Miền lắng sâu ký ức về Hà Nội

- 51 tản văn vừa vặn trong cuốn sách mới xuất bản mang tên “Những cuộc trà trên căn gác cũ” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2024) của nhà báo Trần Nhật Minh đưa độc giả chạm vào vùng ký ức về Hà Nội, về những nhân vật đáng nhớ, những câu chuyện đậm sâu tình người, tình đời.

Là người làm báo nhiều kinh nghiệm và tinh tế, mỗi tản văn viết về chân dung nhân vật, nhà báo Trần Nhật Minh tìm đến cách viết cô đọng, là một lát cắt rõ nét, chắt lọc về nhân vật mà anh tiếp xúc, chứng kiến. Những trang sách hé mở gương mặt các nhà thơ mà chúng ta thấy ở không gian khác, chiều kích khác để soi chiếu. Đó là chân dung nhà thơ Trần Mạnh Thường - nguyên Trưởng ban Văn học nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam - người mà cả cuộc đời dành cho Đài tình yêu và trách nhiệm, luôn cẩn trọng và kỹ lưỡng từng chương trình phát sóng.

Đó là nhà thơ Lê Đình Cánh mà tác giả gọi là “người đôn hậu”, người đặc biệt giữ vai trò biên tập mảng văn học thiếu nhi có nghề và mỗi chương trình của ông đều có sắc thái riêng, ấn tượng sâu sắc. Viết về họ - những người một thời gắn bó với làn sóng phát thanh bằng một tình yêu say mê và nghiêm cẩn, thận trọng, tác giả thể hiện bằng giọng văn trang trọng, yêu kính.

Đó cũng là một cách bày tỏ sự tôn trọng, quý mến đối với những thế hệ trước, là những bài học quý cho các thế hệ nối theo sau. Hà Nội đẹp, sâu lắng và nên thơ qua trang văn của Trần Nhật Minh bởi đã chạm đến vùng ký ức cũ xưa, khi đó Hà Nội nghèo hơn nhưng thênh thang phố xá, phủ đầy cây xanh, phủ đầy tiếng nhạc lời thơ.

Hà Nội còn ẩn chứa những con ngõ hẻm trong lòng phố “nhiều ngõ ngách nhỏ tí hin, xe đi thường phải nhường nhịn tránh nhau, người ở hai nhà đối diện như có thể bắt được tay qua ô cửa, tối lửa tắt đèn mua láng giềng gần. Có ngõ, quán hàng nhộn nhịp, đông vui, lại có hẻm vắng toe, im ắng nghe rõ cả tiếng ngáy trưa ông cụ nằm võng bờ hiên” (Lòng con ngõ nhỏ). Đó là sự hiện hữu của một thời bao cấp đã xa “những đồ đạc ám màu ký ức kể về một thời tem phiếu bao cấp. Đống nồi niêu xoong chảo xủng xoảng gợi nhớ căn bếp hăng hắc bồ hóng. Mấy cái nồi, cái chảo có từ hồi về làm dâu trên căn gác khi phố cổ những năm 60 thế kỷ trước, mẹ giữ như vật quý” (Thời “tóp mỡ”).

Những câu văn nằng nặng, vương vất kỷ niệm khó mờ phai, nó khiến người đọc phải nhớ, nghĩ ngợi và trắc ẩn bởi những điều đã cũ, đã xa. Những hình ảnh quá vãng đồng hiện trong trí nhớ tác giả về căn gác cũ, về người thân, một âm vang thao thiết bởi “phía sau là dằng dặc những buổi chiều lạnh lắm, khi bờ tường rêu in bóng mẹ thập thững đi về, ngọn đèn lát sẽ được thắp lên, khe khẽ sáng một vùng ấm bình an”.

Nhiều câu chuyện được kể lại một cách dung dị, nhẩn nha, chậm rãi, không hẳn buồn mà vương vấn sợi tình mỏng manh, đó là thước phim quay chậm đồng hiện những bối cảnh cũ xưa, những con người quen thân với kỷ niệm buồn vui, yêu ghét. Là người làm báo nhiều kinh nghiệm và tinh tế, nhà báo Trần Nhật Minh tìm đến cách viết cô đọng, một lát cắt rõ nét, chắt lọc về nhân vật mà anh tiếp xúc, chứng kiến, những góc nhìn đậm nét về Hà Nội thời bao cấp mà tuổi thơ tác giả trải qua, vì thế mà gợi nỗi xúc động khó tả đối với những ai đã từng sống và gắn bó với Hà Nội những năm tháng ấy. Trang sách hé mở không gian và thời gian, con người và cảnh vật Hà Nội thật xưa và thật gần, đầy yêu mến.

Đọc “Những cuộc trà trên căn gác cũ” để cảm nhận những vỉa tầng tâm hồn đa mang, đa sầu của tác giả, đó là miền lắng sâu của ký ức dội về, dâng lên từng lớp sóng yêu thương... 

Vân Khánh

Tin cùng chuyên mục