Khúc đồng dao lấm láp

- Nhà văn Kao Sơn tên thật là Phạm Cao Sơn, sinh năm 1949 tại Ninh Bình. Hiện nay ông đang sinh sống và sáng tác tại TP Hồ Chí Minh. Ông viết nhiều về mảng đề tài dành cho thiếu nhi. Tác phẩm của Kao Sơn mang đến một sắc màu mới lạ, hồn nhiên, tinh khôi. Các tác phẩm nổi bật như tập truyện ngắn “Nơi bắt đầu”, “Mùa hoa đã đến”, “Người hát thánh ca”…

Trong đó, “Khúc đồng dao lấm láp” là tiểu thuyết ra đời qua một cuộc thi sáng tác truyện và tranh cho thiếu nhi năm 2000. Tác phẩm đoạt giải A do Nhà xuất bản Kim Đồng - Hội Nhà văn trao tặng. Nhiều năm trôi qua, tác phẩm vẫn liên tục được tái bản và được các thế hệ độc giả thiếu nhi trong nước đón nhận.

Truyện lấy khúc mở đầu của bài đồng dao “Dung dăng dung dẻ” để bắt đầu. Kết cấu truyện chia thành 5 khúc, ứng với 5 câu sau của bài đồng dao, “Cho chó về quê/Cho dê đi học/Cho cóc ở nhà/Cho gà bới bếp/Ù ùa ù ập”. Với lối đặt tên như vậy mang đến sự độc đáo, tò mò và thích thú ngay từ khi bắt đầu lật trang sách.

Nhìn từ kết cấu đã thấy đượm lên mùi thơ bé. Hình ảnh mấy đứa trẻ như Cao, Quyết, Tâm, Túc túm áo nhau, nhong nhong trên đường làng, vừa đi vừa hát khúc đồng dao giản dị, mộc mạc ấy hiện lên sống động và vui tươi.

Sức hấp dẫn của tiểu thuyết không phải ở cốt truyện đầy phiêu lưu, chính bằng những câu chuyện không đầu, không cuối mà cậu bé Cao (nhân vật tôi) thuật lại. Đó là chuyện từ lúc chú được sinh ra tới khi biết đi, chạy, nhảy, tập nói...; chuyện học chữ; chuyện chơi làm nhà; chuyện gấu ăn mặt trời; chuyện mùa gặt với những trò trận giả... Tất thảy đều tái hiện qua chất giọng nhẹ nhàng, thủ thỉ và chân tình của nhà văn am hiểu tâm lý trẻ thơ.

Trong vội vã phố phường với nhịp sống hiện đại hôm nay, độc giả bước vào thế giới của “khúc đồng dao” ấy là như được quay trở về với thế giới đầy chộn rộn hứng khởi. Ở đó chất chứa vô vàn những cảm xúc, tâm trạng yêu thương của con trẻ. Ở đó cũng chất chứa vô vàn những tủi thân, những uất ức giấu kín của trẻ con mà người lớn, dù đã từng là trẻ con, nhưng lại không thể nào thấu hiểu được.

Viết về trẻ thơ bằng một giọng văn đầy chất thơ ca, “Khúc đồng dao lấm láp” không chỉ gợi về một nỗi luyến tiếc đẹp đẽ của tuổi thơ mà ở đó còn chất chứa rất nhiều những câu chuyện đời sống sâu lắng, được cài cắm khéo léo duyên dáng bởi tài viết của nhà văn Kao Sơn.

Từng trang sách trải ra như từng câu đồng thoại được cất lên, gọi về biết bao âm vọng. Truyện khéo léo đưa người đọc đến với những trò chơi dân gian cùng những bài hát đồng dao có từ rất xưa nhưng đã bị lãng quên bởi cuộc sống thời hiện đại… Chắc hẳn rằng tác giả đã dùng rất nhiều chất liệu của đời mình với những trải nghiệm tuổi thơ của mình để tạo nên một câu chuyện gần gũi, chân thật và tự nhiên đến thế!

Hoàng Niềm

Tin cùng chuyên mục