Tháng ngày Việt Bắc

- Quý III năm 2023, cuốn tiểu thuyết tư liệu “Tháng ngày Việt Bắc” của nhà văn Phù Ninh gồm gần 500 trang đã được Nhà xuất bản Xây dựng ấn hành.

Cách mệnh do Việt Bắc mà thành công

Nhà văn Phù Ninh từng là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy; Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Tuyên; Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin; Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang… Những cương vị đó giúp ông có được một vốn kiến thức lịch sử văn hóa đầy đặn, am hiểu sâu sắc. Qua những tháng năm miệt mài nghiên cứu, điền dã, qua các cuộc hội thảo khoa học, ông đã hệ thống hóa, biến những mốc thời gian quan trọng của lịch sử thành những cuốn tiểu thuyết tư liệu có giá trị, là cách để truyền bá đầy trách nhiệm lịch sử địa phương đến với độc giả. Những cuốn tiểu thuyết tư liệu của ông thôi thúc người đọc tìm kiếm nhiều hơn những mảnh ghép lịch sử để làm dầy dặn hơn kho tri thức của mình.

Nhà văn Phù Ninh.

Nhà văn Phù Ninh viết nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, kịch, thơ, viết sử địa phương. Không chỉ có kiến thức sâu rộng về giai đoạn lịch sử mình viết, về bối cảnh, đời sống văn hóa, tư tưởng của thời đó mà nhà văn thực sự là một người dấn thân, đam mê với lịch sử địa phương. Các tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến là “Tân Trào rạng ngày độc lập”, “Bác Hồ ở Tân Trào”; “Tân Trào toàn cảnh”, “Về Tân Trào”; “Trần Nhật Duật”; “Di tích lịch sử Tuyên Quang”, “Người con gái Thăng Long”, “Dòng Lô êm trôi”, “Đền thiêng”, “Tha hương”; “Tháng ngày Việt Bắc”, “700 năm danh xưng Tuyên Quang”... cùng nhiều bài viết về lịch sử văn hóa địa phương. Năm 2018, cuốn tiểu thuyết tư liệu “Về Tân Trào” của ông đã đạt Giải C giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, cuốn “Tháng ngày Việt Bắc” của ông vừa được quyết định trao giải B, giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của tỉnh, giai đoạn 2023 - 2025. Cuốn sách là nguồn sử liệu phong phú, sinh động, giúp người đọc thấy được sự vận động của lịch sử trong những giai đoạn có tính chất bước ngoặt của cách mạng.

Việt Bắc trước đây gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang. Năm 1941, sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về Cao Bằng. Tại đây, Người đã xây dựng căn cứ cách mạng, thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay, xuất bản báo Việt Nam độc lập, gọi tắt là Việt Lập.

Tháng 5/1945, trước những chuyển biến và yêu cầu mới của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Pác Bó về làng Kim Long, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), đặt cho Kim Long tên mới là Tân Trào, nghĩa là sóng mới. Sóng ở đây là sóng cách mạng đang lên như triều dâng. Người nhận định: Kim Long có sông Phó Đáy án ngữ đường vào, có núi Hồng chắn sau lưng, có đường đi các ngả đông tây lẫn lên ngược về xuôi. Đủ cả nhân hòa, địa lợi. Tại đây, Người đã mở trường Quân chính kháng Nhật để đào tạo cán bộ, thành lập Khu Giải phóng.

Theo nhà văn Phù Ninh, Tuyên Quang được chọn như một căn cứ hội tụ đủ các yếu tố để trở thành đại bản doanh của cách mạng thể hiện tầm nhìn thiên tài của Bác. Việt Bắc có dân tốt, cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt, thuận tiện làm trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược. Khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ.

Cuốn tiểu thuyết Tư liệu của nhà văn Phù Ninh.

Từ Việt Bắc, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã lãnh đạo cả nước làm cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết tư liệu là những câu chuyện về quá trình xây dựng, phát triển và củng cố lực lượng, huấn luyện cán bộ cách mạng, về quá trình thức tỉnh lòng yêu nước, tinh thần giác ngộ cách mạng trong các tầng lớp nhân dân.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự đoán chiến cuộc còn tiếp diễn vì dã tâm xâm lược nước ta của thực dân Pháp. Do vậy, trước khi rời Tân Trào về Hà Nội, Người đã cử cán bộ ở lại tiếp tục củng cố khu căn cứ địa Tân Trào và căn dặn: “Một số các cô, các chú còn ở lại địa phương đây, giúp đồng bào tổ chức cuộc sống sao cho tươi đẹp hơn, ấm no, văn minh hơn... Biết đâu, chúng ta còn trở lên đây nhờ cậy đồng bào lần nữa...”. Và sự tiên đoán, trù liệu đó của Người đã trở thành hiện thực khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai.

Kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi

Trước ngày toàn quốc kháng chiến, theo chỉ thị của Bác, căn cứ địa Việt Bắc vẫn tiếp tục được củng cố; khi chiến sự lan rộng, sau khi nghe báo cáo tình hình và khả năng phòng thủ của ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định “Ta lại về Tân Trào”. Từ Tuyên Quang, Người đã lên đường chỉ đạo Chiến dịch Biên giới 1950 giành thắng lợi.

Từ tháng 1/1951 đến tháng 5/1952, tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang, Người đã chủ trì, tham dự nhiều hội nghị, Đại hội quan trọng, gắn liền với thành công của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tổ chức tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa. Đây là Đại hội đầu tiên của Đảng được tổ chức ở trong nước và là Đại hội duy nhất được tổ chức ở địa phương ngoài thủ đô Hà Nội.

Suốt chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang luôn làm trọn nhiệm vụ thiêng liêng: Xây dựng, bảo vệ Thủ đô kháng chiến; bảo vệ an toàn tuyệt đối Bác Hồ và các cơ quan đầu não kháng chiến đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược đi đến thắng lợi.

Với “Tháng ngày Việt Bắc” có thể thấy văn chương viết về đề tài lịch sử vẫn có sự hấp dẫn, cuốn hút riêng, tác phẩm đặc biệt giá trị trong việc tôn vinh lịch sử dân tộc, có ý nghĩa cho cộng đồng và lịch sử văn hóa địa phương. Tác giả đã dày công, đầu tư thời gian công phu để tìm kiếm tư liệu, chắt lọc thông tin, ráp nối các dữ liệu chính sử, làm sống lại các nhân vật lịch sử rồi mới chuyển thể thành văn học. 

Cuốn sách gồm 2 phần. Phần I là thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám đến cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước thành công, lập nên Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Phần 2 là cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”.

Tiểu thuyết tư liệu nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước. Để tiểu thuyết tư liệu được biết đến nhiều hơn, nên chăng cần có sự đầu tư xứng đáng, đúng mức cho việc quảng bá, giới thiệu tác giả, tác phẩm tới đội ngũ hướng dẫn viên Du lịch tại các khu, điểm du lịch; giới thiệu đến các em học sinh, sinh viên trong nhà trường tại các giờ học ngoại khóa về lịch sử địa phương trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hoạt động giao lưu tác giả - tác phẩm và bạn đọc.

Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục