Mẹ tôi

 

1. Nó là chiếc xe đạp “kì quan”: cổ nghênh nghểnh cách cái sườn cong cong một đoạn thật là xa. Chiếc xe cũ không thể cũ hơn. Mỗi vòng xe là một bản hòa âm rộn rã. Nó là hỗn hợp tiếng leng keng của tay thắng hư tùng teng, tiếng lét két của ổ bi khô dầu, tiếng cọc cạch của cái gạc móp méo, cọ ràn rạt vào bánh xe. Khổ nhất mỗi lần dừng xe, tôi phải nhanh chóng leo xuống sườn, chà soàn soạt hai chân xuống đất làm phanh. Không phải mẹ không quan tâm đến sự an nguy của con cái, mà đó là thế buộc.

Nghèo quá mà! À, cũng không nghèo đến nỗi không mua được chiếc xe mini có cái giỏ đằng trước mà tôi nghĩ mình sẽ rất bảnh khi được ngồi lên nó nhưng tôn chỉ của mẹ là chừng nào hết đi được mới mua. Xe mới rồi cũng phải cũ thôi. Hay mình đem đi mông má tuốt tát lại cho dễ coi hơn. Không có đâu, đừng hòng đua đòi đẹp xấu! Đạp vẫn còn chạy là ngon rồi. Đi xe khổ vẫn hơn đi bộ vậy. Mẹ nói cấm sai nên hết đường ỉ ôi. Tính mẹ tôi đã thành “thương hiệu” cả xóm biết, má xài cái gì là phải cho đến khi chẳng còn centi giá trị tận dụng nào mới đem bỏ. Tóm lại, đồ mẹ bỏ đi thì hết đường … mót.

2. Tôi đậu Tú tài với số điểm sém thủ khoa của trường, tôi thích Trường Đại học Xã hội và Nhân văn, xin mẹ nạp đơn thi trường đó, má bảo:

- Thi trường Sư phạm trong tỉnh, học phí được miễn, học gần nhà đỡ tốn kém.

Dù không muốn nhưng cũng phải miễn cưỡng học Cao đẳng Sư phạm theo ý mẹ. Đường đường là một sinh viên sư phạm nhưng bạn bè trêu: “Dân gốc rạ!”. Tôi nghe và chỉ biết cười trừ, không buồn, không giận vì bản thân cũng mơ hồ cảm nhận được sự quê mùa của mình.

Một cô nàng rám nắng từ đầu đến chân. Tôi không biết dùng khẩu trang, không xài mỹ phẩm, chưa một lần cầm cây son đưa lên môi. Đứng trước gương, tôi cũng không dám tin mình là sinh viên năm nhất. Đây là “thành tích” của những ngày chận bò tắm sông và cũng là kết quả câu nói của má “Học giỏi người ta khen, đua đòi người ta chửi”.

Mấy đứa bạn cùng phòng chép lưỡi: “Mày có duyên ngầm, chỉ không biết sửa soạn nên chưa đẹp ra thôi.”. Rồi đứa cho áo thun, quần rin, đứa ủng hộ cục xà - phòng, con Hoa nhà giàu cho nguyên chai sữa rửa mặt và kem dưỡng da (loại rẻ tiền).
Cuối tuần đó tôi đạp xe về, tới đầu thôn, ai cũng tấm tắc khen xuống thị xã có khác, sáng sủa, xinh đẹp hẳn ra. Nhưng về tới cửa nhà, mẹ quét từ đầu đến chân, ca cẩm:

- Mẹ cho đi học chứ không cho đi đua đòi!

Tôi phụng phịu. Người ta xinh đẹp không khen, cứ muốn con gái quê mùa mới chịu được.

3. Tôi đi dạy, tháng lương đầu tiên trích mua nồi cơm điện, nằng nặc đòi mua bếp ga nhưng má nhất quyết không chịu, cứ quơ rác quơ rơm xung quanh vườn mà nhen bếp, khói mắt cay xè, nấu cơm mà mồ hôi rơi lã chã, nước mắt chảy ngay như khóc. Hỏi mẹ sao không lấy tiền mua nồi cơm điện, mẹ nói bán lúa, dồn lại sắm nửa chỉ vàng rồi. Trời đất! Mẹ chỉ có mỗi khao khát sắm vàng - tôi lầm bầm mà không sợ mẹ nghe.

Dạy xa nhà, ở nội trú, đi về phải theo xe hoặc bắt xe đò, rất bất tiện. Tôi đòi vay tiền trừ lương mua xe máy, mẹ không cho. Tháng lương nào tôi cũng giữ lại một ít, còn lại đưa hết cho mẹ bảo sửa soạn nhà cửa và bổ sung thêm đồ đạc vào tủ quần áo cho bố mẹ. Dặn kĩ vậy mà mẹ vẫn lấy tiền đi sắm vàng. Tôi “gắt”:

- Mẹ hãy sắm sửa cho nhà cửa tươm tất, mua vài bộ đồ nên nên mà mặc. Đừng sắm vàng nữa!

- Tụi bây rồi cũng lấy chồng chứ có ở nhà với bố mẹ suốt đâu mà trang hoàng với sửa soạn. Còn áo quần chi cho tốn kém, tao với ông đầu gối quá tai rồi, quần cùi áo cụt gì không được!

Rồi một ngày mẹ đưa cho sợi dây chuyền, một đôi hoa tai bảo đeo, tôi ứ hự mẹ bảo:

- Con gái nhất định phải có mấy thứ này.

- Mẹ không chịu mua đồ đạc, cứ sắm vàng hoài, “chán” mẹ quá!

- Sống xa nhà, đeo ít vàng trong người làm của phòng thân.

Một đồng để dành, hai đồng để dành. Mẹ lý lẽ có chỗ ngó chừng, rồi là phòng thân. Mẹ suốt đời vẫn vậy, chắt chiu, cắt ca cắt củm từng đồng. Giờ hiểu ra thì thấy thương chứ không nỡ giận, bèn trêu: “Đủ một  phân mẹ cũng sắm vàng!”.

Minh họa: Bích Ngọc

4. Tôi lấy chồng, một chàng trai nghèo nát. Bạn bè, đồng nghiệp phản đối, anh chị cũng tỏ ra e ngại nhưng má thì không. Má bảo lấy chồng không quan trọng giàu nghèo, cứ yêu thương nhau rồi sẽ cùng nhau làm giàu. Mẹ lo đám cưới cho con gái chu đáo, còn đeo mấy chỉ vàng vào tay làm của hồi môn. Con rể nghèo nhưng má quý lắm, sợ con gái có lương bổng rồi hoạnh họe với anh chồng chưa kiếm được việc với mảnh bằng Trung cấp, mẹ dặn đi dặn lại đàn bà như nước, mà nước thì phải chảy về chỗ thấp. Muốn hạnh phúc, vợ chồng phải biết nhẫn nhịn, vợ nên làm điều đó trước.

Thời gian đầu, thấy con gái còn chật vật khi phải sống chung trong căn nhà tranh với nhà chồng, mẹ cho thêm hai con bò làm vốn liếng. Sau đó, chồng xin được việc, tôi sinh con, vợ chồng cũng đã ra riêng trong một ngôi nhà nhỏ trên mảnh đất nhà chồng. Một lần lên thăm con gái, thấy ăn uống sắm sửa thoải mái, lúc về mẹ dặn đi dặn lại làm mười ăn năm ăn sáu thôi, còn để dành lo cho con. Tuy vợ chồng tôi là gia đình cán bộ công chức, thu nhập ổn định nhưng tháng nào mẹ cũng gửi người ta mang gạo lên nhà. Chồng tôi về dặn mẹ đừng gửi lên nữa. Mẹ la: 

- Bố mẹ làm nông mà con đi mua gạo mắc mỏ thì phí quá. Dù gì tụi bay ăn cũng ít, ăn “bậy” thì giỏi chứ ăn cơm có bao nhiêu.
Vợ chồng tôi cứ yên chí ăn gạo của mẹ. Mùa thu hoạch lúa năm đó, tôi có đưa con về nghịch rơm vì cu cậu cứ nằng nặc đòi về ngoại. Thấy chỉ có mấy cháu ở nhà, tôi ngạc nhiên:

- Ủa! Nội cắt chưa hết lúa hả mấy đứa? Sao nhà cửa vắng tanh vậy?

- Dạ! Cắt xong rồi cô, nội chỉ có hai đám nhỏ nhỏ, cắt một bữa xong vèo.

- Vậy nội đâu ?

- Nội mót lúa rồi, đi từ hồi tụi con ngủ chưa dậy.

- Trời! Già cả không ở nhà nghỉ ngơi, ham làm quá, được mấy “hột” mà mót chi không biết vậy trời?

- Nội nói người ta cắt vung vãi nhiều, trước giờ mùa nào nội cũng đi mót hết.       

Nghe cháu nói mà tôi đứng hình. Con gái vô tâm hết đường. Mẹ ra đồng phơi nắng, nhặt từng hạt lúa vãi trong khi con ăn xài ở lở, mới kẹt chút đã đem hoa tai dây chuyền mẹ mua đem bán rồi lý lẽ: “Một đời ta bằng ba đời nó”.
Đưa mắt nhìn ra cánh đồng chang chang nắng, tìm mãi mà không thấy bóng dáng mẹ đâu trong vài chiếc áo nâu đang lom khom trên đồng, tự dưng đôi mắt bật ra hạt nước, tôi đau thốn ruột thốn gan.

5. Đang tuổi xuân phơi phới, đùng cái tôi bị bệnh, xanh xao như tàu lá. Mẹ thấy bệnh cứ tái đi tái lại, hối con phải đi bệnh viện. Thú thực, tôi cũng sợ chết trẻ nên nghe má nói thì giật mình. Nằm viện rồi tái khám rồi lại nằm viện mà nhà lại không tiền dự trữ. Tôi vay, chồng vay nhưng “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. Kẹt cứng nhưng sĩ diện nên không hỏi nhờ bạn bè, càng không dám mở miệng cậy người nhà. Ngại lắm, chúng tôi nghĩ mình khấm khá nhất nhà vì công ăn việc làm ổn định, mẹ và anh chị đều làm nông thì dư giả gì mà hỏi mượn.

Rồi một hôm, mẹ đón xe xuống viện thăm con gái. Mẹ nhét vào tay chồng tôi một cái túi vải nhỏ, mở ra thấy năm chỉ vàng sáng bóng, tôi nghẹn ngào nói con chẳng lo được gì mà chỉ giỏi báo mẹ. Mẹ nói đừng nghĩ ngợi, mẹ cho mượn, mạnh mẽ rồi làm gửi lại mẹ sau.

Sau đó, tôi phải chuyển viện nhưng chồng chẳng thể nghỉ việc được nên mẹ đi cùng. Mấy tháng đồng hành cùng con hết bệnh viện này đến bệnh viện kia, mẹ lo cho con từng li từng tí nhưng không ăn cơm tiệm bao giờ. Tới bữa, mẹ mua cơm cho con và đi xin cơm từ thiện cho mình. Tôi xót lòng, nằng nặc bảo mẹ phải ăn uống đàng hoàng thì mẹ bảo trong cơn nguy khó, phải dành tiền để chữa bệnh, cơm từ thiện cũng rất ngon.

Bữa cơm nào mẹ cũng đút nhét nhưng tôi cũng chỉ ăn được vài thìa. Mẹ ăn cơm thừa của con rồi than thở: nuôi bệnh bây thét chắc mẹ lên cân, ăn uống thỏm thẻm như mèo biết chừng nào khỏi bệnh... Tôi “khó chịu” gắt: Mẹ đừng ăn nữa, con gái lớn rồi, không còn con nít con nôi gì nữa mà mẹ phải ăn đồ mứa. Mẹ xua tay: Có bà mẹ nào chẳng ăn cơm thừa của con, với lại của đâu của bỏ…

Đêm tôi đau nhức mà trăn trở đến vật vã. Mẹ bảo, đã làm mẹ rồi thì phải nghĩ tới con mà mau mau khỏi bệnh. Nửa đêm mà mỗi lần con gái cựa là mẹ cũng dậy, xoa bóp, tẩm nắn toàn thân.

Chao ôi, khi đôi tay xương xương và những vết sần trên tay mẹ chạm vào lớp da mềm mịn, dù cơn đau đã êm hơn nhưng trong tôi vẫn cảm thấy khó chịu quá chừng. Chỉ mong mình mau khỏe mạnh để còn lo “trả nợ” cho mẹ… 

Truyện ngắn: Nguyễn Thị Bích Nhàn

Tin cùng chuyên mục