Nguồn cảm hứng bất tận

- Nhìn tấm hình những cây rụng lá, cành trơ ra khúc khuỷu xõa bóng mặt hồ trên Facebook, nghệ sỹ nhiếp ảnh phong cảnh nổi tiếng Andre Lưu (TP Hồ Chí Minh) khựng lại. Anh xem đi xem lại vài lần, rồi nhờ cộng đồng mạng tìm giúp địa điểm. 

Hoàng Hưng, một nhân viên Ngân hàng Agribank Na Hang yêu nhiếp ảnh đã thông báo cho Andre Lưu biết nó thuộc địa phận thượng lưu hồ thủy điện Chiêm Hóa. Sau cú trao đổi ngắn gọn về thời tiết, Andre Lưu lên máy bay trong đêm đáp ra sân bay Nội Bài. Ở sân bay đã có một chiếc xe ô tô bán tải của bạn bè chờ sẵn chở Andre Lưu lên Chiêm Hóa. Chuyến hành trình dài, nhưng lên tới địa điểm chụp trời đang tảng sáng. Mây bay phảng phất mặt hồ, mấy cái cây rụng lá, cành khúc khuỷu hiện ra đúng như những gì anh nhìn thấy trên mạng xã hội. Sau những cú bấm máy, Andre Lưu cảm thấy vô cùng may mắn khi đã kịp “bắt” lại khoảnh khắc này. 

Các nghệ sỹ nhiếp ảnh của Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam thích thú tìm hiểu văn hóa truyền thống tại huyện Lâm Bình.

Từ chuyến đi ngẫu nhiên đó, không biết Andre Lưu đã trở lại Tuyên Quang bao nhiêu lần. Anh dành tâm huyết nhất cho vùng lòng hồ sinh thái Na Hang, Lâm Bình. Anh đã có cả một triển lãm ảnh phong cảnh xuất sắc nhất về hồ sinh thái Na Hang, Lâm Bình tại thành phố Hồ Chí Minh. Nói đến tên Andre Lưu giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp ai cũng biết, vì anh đã đi chụp nhiều địa danh trong nước và trên thế giới với những bức ảnh đẹp mê mẩn. Khi tôi hỏi anh đi nhiều vậy, anh thích vùng đất nào cho sáng tác nhất. Adre Lưu không ngần ngừ, trả lời ngay đó Tuyên Quang, mà cụ thể là Na Hang, Lâm Bình.

Đầu năm nay, Đoàn văn nghệ sỹ Hà Nội gồm 28 người, do họa sỹ Lê Tiến Vượng, Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa Hội Mỹ thuật Việt Nam làm trưởng đoàn đã chọn huyện vùng cao Lâm Bình là nơi để đặt trại sáng tác. Họa sỹ Lê Tiến Vượng cho biết “chúng tôi ở Hà Nội luôn thèm khát “chất liệu” sáng tác như ở Tuyên Quang. Nơi đây có trên 600 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, 22 dân tộc giàu bản sắc sinh sống. Chỉ cần ngần ấy thôi đã đủ thỏa mãn cho người nghệ sỹ sáng tác. Mà ở đây không chỉ có nhiếp ảnh, mỹ thuật, mà còn cả văn thơ, âm nhạc, kiến trúc, sân khấu. Qua 7 ngày lăn lộn với cơ sở, tổng kết trại đã có 36 tác phẩm mỹ thuật, 24 tác phẩm thơ về đất và người Lâm Bình được ra đời. Các nghệ sỹ còn “gom” được nhiều tài liệu quý để làm tư liệu sáng tác các thể loại như vẽ, làm thơ, viết truyện, phóng sự, ký cho các báo, tạp chí chuyên ngành ở Trung ương. Chúng tôi rất háo hức khi biết tin vào tháng 9 này Tuyên Quang lại tổ chức Lễ đón nhận Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái” ở Việt Nam vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên năm 2022. Chắc chắn sẽ có nhiều văn nghệ sỹ muốn quay lại Tuyên Quang để trải nghiệm, sáng tác”.

Tăng Thình là nhạc sỹ người Tày tài hoa của đất Chiêm Hóa. Cuộc đời ông cũng đi nhiều nơi, làm nhiều nghề. Rồi ông chiêm nghiệm ra, chất nhạc “ới la” của ông không thể thoát được bản làng, mái nhà sàn. Tuyên Quang nói chung, Chiêm Hóa nói riêng quê hương ông, cũng là vùng đất ân tình giúp Tăng Thình có cảm hứng sáng tác. Ông bảo, mình may mắn được sống ở vùng đất mầu mỡ cho sáng tác. Các bài hát “Tâm tình điệu hát Then”, “Đến với chợ tình”, “Tiếng khèn”, “Khúc Pì lè”, “Hội còn ngày xuân”, “Tình ca sông Gâm”, “Bếp lửa nhà sàn”, “Anh ơi về Tuyên Quang”, “Áo chàm”, “Chiêm Hóa mồng 8 tháng Giêng”, “Về Thượng Lâm”... cứ thế mà “ra lò” một cách tự nhiên. Chất liệu có rồi, mình cần suy tư thổi hồn cho tác phẩm là xong. 

Chuyến đi thực tế sáng tác ở huyện vùng cao Na Hang vừa qua do Hội Nhà báo, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang phối hợp tổ chức, các thành viên đều là nhà báo, văn nghệ sỹ trong tỉnh xong vẫn háo hức, tò mò.  Bởi Tuyên Quang vùng đất chiến khu xưa rộng trên 5.800 km2, mỗi vùng đất, dân tộc lại có sự đa dạng, phong phú; thỏa sức cho các văn nghệ sỹ “vùng vẫy”.

Nhà văn Đỗ Anh Mỹ, Phân hội trưởng Phân hội Văn học, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chia sẻ, Na Hang mình cũng đi nhiều rồi, nhưng mỗi lần đi là mỗi lần khác. Đúng là “nó thắt vào lại mở ra” như câu chuyện cổ tích vậy. Sau chuyến đi, ông cho ra lò bài bút ký “Đi tìm cổ tích” có đoạn: “Rời Phiêng Bung, tôi theo các nhà báo, nhà nhiếp ảnh, các ống kính truyền hình xuống núi. Con đường nhựa dốc ngược dốc xuôi, quanh co, quá đát. Mưa rừng bóc lên những đám ổ gà. Cái để lại trong tôi sự tò mò, vẫn còn ẩn số, là bí ẩn về Phiêng Bung, một bãi bằng đất đỏ ba-zan, thảm cỏ xanh mênh mông, bạt ngàn cây thuốc quý có từ bao giờ? Phiêng Bung (bãi bằng), tên gọi theo tiếng địa phương, tọa lạc trên đỉnh núi, xung quanh trập trùng rừng, trập trùng mây, trùng điệp những ngọn núi đá vùng sơn cước, nơi có câu chuyện cổ, chín cô tiên trên trời, mùa xuân mải du mây đã lạc đến chốn này”.

Tuyên Quang - nơi vẻ đẹp hội tụ, Slogan này đã nói lên tất cả. Từ địa danh Thủ đô khu giải phóng -Thủ đô kháng chiến đến các bản làng dân tộc giàu bản sắc, cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, thật sự là nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sỹ sáng tác những tác phẩm chất lượng, mang lại nhiều cảm xúc cho công chúng.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục