Mai Anh - Đi và viết

- Thời gian gần đây bạn bè, đồng nghiệp thấy facebook Anh Mai (Bùi Thị Mai Anh) - hội viên Phân hội Văn học, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh luôn “đỏ lửa” với những chuyến đi thực tế ở các xã vùng cao trong tỉnh. Những phong cảnh đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo đều được chị ghi chép, chụp ảnh lại một cách tỉ mỉ.

Nhà thơ Mai Anh.

Sau khi nghỉ hưu với chức danh Thạc sỹ, Phó trưởng Khoa Văn hóa - Du lịch, Đại học Tân Trào chị mới có thời gian đi thực tế nhiều. Phải nói chị rất say nghề, ngoài hướng dẫn giúp các địa phương, bà con cách làm du lịch cộng đồng thì qua việc điền dã ở cơ sở giúp chị có thêm nhiều chất liệu để sáng tác. Các công trình nghiên cứu, bài viết, thơ đều ra đời từ thực tiễn. Chị chia sẻ: Đi và viết gắn với mình như hình với bóng.

Cây viết Mai Anh sinh năm 1964, cầm tinh con Rồng. Chị quê gốc ở Hà Nội, sinh ra ở Cao Bằng nhưng sống và công tác tại Tuyên Quang. Theo chị, cuộc sống của cô giáo dạy Văn thì không thể không viết. Tổng kết lại sự nghiệp viết lách, chị đã có 3 công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh với vai trò là chủ biên, thành viên: Thi pháp truyện cổ tích Tuyên Quang, Văn hóa truyền thống của dân tộc Dao Tuyên Quang, Hướng dẫn sửa lỗi phát âm, từ vựng, ngữ pháp cho học sinh dân tộc thiểu số. Chị ra được các cuốn sách giáo trình Văn hóa, Văn học và ngôn ngữ địa phương; Ngữ văn địa phương Tuyên Quang; Tuyển tập truyện cổ tích Tuyên Quang. Ở mảng sáng tác, thế mạnh của cây viết Mai Anh là truyện ngắn, thơ, bình thơ. Gần đây chị “ra lò” truyện ngắn “Ốc Anh vũ”,  thơ “Dùng dằng với Lâm Bình”, “Vào lửa”, “Bây giờ em khác xưa rồi”, “Viết ở nghĩa trang Vị Xuyên”, bình thơ “Gặp nàng Tô Thị ngỡ người làng ta”, “Thơ Ngọc Hiệp”...

Nhà thơ Mai Anh (ở giữa) rất yêu bản sắc xứ Tuyên.

Chúng tôi gặp nhà thơ Mai Anh ở thác Thông Bảng, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình) - nơi chị có buổi thực tế cùng lớp học hướng dẫn du lịch cộng đồng do chị chủ nhiệm. Cả lớp đi hái rau rừng và tự thực hành việc nấu, trình bày các món ăn sao cho giản dị, đúng bản sắc, hấp dẫn du khách. Qua những chuyến đi kỷ niệm lại ùa về bên chị. Lúc rảnh chị lại ngồi tư lự một mình sáng tác bên căn nhà thân quen của mình. Truyện ngắn, thơ của Mai Anh lại “ra lò” một cách tự nhiên nhất. Bài “Bây giờ em khác xưa rồi”, tác giả viết: “Bây giờ em khác xưa rồi/Cái miệng không thắm, nụ cười không duyên/Ngày xưa dẫu chẳng thể quên/Cũng không đánh đổi được thêm ngày nào/Bao nhiêu lời nói ngọt ngào/Bao nhiêu nhung nhớ, ước ao, đợi chờ… Nói rằng: em vẫn như xưa/Là an ủi, nói cho vừa lòng thôi/Bây giờ em khác xưa rồi/Lòng thôi mơ mộng, nói lời viển vông/Xưa: vũ trụ hóa mênh mông/ Nay: vũ trụ hóa chỉ trong gian nhà/Một mình em bỗng hóa ba/Cho anh, con, ít nữa là cho em”.

Nhà thơ Mai Anh luôn có cảm hứng làm thơ về tình yêu, tình mẹ con. Bài “Mẹ” có đoạn: “Mẹ/Mẹ là cánh cò/Vỗ về giấc ngủ/Mẹ là ngọn gió/Ve vuốt trưa hè/Mẹ là rặng tre/Cho con bóng mát”. Thơ Mai Anh còn có giọng điệu lạ. Bài “Vào lửa” thể hiện cái tôi của tác giả:?“Dừng lại đi/Lửa đấy!”/Như con thiêu thân lao vào lửa cháy/Người đàn ông không trọng lượng chẳng cần nghe/”Lửa đấy!/Dừng lại đi!”/Sao cứ phải can khi người ta chưa biết/Hoặc đã biết rõ nên chẳng có gì sợ hết/Thành than là cùng phải không?.

Ở cái tuổi 58, nhà thơ Mai Anh đang ở phong độ chín muồi của sự nghiệp sáng tác. Trời ban cho chị sức khỏe, tình yêu thiên nhiên, quê hương tha thiết và sự trải nghiệm của những chuyến đi thực tế. Càng đi chị càng thấy sức viết của mình dồi dào hơn...

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục