Nhà văn Đỗ Bích Thúy: “Chăm chỉ lao động và sáng tạo văn chương mỗi ngày...”

- ​“Hãy viết mỗi ngày. Đừng ngày nào dừng viết. Cả cuộc đời văn chương của cháu có thể viết vài chục nghìn trang. Trong vài chục nghìn trang ấy có vài trăm trang đọc được, trong vài trăm trang ấy lại có vài chục trang bạn đọc nhớ tới, thì như vậy cháu đã thành công rồi”. Đỗ Bích Thúy luôn nhớ lời tiền bối, cố nhà văn Nguyễn Khải từng dặn dò. Chị luôn tự rèn mình, cần mẫn trên cánh đồng chữ. Mỗi ngày trôi qua tích lũy từng chút một để giờ đây chị sở hữu tài sản văn chương cùng nhiều kinh nghiệm đáng học hỏi.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy ký tặng các độc giả trẻ Tuyên Quang.

Đỗ Bích Thúy công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Chị làm nên tên tuổi của mình trong văn đàn Việt Nam nhờ những tác phẩm thấm đẫm phong vị đại ngàn. Đến nay, sau hơn 20 năm cầm bút chị đã cho ra đời 23 cuốn sách gồm cả truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn. Đặc biệt có những tiểu thuyết được chuyển thể thành những bộ phim “ăn khách” của điện ảnh Việt như: Chuyện của Pao, Lặng im dưới vực sâu, Chúa đất...

Vừa qua, nữ nhà văn có buổi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về sáng tác văn chương cho các văn nghệ sỹ xứ Tuyên. Chị đã truyền cảm hứng cho văn nghệ sỹ xứ Tuyên về con đường văn chương với sự cần mẫn chăm chỉ, nỗ lực. Cũng như việc dấn thân, hòa mình đi sâu vào đời sống văn hóa đồng bào miền núi để khai thác viết nhiều tác phẩm về mảng đề tài giàu sức hút này.

Để trở thành nhà văn chuyên nghiệp không phải là điều dễ dàng, ngoài tài năng, năng khiếu bẩm sinh, sự từng trải thì văn chương còn đòi hỏi người viết sự rèn luyện không ngừng và nghiêm khắc chuyên tâm. Bởi văn chương luôn đòi hỏi cái mới và vô cùng khắt khe. Đỗ Bích Thúy luôn đề cao, coi trọng sự cần mẫn, đào sâu tìm tòi trong văn chương. Người viết văn phải có thói quen lao động liên tục, liên tục. Phải lao động thì mới có thành quả. Phải viết thì mới có tác phẩm để bạn đọc đánh giá những gì mình viết có đáng để đọc không, chứ không viết hoặc viết ít quá thì bạn đọc lấy gì mà đánh giá. 

Chị trải lòng: “Việc mỗi năm phải in một cuốn sách mà tôi nói đến ấy, thực ra xuất phát từ câu chuyện giữa tôi và nhà văn Nguyễn Khải. Khi ông còn sống, tôi hay viết thư cho ông, rồi ông lại viết cho tôi (khi đó ông sống trong TP.HCM): “Hãy viết mỗi ngày. Đừng ngày nào dừng viết. Cả cuộc đời văn chương của cháu có thể viết vài chục nghìn trang. Trong vài chục nghìn trang ấy có vài trăm trang đọc được, trong vài trăm trang ấy lại có vài chục trang bạn đọc nhớ tới, thì như vậy cháu đã thành công rồi”. 

Bên cạnh đó, nữ nhà văn trẻ khẳng định rằng, đề tài văn học dân tộc thiểu số miền núi là một “đề tài vàng” để các tác giả xứ Tuyên khám phá, chinh phục. Muốn vậy các tác giả phải hòa mình, thâm nhập vào đời sống đồng bào miền núi để cảm được nội lực, tâm tư, số phận mảnh đời con người nơi đây. Viết văn khác với viết báo. Khi đứng trước một nhân vật, viết báo là phản ánh hiện thực còn viết văn là phải biết chọn lọc những chi tiết đắt, đặc điểm riêng cùng với trí tưởng tượng của mình để xây dựng một nhân vật đặc trưng trong tác phẩm của mình.

Tuyên Quang là mảnh đất có nhiều nét văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc của 22 dân tộc anh em. Do đó, các nhà văn xứ Tuyên hãy viết về những điều thân thuộc nhất, thuộc như lòng bàn tay, như là hơi thở, như là máu. Các tác giả hãy đi sâu vào mảng đề tài miền núi. Mảng đề tài không khó để chinh phục nếu chúng ta biết dấn thân một cách nghiêm túc.

Khi được hỏi, hàng chục năm cầm bút, phần lớn viết về miền núi, cần phải có một nguồn tư liệu khổng lồ. Vậy nhà văn Đỗ Bích Thúy có nhiều cách để tích lũy tư liệu. Chị bật mí rằng: “Bên cạnh việc thâm nhập thực tế, tôi là người luôn có ý thức về việc tích lũy tư liệu qua đọc sách, báo, internet... Đặc biệt, qua những công trình nghiên cứu lớp lang về văn hóa Mông, Tày... được nghiên cứu dày dặn.

Các nhà nghiên cứu đã làm thay nhà văn những việc khó khăn nhất rồi. Họ dành cả đời để đi điền dã, đọc hàng nghìn trang sách, nghe hàng trăm nghệ nhân kể chuyện… Những công trình của họ là nguồn tư liệu cực kỳ quý giá đối với người sáng tác. Việc của nhà văn chỉ là đọc, hiểu và xử lý tư liệu đấy như thế nào cho nó phù hợp với tác phẩm văn học. Tôi thực luôn cảm thấy biết ơn họ. Và sau cùng là những chuyến trở về. Quay trở về khiến cảm xúc của nhà văn trở nên sống động và hưng phấn hơn. Đồng thời, những chuyến trở về giúp nhà văn quan sát miền núi chuyển mình. Có những sự thay đổi có thể nhìn thấy bằng mắt”.

Với những chia sẻ, quan điểm trong sáng tác văn chương đề cao sự cần mẫn, đi sâu tìm tòi khám phá những điều thân thuộc xung quanh, Đỗ Bích Thúy đã truyền cảm hứng cho văn nghệ sỹ xứ Tuyên nỗ lực hơn nữa. Đó là việc chú trọng khai thác mảng đề tài miền núi, thân phận con người vùng cao. Hy vọng rằng trong thời gian tới, độc giả xứ Tuyên sẽ được thưởng thức nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết mang đậm hơi thở cuộc sống miền núi quê mình.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục