Minh họa: Hồng kiều |
Cỏ gianh lên xanh sau đồi. Chết dở, thế này lấy ai mà làm cỏ. Người trẻ đi lên công ty hết cả, người già đau ê ẩm xương khớp trong mưa xuân giá rét. Mẹ lại nhìn tôi: “Thế con Xuân có xuống được không?”.
Xuân là một cái đứa lốp bốp cao. Lúc làm thì hùng hục như trâu bò, đất bắn lên cả đầu bám vào tóc, hôm sau vẫn thấy đỏ quạch. Nhưng bất thần nó lại lăn đùng ra ốm sốt đến cả tuần lễ. Người ở vùng này cứ ra Giêng nhà hết tiền, hết gạo là đi lên thành phố làm công nhân, riêng nó cứ ru rú ở đất này, ai thuê gì làm nấy, vô lo, vô nghĩ. Mùa xuân ở chốn này thì có gì đâu, nghèo xác xơ và buồn nẫu ruột.
Tôi gọi điện, không thể tin được khi chỉ thấy vang lên tiếng ghi âm sẵn của tổng đài: “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được, xin quý khách...”. Bình thường cái “cục gạch” của nó mở 24/24. Ngày xưa, chính tôi là người cho nó cái sim điện thoại ấy. Cái số đẹp và dễ nhớ, gắn với bao cuộc hẹn của tôi với những cô gái đẹp. Nhưng rồi đến lúc ê chề và mệt mỏi chạy theo những cô nàng đỏng đảnh, những cuộc tình lỡ dở, tôi quẳng nó cho Xuân. Con bé dễ tính đến đần thối ra, ai thuê gì làm nấy, không trả công cũng làm, làm và hứng chịu mọi sự trách móc vô cớ của mọi người.
Tuần đầu tiên nó bảo tôi:
- Chú ơi, (ngày đó nó vẫn còn gọi tôi là chú) có nhiều cô gọi điện đến, hỏi cháu là ai mà dùng số này, hỏi chú đi đâu?
- Cứ bảo em chỉ là người mua lại số này, không biết của ai. Chấm, hết.
Tháng sau, tôi về, nó lại trách:
- Chú ơi, cháu thử rồi, hơn mười cô kia thì không gọi nữa nhưng còn ba cô dai lắm, hỏi đi hỏi lại. Lúc cháu bận làm cỏ với gánh phân xanh thì nhắn tin. Lúc cháu đi tắm thì cứ nháy máy.
- Ôi, chắc được dăm bữa, nửa tháng họ chán ấy mà. Em cứ dùng, đừng bỏ số này nhé.
Chẳng hiểu sao ngày đó tôi vẫn muốn đẩy cho nó cái tội nợ ấy, vẫn muốn hóng những người chạy theo mình trong sự tuyệt vọng. Một hôm, khi tôi đã chằng buộc đồ đạc lên xe, chuẩn bị xuống Hà Nội, nó đi ngang qua:
- Các cô ấy vẫn không tin, bảo cháu là ai? Cháu nghe lời chú dặn tự nhận là em gái chú. Các cô ấy bảo xem gia phả nhà chú rồi. Chú là độc nhất, lấy đâu ra em gái.
Tôi mặc kệ cái mặt đần thối của nó, vừa phóng xe đi vừa cười đắc ý. Nhà tôi thì lấy đâu ra gia phả, phét lác vừa thôi. Mẹ tôi bảo, năm nay cái Xuân làm đều đặn hơn, ít thấy nó ốm, nhanh nhưng lại ẩu. Cỏ keo, cỏ xoan chả mấy lại thấy lên. Cỏ ngô thì tốt um. Tôi bảo nó đang tuổi lớn, khéo còn đang tơ tưởng thằng nào. Đợi ít bữa nữa nó “trải đời” rồi lại đâu vào đấy cho mà xem.
*
Phòng tôi có nhõn ba người. Một bà chị gần năm mươi, mặt lạnh tanh và chỉ suốt ngày lo buôn bán kiếm thêm, đi làm mắt trước mắt sau là biến. Thằng còn lại tên Phong có xe hơi, hay đón tôi, hay rủ tôi nhậu. Một lần đứng trên đồi phía sau nhà tôi, thằng Phong thầm thì:
- Nhìn kìa, ngon phết, cặp giò như sắn bóc, ở cái chỗ khỉ gió này lại có “gà đồi” nhỉ.
Tôi biết chẳng có con gà đồi nào cả. Nó chỏ con Xuân chứ gì nữa. Nhưng tôi mặc, kệ cho nó và những mưu mô ranh mãnh. Tôi liếc nhìn con bò rồi đi tắm, đợi mẹ lên mâm các món thì vào nhậu. Bỗng lát sau thấy con Xuân khóc tức tưởi chạy xéo qua cổng nhà tôi xuống dưới thung. Thằng Phong tuy cười ré lên nhưng ống quần te tua một bên, mặt vẫn chưa hết vẻ hoảng hốt. Nó bảo bị con mun nhà tôi cắn. Có cả một con bò đực dớ dẩm ở đâu đến tiếp sức. Lát sau tôi lên hái lá nhội về ăn kèm thịt chua, thấy một đám cỏ gianh bị quần thảo, một vài sợi vải quần ka ki loại sịn sò vương vãi. Con bò “dớ dẩm” thì vẫn đứng đó, mắt sáng quắc đầy vẻ kiêu hãnh của một chiến binh bảo vệ lẽ phải. Tôi biết thằng Phong nói dối, nhưng tôi nghĩ tốt nhất là im lặng.
**
Mẹ giục tôi lấy xe xuống tìm cái Xuân. Tôi đã có nhà dưới Hà Nội, lái xe hơi đi làm, giờ leo lên con xe máy cà tàng không yếm, không đề đóm đến phát nhọc. Nhưng đường về nhà Xuân là lối mòn, chỉ có thứ xe ấm ớ này mới sang được. Tôi đi, tháng Giêng thấy đất quê còn rộng lắm, các dự án du lịch hình như vẫn còn mải “đánh bắt” tận đẩu đâu mà chưa về đến đây. Tôi hỏi thăm, người ta chỉ. Người biết, người không, nhưng rốt cuộc: “Xuân á, chết từ năm ngoái rồi, trên đồi ấy”; “Xuân à, đúng rồi, trắng, to, bỏ chồng vì nghiện, theo con gái ra Hà Nội lâu rồi”. “Xuân à? À, nhà nó gọi là con Sơn. Đi đâu nó tự phịa ra là Xuân cho điệu thôi…”. Tôi đến ù cả hai tai, sao ở đây lắm xuân thế? xuân già, xuân trẻ, xuân thật, xuân giả, nhưng cái Xuân mà tôi tìm nó đơn giản lắm mà. Nó cao, to, trắng, mặt đần thối, chả xinh, cũng chả có tí gì khôn ngoan để hấp dẫn.
Tôi đi, để lại sau lưng những cái nhìn hồ nghi, họ rỉ tai nhau, bàn tán và cười thích thú. Có người còn hỏi tôi sao năm sớm đã để vợ bỏ về ngoại sớm thế.
Mấy thằng con trai đang làm vườn bắt đầu tỏ thái độ, chắc họ nghĩ tôi là thằng đi tán gái, kiểu trai làng quyết giữ gái làng. Đi miết theo hướng mẹ chỉ thế nào tôi lại gặp sông. Tôi dừng xe lấy điện thoại ra chụp, cảnh đẹp mê hồn, sương khói bảng lảng trên mấy nhà nơi xóm núi ven sông. Nhưng làm sao tìm được cái Xuân? Ở cuối đường, chỗ có con đò vừa sang sông, một người chả rõ trai hay gái đang ngồi câu, lù lù một đống. Thôi thì - như câu ngạn ngữ nào đó tôi đã đọc hay có khi tôi lại là người nghĩ ra - nói rằng đã đi đến cuối đường thì dù gặp người hay con bò, cái cây cũng đành phải hỏi:
- Bác gì ơi, cho hỏi quanh đây có cô bé nào tên Xuân người cao cao, trắng trắng hiền lành không bác (hai từ hiền lành là tôi chữa lại sau những lần hỏi thăm toàn dùng từ ngố ngố để tả về Xuân).
Người ấy hất cái nón ra, hất cả cái mũ áo chùm đầu rồi nhìn tôi mặt méo xệch.
- Cháu, à em đây chứ còn con Xuân nào nữa.
- Dạo này lại có hứng đi câu cơ đấy, không ai thuê nữa à? (tôi vẫn hay đùa ác kiểu như thế).
- Em đến chết với cái sim điện thoại của anh. Em không dám ở nhà nữa. Có người dọa lên tận đây giết em, băm xác, vứt xuống sông cho cá ăn luôn.
- Sao thế?
- Tưởng đã lâu rồi thì thôi, ai ngờ hôm qua có một chị gọi vào số em hỏi anh đâu, hỏi em là ai, tên gì nhà ở chỗ nào? Em nói rồi lúc sau chị ấy gọi lại, bảo biết rõ em là ai, cho em một cơ hội, một là nói thật, hai là sẽ cho em biết “lễ độ”. Em bảo em chỉ là người làm thuê cho nhà anh theo thời vụ. Nhưng chị ấy vẫn không tin, rồi hỏi em có hoặc không? Em… chót lỡ mồm.
- Nhưng có hoặc không cái gì chứ? - tôi gắt.
- Hỏi em có phải là vợ anh Thắng nhà ở Phú Lương không? Chỉ cần nói “có” thì chị ấy sẽ buông tha. Em bảo “có”… thế là chị ấy dọa giết em. Em sợ quá tắt máy, không dám ở nhà, toàn ra đây, mặc kín mít. Tắt máy thì lại chả có ai gọi đi làm cả.
- Thế câu được con cá nào chưa - Tôi lảng sang chuyện khác cho đỡ ngượng vì tự dưng thấy sao bây giờ mặt Xuân xinh hơn xưa, có duyên và luôn ửng hồng chứ không còn trắng bềnh bệch nữa.
- Làm gì có dây cước và lưỡi câu đâu anh, là em cắm cái cây trúc xuống sông cho đỡ buồn thôi, mà anh tìm em có việc gì?
Tôi không nói là mẹ tôi bảo tìm Xuân về để làm cỏ nữa. Tự dưng tôi thấy thương đôi bàn tay trắng và tròn, cái dáng cao tròn trịa, khuôn mặt hiền của Xuân. Tự dưng tôi thấy biết ơn con mun, con bò dớ dẩm đại diện cho công lý. Tháng Giêng, xanh mướt một màu tươi mới của đồng bãi núi đồi, dường như lòng người còn trẻ lại hơn cả cỏ cây. Tôi cứ cầm tay Xuân mà ngồi bên em như thế, mặc cho cái mặt em đờ đẫn ra rồi tự ửng hồng lên liếc nhìn tôi đầy ngượng ngịu khi nghe tôi bảo: “Người ta hỏi thế là phải, mà em trả lời thế cũng chả sai…”.
Gửi phản hồi
In bài viết