Những ngày tháng Tư lịch sử mấy anh em tôi (những người lính cùng nhập ngũ những năm bẩy mươi còn sót lại đến giờ) thường kêu nhau về làng Lộ Viên - Tam Đa nơi ở của thằng Xuân Trường. Năm 1971 hắn cùng bao đồng đội chịu chung quả rốc két phóng xuống cửa hang Ba Châu phải nằm viện 39 hàng tháng giời nhưng khi ra quân thì về bám ruộng đồng không lương, không bổng, không chế độ da cam da quýt gì. Vui thú với nhau bằng bữa cơm rau quả cùng những kỷ niệm một thời. Giản đơn vậy nhưng ngôi nhà cứ ắp đầy như có đình đám.
Đúng lịch hẹn, năm nay mấy thằng tôi lại bám chiếc xe cà cộ do Ngô Văn Toan lái bò về nhà Xuân Trường. Xế trưa thì đến nơi, mấy thằng lỉnh kỉnh xếp những đồ mang theo vào túi thì Xuân Trường lạch bạch đi ra, hắn vẫn vận bộ đồ lính ngả màu nhưng sơ vin rất gọn gàng. Thấy bọn tôi lỉnh kỉnh đồ đạc hắn cười.
Mang cho thì cứ lấy thôi nhưng trong nhà sắp đủ cả rồi, vào là rô ngay thôi không phải chờ đợi đâu, cả nhà đang chờ đấy. Vừa nói hắn vừa kéo tay bọn tôi vào nhà.
Quả, cả nhà đang chờ thật, con cháu, dâu rể, đã tụ đầy nhưng ở cả dưới căn nhà ngang gần bếp. Không để bọn tôi thắc mắc, hắn nói như khoe:
- Năm nay có khách là ăn ở phòng này, vừa lắp được cái điều hòa. Nhà trên rộng nhưng chưa khép kín được, sang năm các ông về sẽ có đủ. Giờ vào đây đã, mát lịm nhé, kém gì phố xá các ông. Hắn cười, cả nhà cùng cười vang và ngồi quây tụ quanh mấy mâm cơm đã bày sẵn. Anh con giai trưởng của hắn đứng dậy, hai tay khoanh trước ngực giọng trịnh trọng. Thưa các bác, các chú… được phép của bố cháu, cháu thay mặt gia đình kính chúc ngày hội ngộ đồng đội của bố cháu cùng các bác, các chú từng nhiều năm lăn lộn trên các chiến trường đã trở về trọn vẹn từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến nay.
Kính chúc các bác, các chú cùng bố cháu mạnh khỏe để năm nào cũng gặp nhau vui vẻ với bố cháu và gia đình tại ngôi nhà này. Đám con cháu chúng con mãi mãi nhớ ơn cha chú để hàng năm mỗi tháng 4 về ngôi nhà cháu càng ấm áp hơn. Bố cháu mạnh khỏe hơn ạ. Xin kính mời các bác, các chú cùng cả nhà nâng chén ạ. Giọng anh con giai nghẹn ngào. Tiếng rô cùng bài ca Vì Nhân Dân Quên Mình vang lên. Lời ca hào hùng dắt chúng tôi về lại những năm tháng trận mạc oanh liệt. Hắn từ từ đặt chén xuống nhìn khắp các gương mặt chúng tôi rồi nở nụ cười:
- Ơn các đồng đội nhiều, nhờ bóng các đồng đội mà thằng Xuân Trường này suốt ngày lọ mọ với đồng đất lại có phút được mở mày mở mặt với con cháu, với xóm giềng vẫn có bạn sang tìm về. Hắn cười nhưng từ hai khóe mắt bỗng ướt nhòe. Biết hắn có gì tủi phận, giọng lão Khoa ấm áp:
- Bọn tôi mới phải biết ơn ông chứ. Nhờ có ông về lọ mọ ở đồng quê thì bọn tôi mới có cơ gặp lại hình làng, bóng xóm, mới thấm mùi bùn đất quê hương đã nuôi ta lớn để bay đi khắp mọi miền đất nước chứ. Đi đâu rồi cũng phải về mà, đời người có ai mà không cần cái tổ ấm. Cái tổ ấm của ông ở quê này là bình yên, bền vững đấy. Bận gì phải ngậm ngùi, ai cũng như cánh tôi tếch ra hết phố phường thì ngồi mơ cũng chả có sự hội ngộ ấm áp dưới mái nhà xum xuê cây trái, ríu rít con cháu thế này. Hạnh phúc, niềm tự hào là đây chứ còn ở đâu, bõ những năm tháng nằm hầm ngủ bụi lắm chứ…
Ha ha… Cả nhà cùng cười cùng rô, bài ca Vì Nhân Dân Quên Mình lại vang rộn như kéo về một thời lính tráng đầy vui buồn gian khổ. Hắn bắt đầu lên giọng:
- Khoa nó làm tuyên giáo nên lúc nào nói cũng hay, cũng phải.
- Đâu phải tôi nói hay, nói phải mà cuộc sống của ông tự để tôi nảy ra ngôn từ ấy chứ. Nhớ ngày ở Phu Mộc, bị tọa độ vồ, ông mảnh khảnh gầy yếu là lính đường dây trên vai hai cuộn dây to, cái máy 0743 kềnh kềnh bên sườn ông vẫn ôm không chịu bỏ. Nhìn ông đám tôi vững vàng hơn. Ông luôn là tấm gương cho bọn tôi đấy.
- Gương với giá gì, thời ấy thằng nào chả thế, mình may mắn còn nhìn thấy nhau hôm nay là quý rồi, nhiều thằng lặn vào đất!... thương lắm, nhiều đêm nằm dưới mái nhà quê nhớ chúng nó vẫn ứa nước mắt một mình đấy!... Hắn thở dài. Nhớ chúng nó nên dù lọ mọ ở quê vẫn phải cố sống, sống cho cả phần chúng nó nữa đấy.
- Ờ, đám lính sống sót như bọn ta đều nghĩ giống nhau mà! Mỗi người một cảnh, bọn tôi đi thoát ly, có khá hơn ông chút ít nhưng cũng chả sung túc gì, vì mình, vì người còn kẻ mất mà cố gắng thôi. Giọng ngô Minh Toan ngậm ngùi.
Minh họa: Bích Ngọc
Như mà năm nay về thấy ông có cái phòng điều hòa này là mừng lắm, cũng thoát dần cái khổ rồi…
- Ờ, hắn cười rồi bảo. Có cái phòng này ở điều kiện tôi là một sự kỳ diệu đấy.
- Có mạnh thường quân à? Lão Khoa hỏi.
- Nếu có mạnh thường quân thì còn đâu là phép kỳ diệu nữa! Hắn cười.
- Vậy phép kỳ diệu đó ở đâu? Tôi hỏi.
- Là từ ý chí, năng lực người lính chứ. Hắn vò chén rượu trong lòng tay, giọng như người kể chuyện. Mình về lọ mọ ở quê, nay ngoài thất thập rồi, xoay đủ nghề nào là buôn vặt, đi xe thồ, từng sắm cả con xe trâu, rồi đi đào quặng… vẫn cứ khó. Lụp thụp mãi dưới căn nhà lá ọp ẹp, bạn bè đến cũng tủi lắm nhưng bất lực, con kiến leo cành đa mãi mà chả thoát ra được. May, lần đi lái cây về nhà máy giấy gặp thằng Nuôi (Nuôi cây) ấy, thấy mình khổ sở nó theo về đây.
Hai thằng làm hết cút rượu sắn với củ dong riềng rồi lăn ra mảnh chiếu. Chiều dậy nó đảo quanh vườn rồi trợn mắt bảo:
- Nằm trên đống của mà chịu đói.
- Thì biết làm gì. Cũng có lười đâu…
- Không lười nhưng không chịu suy nghĩ. Không biết tập trung sức lao động của con cái để tạo ra của cải… Vườn tược này vào tay tôi chả phải đi đâu vẫn thừa chén…
- Thì bày cho đi.
- Đơn giản thôi, con cháu ông đông, tập hợp chúng lại cải tạo toàn bộ khu vườn nhà, bạt hết những cây không cho thu nhập, cày đất xốp lên, mua bạt che về làm thành nhà, trồng rau, mùa nào rau ấy, còn chăn nuôi thì phân khu chỗ chăn lợn, chỗ chăn gà thật quy củ. Nhớ là phải nuôi gà sạch, lợn sạch, phân gio lấy từ chuồng trại ra để phủ cho đất. Bây giờ quán xá, chợ búa chật mọi nơi, mình có hàng quảng cáo họ sẽ tự đến… Làm đi, thiếu vốn cho mượn. Nuôi nói như ra lệnh.
Mình làm theo, cứ cái bài ấy, có thu nhập thật. Các cháu thấy lợi cùng hợp lực, mình thành ông chủ nhiệm hợp tác xã nhà các ông ạ. Cha con lam lũ, một phần giữ cây lúa ngoài đồng, giữ vườn rừng và khu kinh tế rau. Con cháu chia nhau mỗi người một việc, lúc nông nhàn đứa nào rảnh thì đi công ty, thu nhập về giao cho thủ quỹ là bà lão nhà tôi. Thế là dần dần mở được mày mặt, giờ có căn phòng lạnh này. Thích đáo để.
Hắn cười tít mắt rồi hào hứng. Cứ đà này sang năm sẽ tiếp tục khép kín ba gian nhà to, “phổ cập” điều hòa cả nhà cùng mát mẻ, các ông về thoải mái hơn. Hắn lại cười tít mắt nhưng nói thêm:
- Muốn được vậy, “lão chủ nhiệm già” này phải duy trì công suất lao động của các xã viên trong nhà nhịp nhàng hơn từ tất cả các khâu ruộng đồng, vườn tược, chăn nuôi… đến điều động nhân công tham gia công ty khi rảnh việc nhà, thu nhập đặt dưới quyền bà lão là êm hết…
Hắn cười, cả nhà cùng cười theo rồi lại rô, lại ngân vang bài ca Vì Nhân Dân Quên Mình.
Lời ca như kéo chúng tôi trở về những ngày trai trẻ giữa ngôi nhà này cùng nắng trời những ngày tháng 4 ấm áp.
Gửi phản hồi
In bài viết