Trong bài thơ “Mảnh hồn quê” ông tự bạch: “Tôi là hạt lúa nhà nông/Yêu con chim gáy mỏ hồng chạm lên/Chuỗi cườm lấm tấm trắng đen/Ước ao nhỏ xíu rắc trên cánh đồng”. Có lẽ sinh ra từ làng nên nhà văn Nguyễn Quốc Trí có cái nhìn thấu hiểu, tinh tế về làng quê.
Nhà văn Nguyễn Quốc Trí.
Từ trung tâm thành phố Tuyên Quang chạy xe theo Quốc lộ 2 đến thôn Tân Khoa, xã Thái Hòa (Hàm Yên) hỏi ai cũng biết gia đình nhà văn Nguyễn Quốc Trí. Tiếp chúng tôi ông rất hồ hởi, bởi lại có khách tọa đàm về văn chương. Ông kể quê cha đất tổ ở tận Vụ Bản, Nam Định nhưng sinh ra và lớn lên tại xã Thái Hòa. Ngay thời học ở trường làng, Nguyễn Quốc Trí đã tỏ ra thích văn thơ, năm 1972 đã bắt đầu sáng tác. Năm 1975, ông được gọi đi bộ đội theo lệnh tổng động viên vào chiến trường miền Nam. Rồi được chọn học trường Sỹ Quan Lục quân 2, ông tiếp tục học bổ túc viết kịch nói tại trường Văn học nghệ thuật Việt Bắc, sau chuyển về Quân khu 1 làm báo.
Năm 1987, ông chuyển ngành từ báo Quân khu 1 về báo Hà Tuyên, 1988 là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Năm 1989, Nguyễn Quốc Trí chuyển sang làm Báo Tân Trào rồi đi học trường Viết văn Nguyễn Du. Do việc chia tách tỉnh Hà Tuyên, ông được phân công lên Hà Giang làm báo, học tiếp cử nhân chính trị. Được một thời gian ông lại về Hà Nội làm Phó tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới của Trung ương Hội Nông dân. Năm 2011, ông xin nghỉ hưu trước tuổi về sinh sống tại
Hà Giang. Bao nhiêu năm xa quê luôn thôi thúc, năm 2018 ông quyết định chuyển về quê xã Thái Hòa sinh sống. Năm 2022, ông lại được tái kết nạp vào Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang.
Nhà văn Nguyễn Quốc Trí viết đều tay ở cả tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, thơ, đặc biệt là mảng đề tài cho thiếu nhi. Đến nay ông đã xuất bản tập truyện ngắn “Đêm chồng vợ”, NXB Thanh niên 1992; tiểu thuyết “Được mùa người”, NXB Hội Nhà văn 1995; truyện tranh (viết lời) “Nghĩa quân Sùng Mí Chảng”, NXB Kim Đồng 1996; truyện tranh (viết lời) “Sùng Dúng Lù vào hang phỉ”, NXB Kim Đồng 1996; tập truyện ngắn “Bầu trời có một ngôi sao”, NXB Quân đội 2003 và một số tập truyện, thơ in chung khác. Hiện nay, ông đã hoàn thành nhiều bản thảo, sắp in như: “Tiếng gáy” - tập truyện thiếu nhi; “Mặt trời đi trốn” - tập thơ thiếu nhi; “Xứ sở” - tập thơ; “Những quả chuông” - tập thơ; “Tháng ngày dang dở” - tập thơ; “Xó rừng” - tập truyện ngắn…
Quan niệm sáng tác của nhà văn Nguyễn Quốc Trí là chân thực, nhân văn, không bôi đen, tô hồng thô thiển, ông quan tâm đến số phận con người. Ông rất yêu thích lối viết của nhà văn Sê khốp, Bunin (Nga), Kawabata (Nhật), Nam Cao, Nguyễn Huy Thiệp. Ông đang thử phương pháp sáng tác hiện thực huyền ảo và liêu trai. Theo nhà văn Nguyễn Quốc Trí, để có tác phẩm hay thì ngoài lối viết riêng của tác giả thì tư tưởng của tác phẩm phải có tính phản biện cao. Ông đã từng đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ
Quân đội năm 1987 với tác phẩm “Về quê lấy vợ”; Giải thưởng truyện ngắn hay của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1988 với tác phẩm “Đêm chồng vợ”; giải C thơ Cuộc thi viết về thiếu nhi dân tộc miền núi của Báo Thiếu niên Tiền phong và NXB Kim Đồng năm 1994 -1995 với tác phẩm “Ngôi nhà quê em”. Ngoài ra, ông còn được nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi thơ, truyện ngắn, ký của Hội Văn học - Nghệ thuật Tuyên Quang, Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Giang tổ chức.
Cả đời nhà văn Nguyễn Quốc Trí tất bật với nghề làm báo. Nghề báo có ảnh hưởng đến nghề văn, tuy nhiên nó cũng lấy đi quỹ thời gian khá nhiều của ông. Ông đã có thời gian đi bộ đội sống ở miền Nam, đi công tác sống ở vùng cao Hà Giang và về Thủ đô Hà Nội phồn hoa, tấp nập. Mỗi nơi cho ông một kinh nghiệm sống, một cái nhìn đa chiều về xã hội. Nay nghỉ hưu được về quê sống, ông như thảnh thơi, sống chậm lại. Đây là không gian và thời gian cho nhà văn Nguyễn Quốc Trí bùng nổ đam mê sáng tác của mình.
Gửi phản hồi
In bài viết