Anh được sinh ra tại thị xã Tuyên Quang sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954. Từ nhỏ mọi người quen gọi thân mật cái tên Quang (tắt từ Tuyên Quang). Bố mẹ anh từ Nam Định lên Chiến khu Việt Bắc từ năm 1948. Cả tuổi thơ đến khi nhập ngũ anh gắn bó với Xứ Tuyên, khi cùng gia đình ở các huyện Yên Bình (trước năm 1956, huyện Yên Bình thuộc tỉnh Tuyên Quang), huyện Hàm Yên, Yên Sơn và lâu nhất là Khu phố Xuân Hòa, Thị xã Tuyên Quang.
Minh họa: Bích Ngọc.
Tròn 18 tuổi, năm 1971, anh nộp đơn tình nguyện đi bộ đội. Đợt tuyển quân dịp 19/5 nhân ngày sinh nhật chủ tịch Hồ Chí Minh, anh được gọi nhập ngũ vào đơn vị bộ đội thuộc Tiểu đoàn Bình Ca 5. Cùng đợt với anh có khá nhiều lính trẻ đồng hương Tuyên Quang cùng trang lứa hoặc hơn tuổi ít nhiều. Có người từ các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương và dân thị xã. Cũng có một số từ các tỉnh lân cận như Yên Bình Yên Bái, Đoan Hùng Phú Thọ… rất gần gũi với cái tên Bình Ca và dòng sông Lô… Từ đó và đến cả những năm 72 - 75 trong chiến trường miền Nam gian lao anh dũng, gặp nhau bất kỳ ai cũng tay bắt mặt mừng hô to “đồng hương Tuyên Quang đây”.
Sau 6 tháng huấn luyện quân ngũ tại Phú Bình Thái Nguyên, Tiểu đoàn Bình Ca 5 chuyển ghép vào các đơn vị của Sư đoàn 304B. Tháng 12/1971, trong cái rét Thái Nguyên thấm da thấm thịt, đơn vị được xe nhà binh chở tới Ga Đồng Quang, lên tàu hỏa từ Thái Nguyên xuyên đêm vào ga Đồng Hới, Quảng Bình. Rời Ga Đồng Hới, hành quân bộ đến làng Cự Nẫm, xe quân đội chở đi tiếp đến Binh trạm 5 thuộc đất bạn Lào. Tập kết tại Binh trạm, chấn chỉnh đội ngũ rồi tiếp tục hành quân bộ dòng rã 3 tháng trời đến Ngã ba biên giới Việt - Lào - Campuchia. Từ đó, sau khi hội quân, chấn chỉnh quân ngũ, trang bị quân trang quân dụng, phiên chế các đơn vị để đi đến nhiều hướng, hoặc hướng mặt trận Quảng Trị, hoặc hướng mặt trân Tây Nguyên hay sang phía Tây đi Trung Lào, Nam Lào… Mặt trận nào đầu những năm bảy mươi đều vô cùng gian nan khốc liệt. Chiến sĩ Quang được điều về Trung đoàn 95, B3 hướng đi Tây Nguyên.
Chưa được chiến đấu ngày nào, trên đường hành quân đơn vị đã bị những trận B52 rải thảm, thám báo địch rình rập… Đau thương đầu tiên phải chứng kiến là một buổi chiều, một bộ phận vừa đi qua phía bên đồi, vượt qua một con suối thì một bộ phận phía sau trúng bom B52 rải thảm vùi lấp cả một vạt đồi rừng. Không biết có mấy anh em Tuyên Quang bị biến tăm biến dạng ở đó…
Đến một Binh trạm tại góc rừng săng lẻ, các chiến sĩ tạm dừng nghỉ. Chiến sĩ Quang cố sức đi đến Binh trạm trong cơn sốt rét âm ỉ và căng được tăng võng nằm thì cơn sốt rét li bì đến mức phải nằm liệt trong tăng không ngóc đầu dậy nổi. Trong lúc mê man, vô tình có ai đó mở võng nhìn vào và nghe giọng ai đó nói to: “- Ô hay! Có phải chú Quang em anh T. ở Tuyên Quang không ? Thôi đúng rồi ! Chú có nhận ra anh không ?”. Trong lơ mơ, Quang đã lờ mờ nhận ra người anh dân thị xã bạn với anh trai mình. Anh đỡ Quang dậy, lấy ra 3 viên thuốc sốt rét và mở bi đông nước đổ thuốc vào miệng Quang… Một lúc sau Quang tỉnh hơn, anh đã dìu chú lính trẻ vào Trạm y tế dã chiến gần đó “bàn giao” cho Binh trạm vì thấy Quang không thể đi ngay được. Đồng hương Tuyên Quang lại phải hành quân…
Hơn một tháng trời sau, người chiến sĩ trẻ mới hoàn hồn nhờ thuốc thang và sự chăm sóc tận tình của Binh trạm dã chiến. Ngay sau khi người khỏe lại làm được một số việc lặt vặt hậu cần, tải thương cho Binh trạm, chiến sĩ trẻ đã lên gặp Ban chỉ huy Binh trạm quyết xin bằng được ra mặt trận chiến đấu trực tiếp với giặc.
Về tiểu đội chiến đấu mới, Quang được ở bên một chiến sĩ khác cũng là người Tuyên Quang. 2 chiến sĩ trẻ đồng hương Tuyên Quang nằm sát bên nhau vài ngày chờ lệnh chiến đấu giải phóng vùng Bắc căn cứ 738. Một sáng, trước khi nhận lệnh chuẩn bị để đêm sung trận, không hiểu sao một chiến sĩ đồng hương Tuyên Quang cầm chặt tay Quang, bảo: “- Này Quang ơi! cậu cất giữ cái đồng hồ này!”. Quang rất ngạc nhiên nhìn chiếc đồng hồ hàng hiệu Seiko rất đẹp, có lẽ là tài sản có giá trị nhất trong tay người lính lúc bấy giờ, chắc không mấy ai có được. Quang từ chối không nỡ nhận. Nhưng anh lính đồng hương kia kiên quyết đặt chiếc đồng hồ vào tay Quang bảo giữ hộ… Quang đành nói với bạn “khi nào hết chiến tranh về nhà, tớ trả lại đấy”. Thật không ngờ, người chiến sĩ kia đã nằm lại chiến trường chỉ ít ngày sau đó…
Những trận chiến đầu tiên và liên tục nhiều ngày chiến sĩ Quang tham gia là giải phóng phía Bắc căn cứ 738 Tây Nguyên. Với dòng súng máy RPD băng tròn, tiểu đội của Quang đã nã vào địch những đòn chí mạng. Từ cảm giác ban đầu run sợ khi trên đầu chiu chíu tiếng đạn bay, pháo nổ gần… đến lúc “say thuốc súng”, Quang đã kéo hết 4 băng đạn…Một lần, tại chiến hào, Quang đã đau xót chứng kiến người đỡ đạn cho mình. Ấy là, khi Quang đang cầm súng bắn địch bên đồi đối diện thì một đồng đội lao tới bảo “đến lượt tôi” vào vị trí thay. Người đồng đội quê Thái Bình ấy vừa cầm súng thay, bắt đầu nhả đạn… Thì, bỗng nhiên khựng lại vì đạn địch xả vào vị trí đặt khẩu RPD và một viên đạn trúng vào trán anh ấy. Anh vật ngửa ra sau. Quang bật dậy từ chiến hào đỡ chiến sĩ khi thấy mắt anh vẫn mở trừng trừng nhưng không nói được một lời nào nữa… Quang vừa lôi vừa kéo anh xuống cạnh chiến hào rồi lồng lên ghì khẩu súng tiếp tục nhả đạn… Mãi về sau Quang không thể nào quên gương mặt người đồng đội đã giành vị trí chiến đấu từ Quang rồi như người “thế mạng” cho mình. Sau này ra quân, Quang đã lần tìm về quê lúa Thái Bình để thắp hương tri ân.
Trong một trận đánh khác ở Khu vực Bắc Tây Nguyên, bằng súng B40 Quang đã nã một phát cháy một xe tăng và một phát cháy xe M113…được công nhận “dũng sĩ diệt xe cơ giới”, được thưởng huân chương, được ghi công trong một trận diệt trên 5 tên giặc và được kết nạp vào Đảng.
Quang bị thương ở tay, ở sườn… nhưng nặng nhất là một viên đạn hay mảnh đạn pháo nhỏ nào đó sượt qua đầu và găm lại bên sọ não năm 1974…Vết thương đó cứ dai dẳng âm ỉ nhiều năm đến tận bây giờ…
Cùng với các đơn vị chủ lực và cả bộ đội địa phương ở Chiến trường Tây Nguyên kiên trung và anh dũng, Quang đã di chuyển về phía Nam Tây Nguyên theo chân Quân giải phóng. Đến Bình Thuận, tỉnh kết nghĩa với tỉnh Tuyên Quang còn gặp được một số anh em Tuyên Quang đang chiến đấu ở vùng Tánh Linh, Hàm Thuận…
Sau giải phóng, năm 1976, Quang được ra quân trở lại Tuyên Quang. Người thương binh bắt đầu bằng việc đi Trường học nghề ở Thái Nguyên rồi thành người công nhân - thợ cơ khí… Khi Biên giới phía Bắc vào tháng 2/1979 bị Trung Quốc đánh sang trong đó có vùng Biên giới tỉnh Hà Tuyên, Quang đã không ngần ngại tìm đến Thị đội Tuyên Quang xin tái ngũ để được ra trận. Vì là Cựu chiến binh - Thương binh nên nguyện vọng của Quang không được chấp nhận.
Anh đã tìm được hạnh phúc riêng cho mình trên chính vùng đất Xứ Tuyên với sự ra đời của một cu con khôi ngô lanh lợi năm 1980. Nỗi vui mừng khôn xiết khi đứa con đầu lòng ra đời lành lặn, không bị di chứng chất độc màu da cam đầy thương tâm như vài trường hợp bạn lính của anh cũng từng qua vùng địch thả chất dioxin.
Tới tuổi nghỉ chế độ, Quang rời Tuyên Quang vào miền Nam cùng gia đình bố mẹ, các anh chị em mình. Dù là thương binh không còn sống ở Tuyên Quang, hiện tuổi cao luôn được sự chăm sóc tận tình của vợ con anh em… Quang vẫn luôn nhớ về Xứ Tuyên, nhớ bạn đồng hương Tuyên Quang với Tiểu đoàn Bình Ca 5 và thường xuyên “liên lạc” chia ngọt xẻ bùi… Bao kỷ niệm còn đọng lại đầy lưu luyến như mới ngày hôm quan
Hà Nội, tháng 12/2024
Gửi phản hồi
In bài viết