Trái tim thôi thúc
Ở Hội VHNT tỉnh có nhiều hội viên từng là bộ đội hoặc phục vụ trong quân đội. Mỗi người một lĩnh vực: người làm thơ, viết truyện, người sáng tác ca khúc, người đạo diễn, dàn dựng sân khấu, người vẽ tranh… nhưng có một điểm chung: họ đều mang tâm hồn người lính, cả trong lối sống và trong cách viết.
Nhà văn Trịnh Thanh Phong - người để lại dấu ấn đặc sắc với đề tài nông thôn miền núi và đề tài người lính.
Chiến tranh đã lùi xa, người lính viết văn không để ký ức mai một. Họ, những nhân chứng sống, chọn cách kể bằng nghệ thuật. Không ai bảo họ phải viết. Nhưng trái tim thì thôi thúc. Trong số những nhà văn trở về từ chiến trường, Trịnh Thanh Phong, nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh là một cái tên đặc biệt, ông đã để lại dấu ấn đặc sắc với các tác phẩm “Ma làng”, “Đất cánh đồng Chum”. “Ma làng” không để kể chuyện làng, mà để phản chiếu một “chiến trường khác”, nơi con người lầm lạc giữa cái tốt và cái xấu, nơi lòng tham đội lốt danh nghĩa, nơi đạo đức bị thử thách trong một xã hội đang đổi thay dữ dội.
Không ồn ào, phô trương, văn của Trịnh Thanh Phong giống như một dòng chảy ngầm sâu, dữ dội. Chính điều đó khiến ông khác biệt trong số những cây bút cùng thời. Văn chương với ông không phải là cuộc rong chơi mỹ miều, mà là một trận chiến khác, chống lại sự giả dối, ông làm giàu thêm “mặt trận” văn chương không bằng số lượng, mà bằng chất lượng, bằng sự can đảm của người dám nói thật, dám đào sâu vào thân phận con người trong cuộc chiến gìn giữ lương tri. Năm 2008, vượt khỏi phạm vi biên giới quốc gia, tiểu thuyết “Đất cánh đồng Chum” của ông đã vinh dự đoạt Giải thưởng văn học sông Mê Kông của Hội Nhà văn 3 nước Đông Dương. Năm 2011, tiểu thuyết “Ma làng” của ông đoạt Giải Xuất sắc tiểu thuyết viết về đề tài nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng cùng nhiều giải thưởng uy tín khác.
Nhạc sĩ Tân Điều không chỉ nổi tiếng với các ca khúc về quê hương như “Một nét thành Tuyên”, “Đường về Tân Trào”, “Áo chàm đi hội”, “Lời suối hát”, “Mùa thổ cẩm trên núi”, “Vấn vương câu hát ới la”, “Những chiến binh áo trắng”... Từ một giáo viên, ông đi bộ đội rồi vào Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị. Năm 1977 ông chuyển ngành về Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, làm phóng viên, Biên tập viên rồi Trưởng Ban Văn nghệ cho đến ngày nghỉ hưu. Ông để lại dấu ấn đậm nét với những ca khúc về người lính như: “Anh bộ đội biên cương”, “Anh giữ trọn màu xanh quê hương”, “Bên anh nơi đảo xa”… Những tác phẩm của ông là cảm xúc từ trái tim, vừa riêng tư vừa đồng điệu, gắn bó với cuộc sống xã hội, dễ đi vào lòng người.
Lưu giữ, truyền lửa
Điểm chung giữa những người lính viết văn ở Tuyên Quang là tinh thần lặng lẽ, bền bỉ, như chính phẩm chất của người lính năm xưa. Họ sống với ký ức, không ồn ào. Nhưng họ hiểu, nếu không ai viết, thì ký ức ấy sẽ mất. Câu chuyện của họ được kể ra bằng trái tim, không khuôn mẫu, không sáo rỗng, đó là thế hệ của nhạc sỹ Tăng Thình, cố nhạc sỹ Trần Công Khanh. Những tác giả đã để lại ấn tượng trong công chúng, họ lưu giữ những ký ức đẹp đẽ bằng chính những gì họ làm được.
Nếu như người lính từng bước vào chiến tranh bằng đôi chân, thì khi trở về đời thường, họ bước vào văn chương bằng trái tim. Viết, với họ không phải để khẳng định kỹ thuật hay trưng trổ lời hoa mỹ, mà là một cách sống tiếp phần đời còn lại của những người đã nằm xuống. Chính những trải nghiệm sinh tử đã khiến họ khác biệt: bản lĩnh sống, nay chuyển hóa thành bản lĩnh viết với cách viết có chiều sâu và trách nhiệm. Trong thời đại của thông tin lướt nhanh, văn chương người lính là minh chứng cho một loại nội dung có sức nặng, nơi sự chân thành, không tô vẽ, là điều giữ chân độc giả lâu nhất.
Tập thơ Một thời hoa lửa của nhà thơ Nguyễn Hữu Dực.
Tiến sỹ Nguyễn Vũ Phan, nguyên chiến sỹ Tuyên Văn của binh chủng phòng không không quân xưa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vừa là cây bút có chiều sâu trong sáng tác kịch bản, vừa xuất sắc trong vai trò Tổng đạo diễn các sự kiện văn hóa lớn của tỉnh. Cùng với đó, ông cũng là người “có duyên” với các giải thưởng tại các kỳ cuộc Liên hoan, Hội thi, Hội diễn nghệ thuật khu vực và toàn quốc. Trầm sâu, dung dị, ông từng chia sẻ ông không muốn thế hệ trẻ nghĩ rằng chiến tranh chỉ là hào hùng, ông muốn họ hiểu rằng chiến tranh là khốc liệt, là gian khổ, hy sinh và vì thế, hòa bình mới quý giá. Và vì thế, họ - những người lính năm xưa vẫn là người lính trên mặt trận của tâm hồn, của ngôn từ, của tình yêu Tổ quốc bất diệt.
Người lính viết văn là biểu tượng mạnh mẽ của ký ức dân tộc, họ không để lịch sử bị xếp lại trong sách giáo khoa, mà viết để chuyển nó thành đời sống tinh thần đương đại. Mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật là một phần bản đồ cảm xúc, nơi người đọc có thể lần theo để hiểu vì sao đất nước hôm nay có được hòa bình. Với nhà văn Nguyễn Tuấn, Doãn Quang Sửu, ký ức chiến tranh không chỉ là hồi tưởng mà là trách nhiệm của những chứng nhân lịch sử. Trong từng trang viết của các ông đều ngời sáng tình đồng đội, tình người, các ông viết như 1 cách tri ân đồng đội, tri ân quá khứ đã đi qua, giúp thế hệ sau hiểu và biết ơn. Lặng lẽ và mãnh liệt như chính tinh thần người lính đã nuôi dưỡng tâm hồn họ.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Dực từng tham gia quân đội trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ông quan niệm làm thơ để trả nghĩa cuộc đời và dưỡng nuôi tâm hồn. Tập thơ mới xuất bản gần đây nhất của ông mang tên “Một thời hoa lửa” xuất bản năm 2023 do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành gồm 57 bài thơ nhỏ xinh, thắm đượm ký ức trận mạc của những ngày “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Mạch thơ chủ đạo là ký ức về đồng đội, nỗi nhớ giữa hai trận đánh, là day dứt với “vọng phu” tạc vào thời gian của những người bà, người mẹ, người chị, người vợ, người em gái khắc khoải chờ người thân ra trận trở về... Song nhiều hơn cả, đậm sâu hơn cả vẫn là những vần thơ ông viết tri ân đồng đội, tri ân quê hương xứ sở sau những tháng năm dặc dài binh lửa: “Đồng đội ơi/Gọi mãi không thưa. Bốn bề chỉ còn nghe tiếng gió/Làn khói hương cuồn cuộn những hình người/Đồng đội ơi. Đồng đội của tôi ơi” (Trước nghĩa trang nhớ đồng đội xưa); “Uống nước nhớ nguồn nét đẹp nhân văn/Những người con hy sinh cho đất này hoa trái/Cho Tổ quốc linh thiêng ngàn đời gọi mãi/Hương hoa hồn người bất tử với thời gian” (Tri ân).
Nhà thơ Tạ Bá Hương, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh nhận định: “Khi người lính viết văn, đó không còn là tưởng tượng, mà là hiện thực được lắng đọng bằng cảm xúc rất thật. Chính họ làm nên chiều sâu cho văn học địa phương, nối dài ký ức chiến tranh bằng nghệ thuật. Họ là niềm tự hào, là bảo tàng tinh thần của quê hương. Không có họ, lịch sử chỉ là những dòng khô cứng. Nhờ có họ, chúng ta có âm thanh, màu sắc, lời ca để kể lại một thời rực lửa...
Giữa những ồn ào của đời sống hôm nay, những trang văn của người lính âm thầm giữ cho chúng ta một mạch ký ức, không chỉ để nhớ, mà để hiểu, để biết sống tử tế và trân trọng hơn giá trị của hòa bình.
Gửi phản hồi
In bài viết