Ký ức Tết trong văn nghệ sỹ

- Tết của người Việt là một cái gì đó rất rộn ràng và thiêng liêng. Đối với văn nghệ sỹ xứ Tuyên, mỗi một mùa xuân sang họ lại tổng kết, chiêm nghiệm, hoài niệm về Tết xưa và Tết nay.

Tết xưa

Nhớ về Tết xưa, nhạc sỹ Tân Điều, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh kể, thời bao cấp, mọi cái đều khó khăn, thiếu thốn. Gia đình nào cũng vậy phải gom góp cả năm để ăn được một cái Tết no đủ. Gia đình ông chăm bẵm con lợn đen, đàn gà ta cả năm cũng để Tết. Ngay cái hàng bờ rào cũng phải đốn tỉa ngay ngắn, chờ Tết lên là đẹp. Không khí dọn dẹp nhà cửa rộn ràng từ trước một tháng.

Nhà văn Đỗ Anh Mỹ, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tâm sự, ngày đó nghèo lắm, Tết đến mà được mẹ mua cho bộ quần áo mới thì coi như nhất. Mua được bộ quần áo cho con, các gia đình phải lo hộp mứt Tết, đĩa giò lụa, cân hành muối, hương và vàng mã. Tết đến việc đi Tết bên nội ngoại là trách nhiệm thiêng liêng. Những ngày đó thì đơn giản thôi, chỉ cần chai rượu, quả bưởi, cái bánh chưng nhưng ấm lòng ông bà, cha mẹ.

Có thể cả năm ăn độn, ăn khổ nên ai cũng háo hức Tết đến được ăn thịt. Ngày mổ lợn đụng, đám trẻ xúm xít chờ bên nồi nước luộc để được ăn một miếng lòng nóng hổi. Cái bong bóng lợn đáng nhẽ luộc ăn, nhưng người lớn dành cho bọn trẻ làm bóng chơi. Nhà văn Vũ Công Định, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh thấy Tết xưa thật vui.

Tết, mùa xuân là đề tài sáng tác của văn nghệ sỹ xứ Tuyên.

Ngày đó cả thôn mới có một cái nồi quân dụng, người ta còn nghĩ là luộc bánh chưng bằng chảo sao chè, thùng phi. Nhưng cũng phải đăng ký mới đến lượt. Việc luộc bánh chưng đêm là đương nhiên, cái nồi hoạt động 24/24 giờ trong ngày. Nhà này vớt bánh chưa ráo nước, nhà kia đã đến khiêng nồi... nghĩ lại thật vui.

Tết thời chiến tranh cũng nhiều ngóng trông. Trước Tết, người ở tiền tuyến, người ở hậu phương đã biên thư hỏi thăm sức khỏe, tình hình chiến sự, chúc Tết người thân và đồng đội. Nhà văn Bùi Quang Khánh, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh có một thời ăn Tết trên trận tuyến biên giới Hà Giang. Đón Tết nhưng toàn đơn vị vẫn phải nêu cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu.

Đêm 30, sáng mồng 1 Tết, ai trong đơn vị cũng cồn cào nhớ nhà. Dù anh em chiến sỹ cũng có đủ bánh chưng, mứt kẹo, thịt hộp nhưng vẫn nhớ dư vị Tết quê. Nơi đó có ông bà, bố mẹ, người thân, làng xóm, mái nhà thân thương. Do được trải nghiệm trên những chốt cao biên giới mà tác phẩm Vọng khúc người lính hay Yêu muộn của nhà văn Bùi Quang Khánh như là lôi từ gan ruột của cuộc đời binh nghiệp của mình ra. Ở đó bố mẹ cứ ngóng trông con ngày xuất ngũ để còn lấy vợ. Chứ già khú đế thì ai thèm yêu, mà Tết đến ai cũng chúc ông bà nhanh có dâu thảo...

Tết nay

Tết nay, tùy theo mức sống và nhu cầu nhiều gia đình chọn cho mình gói “sắm Tết combo” từ 1 triệu đến 5 triệu hay vài chục triệu. Nhiếp ảnh gia Khánh Dương, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh qua nhiều năm quan sát thì thấy Tết ngày nay có vẻ đơn giản hơn. Người ta chỉ cần đi chợ 1 buổi là sắm đồ Tết khá đầy đủ rồi. Cuộc sống số, khiến tiền biếu bố mẹ, người thân cũng chuyển khoản. Nếu do công việc, ở xa không về được thì họ có thể chúc Tết qua Facebook, Zalo.

Nhiều gia đình xin chữ thầy đồ trong những ngày Tết.

Cái khác Tết xưa và Tết nay cũng ở cách thức đón giao thừa. Nhà văn Dương Đình Lộc, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cảm thấy Tết nay nhiều gia đình “ăn Tết ít đi và chơi Tết nhiều lên”. Xu hướng du lịch Tết càng tăng, họ đi để thư giãn, trải nghiệm Tết vùng miền. 

Tết thời công nghiệp diễn ra đơn giản quá khiến nhiều người thấy nhạt nhẽo, tiếc nuối về Tết xưa. Nhiếp ảnh gia Hà Thế Đô, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh năm nào cũng vác máy ảnh đi chụp ảnh Tết. Ông rất mừng có nhiều gia đình đang khôi phục lại Tết xưa, giữ lại nét truyền thống tốt đẹp của cha ông như: tự tay gói, luộc bánh chưng, dẫn con cháu đi xin chữ ông đồ... Còn họa sỹ Mai Hùng, nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh khẳng định, Tết là văn hóa, truyền thống dân tộc cần được giữ gìn và phát huy.

Tình cảm là thứ quý giá nhất của ngày Tết, làm cho con người xích lại gần nhau, chúc cho nhau những lời tốt đẹp. Năm nào cũng vậy, họa sỹ Mai Hùng thường vẽ con giáp của năm mới theo cách cảm của mình. Có những nét xưa và nay hòa trộn tinh tế, chuyển tải một thông điệp của thời gian.

Đối với văn nghệ sỹ, Tết là đề tài, nguồn cảm hứng sáng tác bất tận… Chúc các văn nghệ sỹ có nhiều tác phẩm hay về Tết ngay từ đầu xuân mới này, giúp công chúng cảm nhận rõ hơn về Tết cổ truyền để từ đó cùng nhau nâng niu giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục