Một tư liệu quý

- Tháng 6 vừa qua Nhà văn Phù Ninh, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mới ra đầu sách mới mang tên “700 năm danh xưng Tuyên Quang”. Sách do Nhà Xuất bản Công an Nhân dân phát hành, dày 200 trang.

Ở cái tuổi 82 Nhà văn Phù Ninh đã chắt lọc những thứ tinh túy nhất của Tuyên Quang để đưa vào sách. Quê ông ở Phù Ninh (Phú Thọ), nhưng Tuyên Quang lại nơi ông sống và lập nghiệp. Trong thời gian công tác, ông say mê nghiên cứu lịch sử, văn hóa, các sự kiện tiêu biểu của Tuyên Quang, như một kho tàng để lưu trữ cho hậu thế. 

Tôi đã đọc các tiểu thuyết dài của ông, nhưng càng tuổi cao có lẽ ông thích viết càng ngắn, càng cô đọng, tập sách 700 năm danh xưng Tuyên Quang là một ví dụ điển hình. Sách dày có 200 trang, mà có đến 180 bài viết nhỏ độc lập nằm trong 3 chương: Chương “Non sông diễm lệ” ông khái quát về địa lý tự nhiên của tỉnh Tuyên Quang.

Sách 700 năm danh xưng Tuyên Quang của Nhà văn Phù Ninh.
 

Như danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình, kỳ thú thác Pác Ban, Pác Tạ biểu tượng của Na Hang, Hồng Thái thu hút du khách, Tiểu cao nguyên Phiêng Bung, Khu bảo tồn Cham Chu, thắng cảnh thác Bản Ba, Động Tiên, hang Thẳm Vài, quần thể núi đá Thiện Kế. Độc giả chỉ cần lướt qua các bài viết đã rút ra được những ý chính. Như nói Tuyên Quang 70% diện tích là núi đồi, ông cho độc giả biết ngay dãy núi cao nhất của Tuyên Quang là dãy Cham Chu (Hàm Yên) cao 1.587 m.

Ở thời đại bùng nổ thông tin mạng xã hội, chuyển đổi số, việc đọc sách cũng bị ảnh hưởng. Nhiều người có xu hướng thích đọc sách ngắn mà thu lượm được càng nhiều thông tin bổ ích càng tốt. Phóng viên Trang Tâm, Báo Tuyên Quang cho biết, chị cũng mua cho mình một cuốn. Theo chị, đọc 700 năm danh xưng Tuyên Quang như một cuốn sách lịch sử, văn hóa thu nhỏ. Người đọc sách sẽ nắm chắc những nét cơ bản về tỉnh Tuyên Quang, để từ đó có cái nhìn bao quát, chi tiết, giúp hình dung và triển khai vấn đề tốt. Cuốn sách rất tốt cho cả nhà quản lý, người nghiên cứu, lẫn khách du lịch. Những người muốn biết nhiều hơn, sâu hơn về Tuyên Quang.

Ở chương “Bề dày lịch sử”, Nhà văn Phù Ninh có hàng loạt bài viết nhỏ về lĩnh vực này. Tiêu biểu như: Tuyên Quang nơi hội tụ nhiều dân tộc, dấu tích xưa nhất của người nguyên thủy, Tuyên Quang thời nhà Hán cai trị, Nữ tướng Tuyên Quang trong khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Châu Vị Long thời nhà Đinh, Chính sách đối với miền núi của nhà Lý, Vua Lý gả công chúa cho Hà Di Khánh, Di tích Phật giáo cổ nhất ở Tuyên Quang, Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, Danh xưng Tuyên Quang, Thân thế Trần Nhật Duật… Ông Trần Dũng, một độc giả ở phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho rằng, ông đã tìm thấy tư liệu danh xưng Tuyên Quang trong cuốn sách của nhà văn Phù Ninh.

Sách viết “Đầu thời Trần, châu Tuyên Quang thuộc lộ Quốc Oai”. Song trước nguy cơ quân Mông - Nguyên xâm lược, triều đình cử Trần Nhật Duật trấn thủ Tuyên Quang thì từ đây địa phương này không cọc thuộc lộ Quốc Oai nữa. Cũng sách Đại Việt sử ký toàn thư xác định Tuyên Quang là trấn “Ông (Trần Nhật Duật) là bậc thân vương tôn quý, làm quan trải bốn triều, ba lần coi giữ trấn lớn”. Theo đó, Tuyên Quang không những đã là trấn mà còn là “chấn lớn”. Căn cứ tài liệu này thì danh xưng Tuyên Quang xuất hiện sớm nhất là trước năm 1285, cách ngày nay 700 năm.

Chương “Văn hóa đa sắc màu” có các bài viết: Lễ hội Lồng tông, Tranh thờ dân tộc Cao Lan, Lễ hội Động Tiên, Lễ ăn thề dân tộc Mông, Lễ Cấp sắc người Dao, Tục ma chay của người Cao Lan, Tết nhảy, Nghi lễ Then, Soọng cô của dân tộc Sán Dìu, Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn… như đưa độc giả vào thế giới thần tiên, cổ tích. Ở đó các nghi lễ thờ cúng, phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa được tác giả chắt lọc từ 22 dân tộc anh em sống trên địa bàn. Là người từng quản lý, nghiên cứu về văn hóa, Nhà văn Phù Ninh tóm được những cái “hồn cốt” nhất của Tuyên Quang để đưa vào sách.

Có thể nói sách 700 năm danh xưng Tuyên Quang là một cuốn sách khá lạ và quý. Sách dễ đọc, dễ hiểu, dễ ghi nhớ và nên có.

Quang Hoà

Tin cùng chuyên mục