Địu con đi nhà trẻ

- “... Cả đồng lúa cả nương đồi... cả trời cao với tầng mây trắng... là của con đấy, con ơi!”.
Bài hát “Địu con đi nhà trẻ” của nhạc sĩ Đào Ngọc Dung viết năm 60 của thế kỷ XX, sau một chuyến đi công tác vùng Tây Bắc. Bài hát thân quen ấy đã từng vang lên trên nhiều nẻo đường và trở thành bài hát thân thuộc một thuở.


Tôi cũng đã từng được lớn lên trên lưng địu và trong lời bài hát “Địu con đi nhà trẻ” của mẹ. Và sau này, các con tôi cũng lại được ngủ ấm trên lưng địu và lời hát thân thương ấy. “Địu con đi nhà trẻ” đã nằm trong góc thẳm sâu của tôi, và có thể của các con tôi.

Trong những ngày cả nước thổn thức về những mất mát thương đau của thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Thắng, Lào Cai), bất chợt lời ca da diết “Con thương ơi, con con quý ơi, mẹ địu con đi nhà gửi trẻ...” của ca sĩ Lan Anh trong ca khúc vốn đằm sâu trong ký ức tâm hồn ấy vang lên, gieo trong tôi nỗi nghẹn ngào khôn tả.

Trong nắng sớm mai còn ngậm sương, tiếng hát ngọt ngào, dịu dàng, yêu thương của người mẹ vùng cao địu con đi nhà gửi trẻ cất lên “Con thương ơi, con quý ơi…”. “Con thương, con quý” là lời yêu thương, là cách nựng con tự nhiên, rất đặc trưng, vốn dĩ của các bà mẹ miền núi. Tiết tấu của bài hát lên bổng xuống trầm theo bước chân và nhịp vỗ về từ bàn tay ấm áp của mẹ quàng sau lưng. Lời thương, lời quý ấy quyện trong từng âm tiết và giai điệu của cả bài hát. Ca từ dung dị, có tính chất tự sự đã dệt lên bức họa bằng thổ cẩm hình ảnh em bé ngủ ngoan trên lưng địu màu chàm, với họa tiết có sắc thắm hoa rừng. Bức họa ấy mang tính biểu tượng của tình mẫu tử, đậm nét văn hóa vùng cao. Biết bao em bé đã từng lớn lên từ lưng địu thấm mồ hôi, quyện mùi hương của mẹ như thế!  

Nhà trẻ đó trên cao này,
Bốn phương trời gửi gió hương bay.
Trông dòng suối, trông bản làng,
Nắng tươi vàng trải nương lúa vàng.

Lời ca vút cao, thêm một quãng, da diết yêu thương. Đó là lời kể náo nức của mẹ về nhà trẻ của bé, như muôn vàn lớp học vùng cao. Nhỏ xinh, yên bình giữa không gian bát ngát của hương gió, của sắc vàng nắng và lúa, của tiếng suối nhạc róc rách cùng những nếp nhà sàn xinh xắn của bản làng.

Cứ thế, mỗi bước chân, là lời dặn dò con chơi ngoan, cho mẹ yên tâm sản xuất. Đồng thời, cũng là lời mẹ tự nhủ, gắng làm việc bằng hai:

Con thương ơi, con quý ơi,
Nhà trẻ đó con nằm con chơi.
Mẹ đi nương, cấy lúa nương,
Trồng khoai sắn ấm no bản mường.
Mẹ cuốc xới, mẹ vun trồng,
Gắng đêm ngày làm việc bằng hai.

Tiết tấu chậm, da diết bỗng chuyển nhanh, dồn dập, reo vui, tươi sáng như khát vọng, mong ước và lời khẳng định của mẹ với điệp ngữ “Của con đấy con ơi” trong điệp khúc:

Của con đấy con ơi, cả đồng lúa cả nương đồi,
Cả bốn năm phương trời, cả ngày mai cả cuộc đời.
Của con đấy con ơi, cả trời cao với tầng mây trắng,
Cả núi non cả rừng, cả dòng suối hát reo mừng,
Cả núi rừng dòng suối là của con đấy con ơi.

Bài hát “Địu con đi nhà trẻ” đã từng vang lên trên loa phát thanh nhiều nẻo đường, từ miền xuôi tới miền ngược, thập kỷ 60, 70, 80, 90 của thế kỷ XX. Và đã trở thành một trong những bài hát một thời, một thuở. Hôm nay, sau khi cuồng bão Yagi đi qua gần chục ngày, bỗng nhiên tôi nghe lại những lời hát yêu thương ấy qua giọng ca ngọt ngào, dịu dàng, da diết của ca sĩ Lan Anh. Hơn cả gợi nhớ ký ức thuở nào, là một cảm xúc như thiết như tha, khi liên tưởng đến hình ảnh các bé còn trên lưng địu của mẹ thôn Làng Nủ đã mãi mãi ra đi, sau đêm sạt lở kinh hoàng.

Ngôi làng xinh xắn, bình yên, rộn rã tiếng nô đùa trẻ nhỏ trong thung lũng ấy, giờ chỉ còn là không gian hoang lạnh những bùn và đất. Giờ đây, có những em bé tuổi còn trên lưng địu đã hóa thành thiên sứ bay về miền mây trắng. Nhưng “cả đồng lúa cả nương đồi... cả trời cao với tầng mây trắng, cả núi non, cả rừng, cả dòng suối hát reo mừng”, và cả yêu thương của nhân gian kiếp này mãi mãi là của con đấy, con ơi!.

PGS.TS Phạm Phương Thái
Đại học Khoa học Thái Nguyên

Tin cùng chuyên mục