Thơ tình xứ Tuyên

- Đối với các nhà thơ dù thiên về thể loại gì thì vẫn “thổn thức” vài bài về thơ tình. Thơ tình vừa dễ mà cũng thật khó, vì người viết phải có cảm xúc mạnh mẽ, rung động thật sự tươi mới. Ở đó tác giả thể hiện một thứ tình yêu nam nữ khát khao, cháy bỏng, sự tiếc nuối trong quá khứ hay vẻ đẹp lãng mạn, trong trắng, tinh khôi của thuở ban đầu. Mùa xuân vạn vật đất trời đổi thay, mùa của lễ hội, đây cũng là mùa nói về tình yêu đôi lứa thật đẹp, mùa của sinh sôi, nảy nở, sự phát triển.

Nhà thơ Cao Xuân Thái viết bài “Cúc tím ngày xa em” có đoạn “Em gánh hoa về phố/Cúc tím màu trinh nguyên/Nhắn gửi người xa cách/Em mong hoài từng đêm/…Ngày anh về gặp lại/Tuyên vẫn màu Thu riêng/Em lại về xứ khác/Nâng nhành cúc mà thương/Thành cổ buồn nhạc Trịnh/Ly cà phê đắng lòng/Anh xòe bàn tay trắng/Sao vẫn thầm nhớ mong”.

Còn nhà thơ Tạ Bá Hương viết về tình yêu nam nữ của kẻ mới lớn, có tình cảm với nhau. Sau này xa nhau, ký ức ấy, tình yêu ấy nó vẫn hiện về. Bài “Đồng dao chia nửa” thể hiện rõ “Bắt đền - mười búp ngón tay/Ta về tìm thuở gọi mày, xưng tao/Bờ sông chia gió lao xao/Dấu chân bến cát năm nào còn in/Bắt đền - một ánh mắt nhìn/Ta soi ta giữa niềm tin vỗ về”.

Ở Tuyên Quang nhiều người biết đến nhà thơ Ngọc Hiệp với nhiều bài thơ tình. Tuy tuổi đã cao nhưng thơ tình của ông luôn dạt dào cảm xúc. Trong bài “Chợ rừng Lim”, ông viết “Chợ phiên năm có một ngày/Người đi sắm Tết chật đầy như nêm/Còn tôi đi chợ rừng Lim/Không mua không bán chỉ tìm người xưa/Nhớ phiên chợ ấy, trời mưa/Cái tầu lá cọ em đưa tôi cầm/Chẳng quen nhưng cứ tần ngần/Thương cho con mắt lặng thầm trông xa”. Rồi bài “Hương hoa bưởi” ông viết: “Chạnh lòng nghĩ tới ngày mai/Mùi hương ấy cũng theo ai lấy chồng/Tình là “Sắc sắc” “Không không”/Đa mang chỉ để bận lòng người dưng”! Trong bài Lời ru giăng mắc nhà thơ giãi bày: “Nhìn sang cửa sổ nhà em/Đôi cánh chẳng khép, mảnh dèm chẳng buông/Tiếng cười như thể tiếng chuông/Ngân nga vọng tới căn buồng nhà tôi/Tiếng chuông nghe đã quen rồi/Âm thanh ấy vẫn bồi hồi thiết tha/Như ngày xưa ước mơ xa/Em đòi áo cưới màu hoa tím hồng”.

Tình yêu là đề tài bất tận cho các nhà thơ sáng tác.

Về vùng quê Chiêm Hóa giàu bản sắc, nhà thơ Tống Đại Hồng thể hiện thơ tình thật tinh tế trong bài “Đâu rồi sông ơi”: “Bến nào giặt áo em cười/Lung linh bóng nước giương trời còn đâu/Chỗ nào thả lưới buông câu/Dòng trơ hoang mạc dãi dầu nắng mưa”. Cũng viết về sông với đề tài tình yêu, nhà thơ Phạm Thạch Hoàng có bài “Lời hẹn sông Lô”: “Anh thả lưới/Con cá quẫy vào nỗi nhớ/Nhớ người con gái sông Lô anh chưa có dịp trở về thăm/Nhớ đêm trăng bên dòng sông thao thức/Em kể anh nghe cả miền ký ức”. Cùng giống tâm trạng của các nhà thơ viết thơ tình, nhà thơ Nguyễn Hữu Dực có chút thương nhớ thiếu nữ vùng cao. Bài “Na Hang hôm ấy”, nhà thơ thả lòng “Nhủ lòng chút nhớ chút yêu/Em xinh tươi nền thổ cẩm/Váy núi buông màu vàng óng/Ngù hoa thơm cả cánh rừng”.

Nói về thơ tình, nhà thơ Vương Huyền Nhung tả thật dữ dội trong bài “Hoa lửa Pà Thẻn”: “Hỡi những người con trai thân hình như cây lim cây sến/Hỡi những người con gái rực rỡ như vì sao trên ngàn/Thầy mo đã cúng/Thần linh đã về/Lửa reo trong mắt/Lửa cháy trong tim/… Em vượt mười non/Em qua chín sông/Gió hú theo tiếng leng keng/Xuân đầy ăm ắp bản/Hoa lửa hội nay cho em tìm về/Chén rượu tim linh anh dốc cạn/Huyền bí em mang”.

Nhân ngày Lễ tình yêu 14-2 hàng năm, chúc cho những ai đã yêu, đang yêu và sẽ yêu, có một tình yêu, một ký ức yêu đẹp, ngọt ngào. Đây sẽ là một đề tài lớn, bất tận của thi ca, ai đọc cũng thấy mình trong đó.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục