Chiều quê

- Đang ngồi vót nan ở sân, ông Thạo thấy ông Giáo vẻ mặt vui tươi, từ ngoài ngõ đi vào, thay lời chào, hỏi ngay: Có tin vui gì đấy, ông Giáo?

- Tin vui thật, thư mời.

Ông Thạo dừng tay, đứng lên, rũ sạch bụi tre bám vào quần áo, vào nhà rót nước mời khách, hỏi ông Giáo: Thư mời gì vậy?

- Thư tay của cậu học trò, cách đây trên bốn mươi năm, mời dự đám cưới đứa con trai út.
- Bốn mươi năm, thuở ông mới lên đây dậy học.
- Thế mới quý chứ, ông biết cậu học trò bây giờ làm gì không?
- Hẳn là một ông quan cỡ bự.
- Đúng vậy, làm viện trưởng, hay viện phó gì đấy. Lại một cậu học trò khác bảo: Em có việc lên tỉnh, thầy đi em đèo đi, cho em xin ba lít xăng.
- Tiện đường lên tỉnh, đèo thầy đi, xin ba lít xăng, tính toán gớm nhỉ.
- Học trò đứa thế này, đứa thế khác, đèo đi, đèo về không hơn à, còn hơn đi ô tô phải chờ mỏi mắt ở bến xe ấy.
- Mà này, ông định mừng bao nhiêu, trên tỉnh hàng phố với nhau, ít cũng một đến đôi trăm, chỗ thân quen, nhờ cậy, một triệu, dăm triệu cũng nên, không biết đâu mà lường.
- Tôi chỉ nghĩ đến việc giữa đám đông ấy, cậu học trò gặp thầy, tay bắt mặt mừng, trịnh trọng giới thiệu: Đây là thầy giáo dậy tôi từ hồi cấp một trường làng. Người thầy đầu tiên, dắt tay tôi đi vào con đường học vấn. Bao nhiêu con mắt đổ dồn về phía tôi, trầm trồ, ngưỡng mộ. Làm thầy một ông viện trưởng, còn ai dám xem thường, không lại xúm vào bắt tay, chụp ảnh. Mến trò ắt phải kính thầy, là cái chắc. Mất đôi trăm ngàn vào việc ấy kể cũng bõ.

Minh họa: Hồng kiều

Ông Giáo vui ra mặt, cứ nghĩ sự việc như đang diễn ra trước mắt. Thấy thế ông Thạo thủng thẳng:

- Tiền mừng đôi trăm xem là được. Còn mặc, chẳng lẽ ông Giáo đánh bộ nâu xồng, ra mắt quan hàng tỉnh, lại là bậc thầy coi sao tiện.
- Dựng một bộ kịp không? Một tuần nữa mới đi kia mà.
- Kịp, nhưng chỉ dự một tiệc cưới, bỏ tiền triệu may bộ Com lê, mặc một lần không phí sao. Đám cưới ở quê có ai diện Com lê, cà vạt, có diện biết xếp ngồi với ai cho xứng. Tốt nhất đi thuê, chọn bộ nào ưng ý nhất, mất một hai trăm là cùng, có phải đỡ tiền không.
- Ông tính phải, thuê mặc, ai biết mình thuê hay may. Nhà quê xuề xòa thế nào cũng xong. Lên tỉnh tuế tóa quá người ta xem thường.
- Tính ra cũng mất tháng lương chứ chả chơi. Xem ra cũng là chuyến đi trải già đây.
 Nghe ông Thạo nói, ông Giáo thoáng cười. Chả biết ông Giáo vui thật, hay là đang gượng gạo mà nét mặt không được tươi tỉnh lắm. Mất một tháng lương đấy, đâu phải chuyện đùa! Từ ngày nghỉ hưu, chưa bao giờ ông tiêu một lần số tiền như thế.
***
Đám cưới diễn ra hai ngày, ông Giáo đi một tuần không thấy về. Mười ngày sau, ông Giáo mang vẻ mặt buồn rượi đến nhà ông Thạo. Biết ông Giáo không vui, ông Thạo vẫn hỏi: Chuyến đi mỹ mãn chứ?

- Già rồi còn dại, thằng học trò đưa tôi lên đấy, hẹn hôm sau đến đón, nó cho mấy địa chỉ, còn bảo: Muốn về sớm cứ đến tìm. Đi hết địa chỉ này đến địa chỉ khác, có thấy nó đâu. May gặp ông bạn, đưa về nhà, nằm liệt ở đó mấy ngày, rồi chính con ông ấy đưa tôi về nhà.

- Cậu học trò tiếp ra trò chứ?

- Nghĩ mà tủi, nó không nhận ra tôi. Gặp nó cúi chào như bao người khác, rồi chìa tay, không kịp bắt, không cả kịp hỏi câu nào, nó đã chìa tay sang người khác, mồm liến láu: Ôi! Quý hóa quá! Xin mời! Xin mời! Khách lớn, bé, già, trẻ, đều được tiếp như thế cả.
Lân la hỏi chuyện mới biết. Thư không phải tự tay nó viết, mà chỉ liệt kê, danh sách, chức danh, nghề nghiệp, chỗ ở rồi thuê người viết. Ai là thầy giáo đều có nội dung giống nhau: “Con không bao giờ quên công lao dậy dỗ của thầy, (cô), để tỏ lòng kính trọng, biết ơn, rất mong được đón tiếp thầy, (cô), trong ngày vui hạnh phúc của đứa con trai út của con. Một ngàn lần kính mong thầy đến dư”.

Thế đấy, tôi như giữa ngày đông giá lạnh, bị hất một chậu nước lạnh đến âm mấy độ, vào mặt, tự giận mình, già rồi còn hồ đồ.

- Quan khách đến đông không?
- Quan khách chen vai nhau, liếc mắt, bắt tay, rồi tự rủ nhau, sáu người một mâm, cứ thế vào ăn. Xem ra lời lẽ muốn thưa gửi, đều được tính bằng tiền, cân đo, đong, đếm, tình cảm, sâu, nặng đều được thể hiện trong phong bì. Ăn xong sấn đến bỏ vào chiếc hòm dán giấy xanh đỏ, có chữ song hỷ, đôi chim câu cắp hai trái tim lồng vào nhau. Làm xong nhiệm vụ, bỏ lá phiếu đựng tiền ấy, mạnh ai người ấy rút. Còn nhường chỗ cho người khác. Tôi ngồi nhìn cứ chóng cả mặt.

- Thế ông có bỏ phong bì vào cái thùng phiếu đó không?
- Có mới dại chứ, bỏ rồi mới biết là dại.
- Kể cũng dại thật, biết tình thầy trò nhạt hơn nước ốc ao bèo, về cho sớm chợ, ở lại làm gì.
- Tôi bụng dạ nào ở lại, đi tìm đứa học trò để về, đêm tối cũng về, trả thêm tiền xăng cũng về. Mất hút nó lặn đi đằng nào. Đành tá túc vào cái quán bỏ không bên đường. Đêm xuống, vừa tủi, vừa ân hận. Lại còn tấm tắc khen: Nó là đứa học trò thành đạt, vẫn không quên thầy cũ, càng học cao, càng có ý thức, càng có quyền càng giữ được lễ nghĩa.

Ra ngoài mới biết việc như thế họ cũng nghĩ ra được. Thức trọn một đêm sáng ra gặp ông bạn đưa về nhà chơi.

- Bộ Com lê họ đòi bao nhiêu?
- Bằng một lần cho thuê trong ngày.
- Vẫn còn người tốt, họ đòi bao nhiêu chẳng phải trả. Hôm ông Giáo đến khoe đi dự đám cưới, tôi định khuyên thầy đừng đi. Thấy ông Giáo vui ra mặt, nên thôi. Mình ăn ở chân thực dễ bị lừa. Một đứa học trò cưới con lời lẽ như thế ai không tin là thật. Ông Giáo chả nên buồn làm gì. Âu cũng là bỏ tiền ra để hiểu thêm nhẽ đời đen bạc này.

Nghe ông Thạo nói thế, ông Giáo buông tiếng thở dài, tự nói với mình. Cái thế thái nhân tình, càng ngẫm càng thấy đau!

Nhìn dáng vẻ khổ não của ông Giáo, ông Thạo thấy mình như có lỗi. Hôm ấy nói cho ông Giáo rõ:

- Mình già rồi cần gì cái danh hão, nếu là đứa học trò có đức độ, sao không đánh xe con về đón. Thầy đâu còn trẻ trung gì, hơn bẩy mươi tuổi, đường sá xa xôi, cách trở. Một bức thư tay, cho dù thật lòng thành kính, cũng không phải phép. Trên bốn mươi năm, không một lá thư, không một lần đến thăm thầy, nay cưới con mới nhớ tới. Thật giả nó bầy ra đấy còn gì. Chẳng biết an ủi ông Giáo thế nào, ông Thạo đành nói:

- Ông Giáo ạ! Cũng coi như mình sơ ý, bị thằng vô lại lừa, mất cả tình lẫn tiền. Thằng cả vừa gửi cho tôi bình rượu thuốc, nó bảo: Người già uống tốt lắm. Tôi với ông nhâm nhi cho nó khuây đi lần xúi quẩy này.
***
Ông Thạo mở rộng cánh cửa sổ, những tia nắng yếu ớt, của một chiều cuối đông còn vương trên các ngọn cây. Rừng xanh phía xa sẫm dần. Một buổi chiều cuối đông yên ả. Hai ông già gù vào nhau, chịp chạp ly rượu, đăm đắm nhìn ra khoảng trời tối dần.
Bóng tối lấp đầy hai đôi mắt già nua.

Truyện ngắn: Trần Huy Vân

Tin cùng chuyên mục