Mối duyên với sân khấu múa
Chị sinh ra và lớn lên tại Hà Giang - vùng đất địa đầu của Tổ quốc. Ngày ấy, đường sá đi lại khó khăn, nhưng năm 1981, khi Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Việt Bắc) tuyển chọn học sinh năng khiếu tại tỉnh, chị vẫn đến đó xem. Thấy cô bé say sưa ngắm nhìn các anh chị lớn tuổi hơn nhảy múa, các thầy cô của trường đã đến hỏi chị có thích đi học múa không, chị Hương bẽn lẽn gật đầu.
Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Thị Thanh Hương.
Thời điểm đó, chị chưa đủ tuổi. Một năm sau gia đình nhận được giấy gọi chị đi nhập học tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc. Lúc này, bố mẹ chị vừa lo lắng, vừa không muốn cho con theo nghệ thuật vì sợ tương lai con vất vả và lúc đó vì chị cũng còn quá nhỏ (mới 10 tuổi), xa nhà không biết mọi sinh hoạt sẽ như thế nào. Nhưng thấy chị thích và quyết tâm, nên gia đình đồng ý.
Nhớ lại những năm tháng học tập tại trường, chị Thanh Hương tâm sự: Để trở thành một diễn viên múa chuyên nghiệp vất vả lắm, vì vừa học văn hóa, vừa học năng khiếu, trên người dường như lúc nào cũng đẫm mồ hôi. Những lúc bong gân, rỉ máu vì lăn lộn dưới sàn tập, người oải đến không bước nổi nhưng vẫn gượng dậy tiếp tục tập luyện. Rồi những lúc ốm đau không có người thân bên cạnh để chăm sóc.
Dường như chị sinh ra là để múa, những lần vấp ngã, những khó khăn không khiến chị chùn bước mà trái lại còn rèn giũa, tôi luyện đưa chị đến gần với đỉnh vinh quang.
Ngay khi tốt nghiệp chuyên ngành múa với tấm bằng loại giỏi năm 1989, chị là 1 trong 6 người trong lớp được chọn về công tác tại Đoàn Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc (nay là Nhà hát ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc). Nhưng sau đó vì chị lập gia đình, chồng chị công tác tại Tuyên Quang nên sau hơn 1 năm công tác tại Nhà hát chị đã chuyển về Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh. Trong điều kiện khó khăn chung của Đoàn thời điểm đó, ngoài việc đảm nhiệm vai múa chính, chị còn “gia nhập” tốp xung kích biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.
Bước ngoặt…
Mong muốn được cống hiến, phát triển nhiều hơn cho nghệ thuật, năm 2001 chị Thanh Hương lại quay trở lại công tác tại Nhà hát ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc. Vừa học vừa làm để nâng cao trình độ, từ 2006 - 2010 chị theo học lớp biên đạo múa Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Trong thời gian công tác tại nhà hát, chị thường xuyên được chọn đi biểu diễn phục vụ chương trình tại các nước Brunei, Italia, Trung Quốc, Malaysia… theo chương trình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Năm 2006, chị được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bổ nhiệm là Trưởng đoàn múa của nhà hát và đến đầu năm 2007, chị vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Tính đến thời điểm đó, chị là người thứ 3 của Nhà hát ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Tác phẩm múa “Dệt sắc xuân” của Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Thị Thanh Hương do chị làm biên đạo được biểu diễn tại Liên hoan múa quốc tế.
Ở mỗi vị trí khác nhau chị đều vận dụng những kiến thức đã được trang bị, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ là diễn viên múa và biên đạo cho các chương trình, lễ kỷ niệm trọng đại phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước. Chị Thanh Hương chia sẻ: “Được lao động, cống hiến trong môi trường mà những tài năng trẻ được thử sức, sáng tạo và thể hiện, tìm tòi để vượt qua giới hạn bản thân, đó là những đòn bẩy để tôi thỏa sức mình với múa nói riêng và nghệ thuật nói chung”.
33 năm trong nghề, Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Thị Thanh Hương tham gia nhiều liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc và biểu diễn các chương trình cấp quốc tế, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Những nỗ lực của chị và đồng nghiệp được đền đáp xứng đáng bằng các giải thưởng như: Trong các năm 1994, 1995, 1999, 2024 chị giành được 2 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc tại các hội diễn, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp.
Tiết mục múa "Giấc mơ chàng trai mông", tiết mục do nghệ sỹ Ưu tú Thanh Hương biên đạo, đoạt giải Khuyến khích tại Liên hoan múa quốc tế Ninh Bình năm 2017.
Dấu ấn đậm nét khẳng định năng lực cũng như khát khao cống hiến cho nghệ thuật của chị là dàn dựng thành công hàng chục chương trình nghệ thuật quy mô lớn, phục vụ các sự kiện chính trị - văn hóa - xã hội trọng đại, như: Liên hoan Quốc tế được tổ chức tại Ninh Bình với 2 tác phẩm “Dệt sắc xuân”, “Khúc nhạc xuân”; Liên hoan 3 nước Đông Dương được tổ chức tại Quảng trị với tác phẩm “Nơi Thượng Nguồn” và giành được 2 Huy chương Bạc trên cương vị là biên đạo múa. Ngoài ra chị còn làm biên đạo múa cho nhiều tác phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn như tác phẩm: “Cánh ô xuống núi”, “Nơi thượng nguồn”, “Những cô gái quê tôi”, “Tiếng vọng”, “Gọi xuân”…
Khi nhắc đến gia đình, chị thoáng trầm lặng: Động lực để theo đuổi nghề đến ngày hôm nay, là do tôi có một hậu phương vững chắc, gia đình luôn cảm thông và chia sẻ. Tôi không thể nào quên được những ngày tháng tôi công tác xa nhà, con nhỏ phải để lại cho chồng và người thân chăm sóc. Chạnh lòng khi những tiếng pháo hoa chào năm mới rộn rã là lúc cùng đồng nghiệp mới dọn dẹp đồ để về, lúc thì “xông” nhà mình, lúc thì 1 mình đón năm mới.
Tiết mục múa "Khúc nhạc xuân", tiết mục do nghệ sỹ Ưu tú Thanh Hương biên đạo, đoạt giải Khuyến khích tại Liên hoan múa quốc tế Ninh Bình năm 2017.
Con đường sự nghiệp của chị Thanh Hương có nhiều sự thay đổi cũng bởi 2 vợ chồng chị mỗi người công tác một nơi. Cũng vì muốn gia đình được gần gũi, chia sẻ, đến năm 2011 chị Hương lại một lần nữa quyết định trở về Đoàn Nghệ thuật Dân tộc công tác tỉnh và giữ các chức vụ Trưởng phòng tổ chức biểu diễn, Phó Trưởng Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh và đến năm 2022 chị xin nghỉ chế độ.
Tuy về nghỉ chế độ, nhưng chị Hương vẫn luôn cháy hết mình với con đường nghệ thuật mà mình đã lựa chọn. Hiện nay chị đang duy trì 2 lớp dạy múa với 30 học viên tham gia tập luyện thường xuyên. Ngoài ra chị vẫn dàn dựng những tiết mục múa cho các sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh hay tại các chương trình liên hoan nghệ thuật.
Gửi phản hồi
In bài viết