Vẻ đẹp mùa xuân mang đến nguồn cảm xúc cho các thi nhân.
Trong dòng chảy thi ca Việt, mùa xuân đã đi vào vô vàn các tác phẩm thi ca, trở thành một dòng chảy dạt dào với nhiều cung bậc cảm xúc. Vẻ đẹp của mùa xuân trong ca dao truyền thống gắn với lao động sản xuất, gắn với vẻ đẹp của thiên nhiên, của đất trời:
“Mùa xuân phơi phới vườn hồng
Ta về đập đất, ta trồng lấy cây
Xuân về cúc lại nở hoa
Trên cành chim sáo hát ca rộn ràng
Và người xưa cũng ý thức rất rõ về việc phải hưởng thụ mùa xuân, hưởng thụ tuổi trẻ bởi cái quãng đẹp nhất của đời người ấy không bao giờ trở lại lần thứ hai: “Chơi xuân cho hết xuân đi/ Cái già xồng xộc nó thì theo sau”.
Mà đã chơi xuân thì bao giờ cũng phải có đủ nam đủ nữ, phải có tình yêu lứa đôi thì mùa xuân mới thêm đắm say rạo rực nồng nàn: “Có nam có nữ mới nên xuân, Ăn chơi cho hết tháng hai/Cho làng đóng đám cho trai dọn đình/Trong thì chiêng chống rập rình/ Ngoài thì trai gái tự tình cùng nhau”.
Phong trào Thơ Mới 1932-1945, đỉnh cao của thơ ca Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX có rất nhiều thi phẩm độc đáo, xuất sắc về mùa xuân. Với Xuân Diệu thì mùa xuân thường gắn tuổi trẻ và tình yêu. Xuân trong cảm thức của “ông hoàng thơ tình” là nguyên đán của tình yêu, là sự khai mở của tâm hồn con người. Nó mời gọi và hiến dâng, nồng nàn và say đắm. Trong bài thơ “Vội vàng”, ông tha thiết:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si...”
Nhà thơ đã nắm bắt được những nét đặc trưng của mùa xuân. Mùa xuân là mùa của ong bướm, cỏ cây, hoa lá... Mùa xuân trong thơ Xuân Diệu tràn đầy sức sống. Sức sống của mùa xuân cũng chính là sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ.
Hàn Mặc Tử cũng viết về mùa xuân nhưng không vồ vập, sôi nổi, đắm say như Xuân Diệu mà trầm tĩnh, nhẹ nhàng, sâu lắng. Mở đầu bài thơ “Mùa xuân chín” là khung cảnh: “Trong làn nắng ửng khói mơ tan/Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/Sột soạt gió trêu tà áo biếc/Trên giàn thiên lý/Bóng xuân sang”. Thi sĩ cảm nhận một cách tinh tế sự biến đổi không gian. Đúng vào thời điểm “khói mơ tan” cũng là lúc “đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng”. Thiên nhiên dưới con mắt của Hàn Mặc Tử cũng tình tứ lắm. Nếu Xuân Diệu khoe “này đây hoa của đồng nội xanh rì” thì Hàn Mặc Tử chỉ lặng lẽ tả “sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời”. Và trong cái khung cảnh mùa xuân tràn đầy sức sống đó xuất hiện “bao cô thôn nữ hát trên đồi”. Họ đang hát một cách say sưa. Thi sĩ dường như vừa nghe, vừa nhìn, vừa cảm.
Và ngày hôm nay, lớp lớp thế hệ nhà thơ xứ Tuyên gọi trọn tình xuân qua những vần thơ trào dâng sức sống. Trước vẻ đẹp thiên nhiên mỗi người có cảm tác riêng. Đó là một Ngọc Hiệp với những hân hoan, reo vui khi nàng xuân chạm ngõ:
“Em có nghe mùa xuân...
Em có nghe rừng cây
Mở lá mầm đón gió
Chim bay về làm tổ
Ríu rít đôi, từng đôi”
(Thầm thì mùa xuân)
Hay đó là một Cao Xuân Thái với một khung trời riêng bình yên, tuyệt đẹp của lứa đôi hò hẹn: “Mỗi mùa xuân búp lộc lại trùng trùng/Hát mãi chiếc lá không còn héo rũ/Em tựa vào anh ngắm ngôi sao mất ngủ/Đang lịm đi trong thăm thẳm lòng trời...” (Đêm lá hát).
Mùa xuân, mùa giao cảm con người với tạo vật. Mùa không của riêng ai. Thế nên, người làm thơ chỉ làm cái việc phô diễn những rung cảm khó cầm lòng được ấy bằng những con chữ đặt lên trang giấy. Không gian mùa xuân được các nhà thơ khắc họa bằng những nét chấm phá độc đáo và sống động trong tiết sang mùa. Và Nguyễn Tuấn miêu tả một mùa xuân theo cách thật khác lạ: “Xuân đã tới như cây đầy nhựa ứa/Lành vết đau rạn nứt cuối đông tàn” (Xuân).
Mùa xuân đẹp không chỉ cách sắc nên thơ mà mùa xuân còn mang đến nguồn sinh khí mới, liều thuốc diệu kỳ chữa lành mọi vết thương trong tâm hồn. Và từ đó lòng người rộn những khúc hoan ca, động lực để bước vào một năm mới nhiệt huyết, cống hiến và sống trọn vẹn hơn.
Và đến mùa xuân xứ Tuyên, du khách không khỏi lưu luyến trước những lễ hội đầu năm. Mùa của đoàn viên gắn kết tình làng nghĩa xóm, mùa của đôi lứa hò hẹn sánh bước bên nhau. Dòng người nô nức chen chân bước vào đêm hội, lời ca, tiếng nhạc, điệu múa làm bừng thêm sức xuân. Không gian mùa xuân rộn ràng xua đi cái tĩnh mịch thường ngày của màn đêm núi rừng: “Trai làng trên chân xòe trái núi/Gái bản dưới ngực nở trái đồi/Tìm nhau qua ánh mắt/Mời nhau uống câu hát người Tày” (Đêm hội - Tạ Bá Hương).
Vẻ đẹp của các thiếu nữ đôi mươi mười tám căng tràn sức sống khiến bao người khó rời mắt được: “Thêm một chút má hồng/Một đôi môi thắm đỏ/Xấu hổ gì đẹp quá/Xuân đang về bên ta” (Hội làng - Nguyễn Hữu Dực).
Vẻ đẹp của thiếu nữ không chỉ nằm trên đôi má hồng mà còn nằm trong đôi mắt kẻ si tình. Và bước vào mùa xuân, thi sỹ cũng chếnh choáng men say để khi ngắm nhìn một dáng hình bước đi trong làn mưa xuân, Ngọc Hiệp chợt thổn thức và ước ao: “Tôi muốn hồn tôi thành mưa bụi/ Vương trên gò má đỏ hây hây/Mưa xuân của trời dành cho đất/Như tình em đến để tôi say?” (Mưa xuân).
Mùa xuân đang tràn về khắp muôn nơi, mùa xuân mang đến cho thi sỹ những xúc cảm dâng trào. Những rung động ấy là động lực khơi gợi sức sáng tạo để từ đó các thi nhân có thêm những tác phẩm tươi mới về mùa xuân đất nước, mùa xuân của tình yêu. Đọc thơ xuân vào những ngày xuân, lòng người như trẻ lại, vui tươi, rộn rã và tràn ngập những hân hoan.
Gửi phản hồi
In bài viết