Học tập để thích ứng và phát triển
Trong bài viết “Học tập suốt đời” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 2/3/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Học tập suốt đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung, để trở thành người có ích cho xã hội”. Học tập suốt đời như một yêu cầu cấp thiết đối với mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là cán bộ, đảng viên. Quan điểm này không chỉ thể hiện sự nhạy bén, tầm nhìn chiến lược của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, mà còn là lời hiệu triệu toàn dân cùng chung tay xây dựng một xã hội học tập, một đất nước phát triển bền vững.
Lớp học Tiếng Anh của những người trung niên thành phố Tuyên Quang.
Tại Tuyên Quang, tinh thần học tập suốt đời đã và đang được lan tỏa mạnh mẽ. Hệ thống giáo dục các cấp từ mầm non đến đại học không ngừng được đầu tư, nâng cao chất lượng. Phong trào khuyến học, khuyến tài được đẩy mạnh, khơi dậy tinh thần hiếu học trong cộng đồng. Nhiều tấm gương tự học tiêu biểu đã xuất hiện, từ những người nông dân, công nhân lao động đến cán bộ, đảng viên trên các lĩnh vực. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong học tập, lao động, công tác cũng được chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tiếp cận tri thức và nâng cao năng lực bản thân.
Vừa tham gia lớp tập huấn về sử dụng nền tảng xã hội để bán hàng, chị Trần Thị Thanh, nông dân ở xã Hoàng Khai (Yên Sơn) cho biết: “Mình có tuổi rồi, trước kia cứ nghĩ dùng điện thoại thông minh, sử dụng Internet, mạng xã hội là rất khó nhưng càng học mình càng thấy nếu không học thì mình sẽ bị tụt hậu. Lên mạng xem nông dân các nước họ ứng dụng khoa học kỹ thuật và sử dụng máy móc, sử dụng Internet, mạng xã hội đã phát triển sản phẩm nông nghiệp đem lại giá trị rất cao. Gia đình mình có vườn bưởi và nhiều sản phẩm chăn nuôi do đó biết tận dụng mạng xã hội để giới thiệu và bán các mặt hàng này sẽ rất hiệu quả”.
Hoàn thiện hệ thống giáo dục các bậc học
Hiện nay, hệ thống giáo dục của tỉnh đã hoàn thiện từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học không ngừng được mở rộng và nâng cao chất lượng, đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận giáo dục. Các trung tâm học tập cộng đồng, thư viện đang từng bước được đầu tư, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân.
Cùng với đó, phong trào khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội trên địa bàn tỉnh đã được đẩy mạnh, tạo động lực cho học sinh, sinh viên và người lao động không ngừng học tập, sáng tạo. Theo đánh giá của Hội Khuyến học tỉnh, phong trào xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập được nhân rộng; truyền thống hiếu học tiếp tục được khơi dậy và phát huy. Các cấp hội đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp các tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, tạo được mối liên hệ gắn bó giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục học sinh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 185.471 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, 714 dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”, 1.726 cộng đồng đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập” và 619 đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”...
Vượt qua rào cản, kiến tạo tương lai
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chủ trương học tập suốt đời vẫn còn một số hạn chế. Việc đào tạo, bồi dưỡng đôi khi còn chạy theo số lượng mà chưa thực sự chú trọng tới chất lượng. Tinh thần tự học, tự nghiên cứu của một bộ phận cán bộ, đảng viên, người lao động chưa cao. Vẫn còn tình trạng học theo phong trào, sính bằng cấp mà chưa thực sự căn cứ vào đòi hỏi thực tiễn. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Tình trạng học giả, bằng giả vẫn còn tồn tại, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của hệ thống giáo dục. Một số cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự coi trọng việc tự học, tự nghiên cứu. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.
Học sinh thành phố Tuyên Quang tìm mua sách tham khảo tại Siêu thị Sách và Thiết bị trường học Tuyên Quang.
Để thúc đẩy học tập suốt đời, cần có sự chung tay của toàn xã hội, từ mỗi cá nhân đến các cấp ủy, tổ chức chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp và ngành giáo dục và đào tạo. Mỗi cá nhân cần xây dựng ý thức tự học, tự nghiên cứu suốt đời, chủ động tìm kiếm cơ hội học tập, nâng cao kiến thức và kỹ năng, ứng dụng công nghệ thông tin vào học tập và làm việc. Các cấp ủy, tổ chức chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp cần tạo môi trường học tập thuận lợi cho cán bộ, đảng viên và người lao động, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng thiết thực, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, khuyến khích, động viên tinh thần tự học, tự nghiên cứu. Ngành giáo dục và đào tạo cần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu của xã hội, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và học tập, xây dựng các chương trình học tập linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của người học.
Việc học tập suốt đời là con đường tất yếu để mỗi cá nhân và cả dân tộc phát triển trong thời đại 4.0. Vì vậy, từ mỗi người dân, mỗi gia đình hãy cùng nhau chung tay xây dựng một xã hội học tập để góp phần nâng cao dân trí, kiến thức để phục vụ công việc cũng như sự phát triển của quê hương, đất nước.
Gửi phản hồi
In bài viết