Phim ảnh đem lại cảm hứng du lịch
Phát triển du lịch qua phim ảnh là câu chuyện không mới. Trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia có nền phim ảnh phát triển, thu hút du khách, mang lại lợi ích cho đất nước qua những bộ phim đã là câu chuyện của 1 - 2 thập kỷ. Điển hình như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Pháp… Các quốc gia này đều có những chiến lược dài hơi trong lĩnh vực phim ảnh để quảng bá hình ảnh đất nước một cách bài bản nhất để từ đó kích cầu du lịch.
Tại Việt Nam từ nhiều năm về trước đã xuất hiện những “cơn sốt” du lịch sau thành công của các tác phẩm phim ảnh. Có thể kể tới phim “Người tình” và “Đông Dương” của điện ảnh Pháp. 2 bộ phim này được quay tại Việt Nam từ năm 1992. Ngay sau khi phim ra mắt, hiệu ứng phong cảnh đẹp trong phim đã tạo một làn sóng khách du lịch tới Vịnh Hạ Long, TP. Hồ Chí Minh và miền Tây Nam Bộ. Và hiện tại vẫn có những tour du lịch được thiết kế theo hành trình của những nhân vật trong phim tại Việt Nam.
Còn nhiều minh chứng cho thấy sự “kích cầu du lịch” từ các tác phẩm phim ảnh. Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ đã gây dựng nên thương hiệu “xứ sở hoa vàng cỏ xanh” cho mảnh đất Phú Yên. Nơi đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước dẫu bộ phim ra mắt đã khá lâu.
Bộ phim “bom tấn” “Kong: Skull Island” của Hollywood sử dụng cảnh quay tại Ninh Bình, Quảng Bình và Hạ Long đã khiến ngành du lịch phim ảnh Việt Nam có được bước tiến đáng kể. “Làng thổ dân” trong phim đã được tái hiện và thu hút lượng lớn khách du lịch tại Tràng An (Ninh Bình). Hay như các phim “Người Mỹ trầm lặng”, “Chuyện của Pao”, “Mắt biếc”... cũng tạo nên cơn sốt với du khách tại các điểm từng là bối cảnh trong phim.
“Rộng cửa” chào đón các nhà đầu tư
Với tầm nhìn mới, Tuyên Quang luôn xác định phim ảnh không chỉ là một trong những ngành công nghiệp văn hóa có ưu thế, mà còn góp phần quan trọng trong quảng bá, lan tỏa giá trị di sản văn hóa, du lịch hữu hiệu đến bạn bè trong nước, quốc tế. Đồng chí Ma Thị Thao, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ, từ năm 2022 đến nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động, tích cực tham mưu UBND tỉnh tổ chức các chương trình, sự kiện nhằm kết nối các doanh nghiệp phim ảnh, các đạo diễn, nhà sản xuất phim, doanh nghiệp du lịch, các đơn vị quản lý nhà nước, lãnh đạo địa phương gặp gỡ, thảo luận, chia sẻ, trao đổi chuyên sâu về việc liên kết phát triển văn hóa, du lịch thông qua phim ảnh. Điển hình như: Chương trình “Phim ảnh kết nối di sản và du lịch xứ Tuyên” năm 2023, Chương trình xúc tiến phát triển “Điện ảnh với du lịch Tuyên Quang” năm 2024 và Hội thảo “Điện ảnh, Du lịch - kết nối vươn xa” năm 2024…
Bối cảnh bộ phim truyền hình Đi về miền huyền thoại được thực hiện tại vườn hoa Lê, xã Hồng Thái (Na Hang).
Các sự kiện có sự tham gia của Cục điện ảnh; Hội Điện ảnh Việt Nam; Viện phim Việt Nam; Hiệp hội xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam; Cục Du lịch quốc gia; Viện phát triển du lịch Châu Á, các đạo diễn, nhà biên kịch, nhà sản xuất phim, các chuyên gia điện ảnh trong nước, quốc tế như Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ…
Tại các cuộc hội thảo, diễn đàn, Tuyên Quang luôn thể hiện sự nhiệt tình mời gọi, “rộng cửa” chào đón các nhà đầu tư phim ảnh. Phát biểu tại chương trình Hội thảo “Điện ảnh, du lịch - kết nối vươn xa” năm 2024, đồng chí Hoàng Việt Phương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh cam kết sẽ đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các Doanh nghiệp, Nhà sản xuất phim, đến đầu tư các dự án phát triển văn hóa, du lịch… trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, các sự kiện điện ảnh của tỉnh tạo ra những hiệu ứng tích cực, dần thu hút các nhà đầu tư, nhà làm phim đến với Tuyên Quang. Điển hình như: Hãng phim Thế giới mới HN đã hoàn thành sản xuất phim truyện truyền hình “Đi về miền huyền thoại” của đạo diễn Triệu Tuấn; Công ty cổ phần phim Thiên Ngân hoàn thành phim truyện “Thám tử Kiên” (Đạo diễn Victo Vũ) với bối cảnh quay chính tại Na Hang, Lâm Bình. “Thám tử Kiên” là bộ phim được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, dự kiến ra mắt vào cuối tháng 4 này.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Sản xuất phim và giải trí Tứ Vân Pictures tiến hành khảo sát bối cảnh, chuẩn bị các điều kiện quay bộ phim lịch sử “Anh hùng”; Hãng phim tư nhân Đỗ Gia (Dofilm): khảo sát, đề xuất thực hiện Dự án đầu tư Phim trường - Du lịch - Thể thao Tuyên Quang tại Lâm Bình; Doanh nhân Nguyễn Duy Cương đầu tư dự án Du lịch và tài trợ thực hiện mô hình Chim phượng hoàng giáng phúc.
Thời gian qua, tỉnh cũng đã liên hệ kết nối với Beta Group đến khảo sát, đề xuất đầu tư xây dựng Rạp chiếu phim tại tỉnh. Đặc biệt, mới đây, Công ty cổ phần Beta Media mong muốn được khảo sát và đề xuất đầu tư dự án rạp chiếu phim Beta Cinemas tại TP Tuyên Quang với vốn đầu tư dự kiến 40 tỷ đồng; Công ty TNHH Hãng phim tư nhân Đỗ Gia đề xuất với tỉnh xây dựng dự án Phim trường - Du lịch - Thể thao Tuyên Quang, tại hồ Bản Cài và đảo khu vực thác Khuổi Nhi (Lâm Bình).
Tại buổi ra mắt phim “Đi về miền huyền thoại”, đạo diễn Triệu Tuấn chia sẻ, Tuyên Quang “Nơi vẻ đẹp hội tụ” có rất nhiều tiềm năng để quảng bá du lịch thông qua phim ảnh. Vẻ đẹp nơi đây cũng chính là lý do khiến đoàn phim Công ty TNHH Hãng phim Thế giới mới HN lựa chọn làm bối cảnh chính. Bên cạnh đó, chính quyền, địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện để đoàn thực hiện nhanh chóng dự án.
Để Tuyên Quang “lên sóng” nhiều hơn
Với những nỗ lực của tỉnh, năm 2024 Tuyên Quang đạt Top 10 địa phương có chỉ số thu hút nhà làm phim (PAI) cao trong cả nước do Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam tổ chức. Tại các cuộc tọa đàm, hội thảo, các nhà đầu tư, đạo diễn phim đều có chung ý kiến, Tuyên Quang chưa có nhiều dấu ấn trong lĩnh vực phim ảnh cần có những bứt phá mạnh mẽ để các nhà đầu tư “có nguồn cảm hứng” đến với Tuyên Quang.
Các nhà sản xuất phim, đạo diễn, biên kịch, diễn viên tiến hành khảo sát vùng lòng hồ sinh thái Lâm Bình. Ảnh: Quang hòa
Chia sẻ về khó khăn phát triển phim ảnh, đồng chí Ma Thị Thao, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ, là một tỉnh miền núi, kinh tế - xã hội còn khó khăn, các dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, dịch vụ văn hóa như Rạp chiếu phim còn thiếu và yếu chưa đáp ứng được các điều kiện phục vụ tổ chức đăng cai các sự kiện điện ảnh như Liên hoan phim khu vực, Liên hoan phim quốc tế, tổ chức tuần phim Việt Nam… Hoạt động phim ảnh của tỉnh mới ở giai đoạn đầu khởi sắc, tỉnh chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư, nhà làm phim đến với địa phương.
Thực tế, phim ảnh mới chỉ “chạm ngõ” Tuyên Quang. Trong khi so với Bình Định, tỉnh có nhiều biện pháp, từ việc đơn giản hóa thủ tục hành chính đến hỗ trợ các đoàn làm phim tham gia tác nghiệp, nhất là chính sách thu hút các nhà đầu tư lớn nghiên cứu, xây dựng phim trường chuyên nghiệp bên cạnh phim trường tự nhiên để khai thác bền vững thế mạnh này. Tỉnh Hà Giang cũng đang áp dụng Bộ Chỉ số thu hút đoàn làm phim (PAI) bao gồm việc cung cấp thông tin chi tiết về địa phương, cảnh quay, địa điểm, cũng như hỗ trợ sản xuất, tư vấn về các thủ tục pháp lý và giới thiệu các nguồn tài trợ, chương trình hỗ trợ tài chính…
Tại Hội thảo “Điện ảnh, du lịch kết nối vươn xa” năm 2024 do UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội thảo, bàn về “Giải pháp hợp tác, xúc tiến phát triển điện ảnh, du lịch tỉnh Tuyên Quang”, các chuyên gia chỉ ra rằng, trước hết, bộ phim cần có yêu cầu về bối cảnh một cách tự nhiên mới có thể phối hợp chọn cảnh tại địa phương. Vì vậy, nó xuất phát từ các nhà biên kịch, nhà làm phim. Sau đó, nếu chính sách hỗ trợ thực sự hấp dẫn, các nhà sản xuất và nhà làm phim hoàn toàn có thể điều chỉnh kịch bản để bộ phim có thể quay tại địa phương. Nếu có chính sách hỗ trợ cả về tài chính, thuế, lưu trú, các nhà sản xuất chắc chắn sẽ tìm cách quay tại các địa phương nhiều hơn.
Do đó theo ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam thì Tuyên Quang cần sớm ban hành cơ chế chính sách đặc biệt để thu hút các nhà đầu tư điện ảnh. Cần thông thoáng về cơ chế, hỗ trợ tối đa cho điện ảnh để các đoàn làm phim vào nhanh nhất. Bên cạnh đó, ta cần thực hiện số hóa du lịch, phim ảnh bằng việc xây dựng cổng thông tin tập trung hỗ trợ đa ngôn ngữ và minh bạch giúp các đoàn làm phim trong nước, quốc tế được tiếp cận những thông tin mới nhất và bối cảnh đẹp tại địa phương.
Cái bắt tay giữa phim ảnh và du lịch là sự kết nối bền vững, hợp thời đại và xu thế. Tiềm năng, cơ hội phát triển du lịch và phim ảnh tại Tuyên Quang là khá lớn. Do đó chính quyền, địa phương, ngành văn hóa cần có bước đi, giải pháp căn cơ để tạo động lực cho các nhà đầu tư, đạo diễn phim lựa chọn Tuyên Quang làm điểm đến. Từ đó, hình ảnh con người, quê hương, bản sắc văn hóa xứ Tuyên được quảng bá rộng khắp.
Gửi phản hồi
In bài viết