảo thơ mộng của rừng núi và nét hoa văn độc đáo trên váy áo người Dao, Mông... là niềm đam mê thôi thúc ông say sưa đi, say sưa “bấm máy”. Với ông mỗi bức ảnh là khoảnh khắc đẹp, đó là sự rung động của trái tim trước hiện thực cuộc sống. Có đóng góp cho nền nhiếp ảnh nước nhà, Nghệ sỹ Nguyễn Chính từng được Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam trao tặng bằng khen và phong tước hiệu nghệ sỹ nhiếp ảnh có cống hiến xuất sắc (ESVAPA). Đây không chỉ là niềm vinh dự của riêng ông mà còn niềm tự hào của người Tuyên Quang.

Ở các lĩnh vực Sân khấu, kiến trúc sư, nhiều hội viên có tuổi như Phạm Xuân Đặng, Thái Thành Vân… vẫn không bằng lòng với bản thân. Họ tiếp tục cống hiến điểm tô cho bức tranh nghệ thuật thêm sắc màu.

Thời gian làm con người già đi, nhưng tinh thần lao động trong những nghệ sỹ cao niên luôn mãnh liệt. Đối với họ sáng tác nghệ thuật tựa như hơi thở. Nhịp sống ấy khiến văn chương xứ Tuyên chảy mãi!.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục